Cụ thể, Mỹ chi để thực hiện các kế hoạch quân sự 611 tỷ USD (tăng 1,7% so với năm 2015); Trung Quốc là 215 tỷ USD (tăng 5,4%) và Nga ở mức 69,2 tỷ USD (tăng 5,9%).
Số liệu này được Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 24/4 trong Báo cáo thường kỳ về buôn bán vũ khí và xu hướng chi tiêu quân sự của một số quốc gia quan trọng.
Saudi Arabia, vốn đứng thứ ba trong "bảng xếp hạng" năm 2015, đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong năm ngoái với tỷ lệ cắt giảm ấn tượng tới 30%, còn 63,7 tỷ USD.
Báo cáo cũng ghi nhận mức chi cho các loại trang thiết bị vũ khí-quân sự không đồng đều tại các khu vực. Nếu như châu Á, châu Đại Dương, Trung Âu, Đông Âu, Bắc Phi và Bắc Mỹ có xu hướng gia tăng, thì các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, vùng Caribe, Trung Đông và châu Phi lại cắt giảm chi phí trang bị vũ khí khí tài.
Báo cáo của SIPRI ghi nhận chi tiêu quân sự của Nga kể từ năm 2007 đến nay tăng 87%, trong đó mức chi năm 2016 tương đương 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây là tỷ lệ cao nhất trong lịch sử nước Nga đương đại.
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm ngoái giảm 20% so với năm 2010, liên quan tình trạng khủng hoảng kinh tế trong nước cũng như quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq.