Chèo đò thu tiền tỷ trên vịnh Hạ Long: Chính quyền nói gì?

TPO - Mặc dù được BQL vịnh Hạ Long chấp thuận phương án kinh doanh chèo đò tay đưa du khách tham quan vịnh nhưng mức độ an toàn của loại hình dịch vụ này còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp vẫn “mạnh ai nấy làm” gây ảnh hưởng đến hình ảnh di sản.

Lúng túng trong quản lý

Ngoài các tuyến tham quan cố định, vịnh Hạ Long còn có các loai hình dịch vụ kèm theo do các doanh nghiệp, cá nhân tự lập ra. Chèo thuyền kayak, đi xuồng cao tốc, chèo đò tay…là các loại hình dịch vụ phát triển khá lâu trên vịnh Hạ Long. Doanh nghiệp, cá nhân tự đầu tư thuê nhân công, mua sắm trang thiết bị và họ cũng tự chọn địa điểm kinh doanh cho mình.

Cty TNHH MTV Nam Tùng là một trong những doanh nghiệp hoạt động dịch vụ lâu đời trên vịnh Hạ Long (từ năm 2003). Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này nắm trong tay hàng trăm xuồng, thuyền, đò cùng với lực lượng nhân công hùng hậu. Mặc dù hoạt động hàng chục năm nay, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng từ các loại hình dịch vụ nhưng về mặt thủ tục pháp lý công ty này vẫn chưa hoàn thiện.

Chèo đò tay thu hàng chục tỷ mỗi năm trên vịnh Hạ Long.

Trong buổi làm việc với đại diện UBND thành phố Hạ Long, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thành phố cho biết, hiện tại thành phố đang lên phương án đấu thầu các loại hình dịch vụ này thay vì trước đây giao cho BQL vịnh Hạ Long ký hợp đồng từng năm một với doanh nghiệp.

Trong buổi làm việc, ông Sơn mời thêm 2 vị đại diện của BQL vịnh Hạ Long và BQL công trình đô thị để giải đáp những thắc mắc của phóng viên (PV) nhưng sau một hồi trao đổi, ngay cả 2 vị đại diện này cũng không nắm rõ những vấn đề mà PV đưa ra. Đặc biệt, vị đại diện BQL vịnh Hạ Long cho biết: “Từ năm 2019, BQL vịnh đã không còn ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động dịch vụ trên vịnh”.

Từ năm 2019, BQL vịnh Hạ Long chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp thuyê mặt nước, nhưng các loại hình dịch vụ vẫn mặc nhiên hoạt động cho đến nay.

Mặc dù khẳng định không ký hợp đồng nhưng những người đại diện chính quyền có mặt tại buổi làm việc không ai công nhận đó là loại hình dịch vụ không phép và cũng không giải thích được việc không ký hợp đồng nhưng các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động, thu hàng chục tỷ mỗi năm.

Đặc biệt, bản hợp đồng mà vị đại diện BQL vịnh Hạ Long đề cập đến chỉ là hợp đồng cho thuê mặt nước. Mỗi ha mặt nước có giá 6-7 triệu đồng/năm. Chỉ dựa vào bản hợp đồng này cùng một số ban hành có liên quan của UBND tỉnh Quảng Ninh, mặc nhiên BQL vịnh Hạ Long tự cho mình quyền tự quyết đối với các doanh nghiệp.

Ngày 22/4/2019, ông Nguyễn Ngọc Sơn ký văn bản 2636 về việc dừng các hoạt động dịch vụ tại Hang Luồn trên vịnh Hạ Long với lý do chờ phê duyệt phương án giá đấu giá quyền khai thác các điểm kinh doanh dịch vụ này. Nhưng đến ngày 24/4/2019, cũng chính ông Sơn lại ký văn bản 2739 chấp thuận xuồng cao tốc hoạt động trở lại và bãi bỏ văn bản 2636 được ký trước đó 2 ngày.

Văn bản 2636 do ông Sơn ký sau khi PV đặt lịch làm việc về vấn đề có liên quan.

Trao đổi vấn đề này với Tiền Phong, ông Sơn cho biết: “Có sự việc như vậy là do chỉ đạo của cấp trên”. Khi được PV hỏi cấp trên là ai và có văn bản chỉ đạo hay không thì ông Sơn nói: “Chính anh Long Chủ tịch (Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) chỉ đạo, nhưng chỉ đạo bằng mồm qua điệt thoại chứ không có văn bản gì”.

Lý do ông Sơn cho rằng ông Long chỉ đạo như vậy là do cận kề dịp lễ 30/4-1/5 nên lượng du khách thăm vịnh là khá đông cho nên phải mở lại các loại hình dịch vụ như chèo đò tay, đi thuyền kayak, xuồng cao tốc để phục vụ du khách trong dịp lễ.

Nhưng chỉ 2 ngày sau, cũng chính ông Sơn ký văn bản bãi bỏ văn bản trước để chấp thuận cho các loại hình dịch vụ hoạt động trở lại vì được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo bằng mồm.

Việc QBL vịnh Hạ Long chỉ dựa vào bản hợp đồng cho thuê mặt nước trên vịnh để cho các doanh nghiệp tự khai thác kinh doanh dịch vụ là không hợp lý. Chính ông Thân Trọng Nam, Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Tùng cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ mới xin được Sở GTVT cấp cho bến tạm (bè nổi tại Hang Luồn), để xin được cái này doanh nghiệp cũng hết khổ vì không ông nào, bà nào chịu cấp cho. Đi hết sở này, đến sở nọ họ đều nói không phải lĩnh vực họ quản lý”.

“Doanh nghiệp như chúng tôi cũng rất khổ, chỉ dựa vào hợp đồng 1 năm thì không dám đầu tư, không dám nhận tour dài ngày. Mấy năm trước họ còn ký cho nhưng đến 2019 họ lại không ký hợp đồng cho nữa” ông Nam nói.