Tuổi Trẻ đã “nối mạng” với nữ sinh quê Vĩnh Phúc này để nghe bạn kể những “bí quyết” trở thành thủ khoa.
* Chào Thảo Ngọc, đậu cùng lúc thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương, cao điểm nhất khối thi A1 của Học viện Ngoại giao, hiện bạn đang là sinh viên trường nào? Bạn có mất nhiều thời gian để lựa chọn giữa hai trường hay không?
- Mình đăng kí dự thi vào hai trường ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao xuất phát từ sở thích cá nhân và sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và thầy cô. Khi biết tin đỗ cả 2 trường với điểm số cao, mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn lựa. Tuy nhiên, nhận thấy môi trường học tập và tính chất ngành học ở Học viện Ngoại giao phù hợp với bản thân hơn nên đã quyết định theo học tại ngôi trường này. Hiện mình đang là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế (tiếng Trung Quốc) của Học viện Ngoại giao.
* Việc ôn luyện của bạn như thế nào trước kỳ thi tốt nghiệp và đại học?
- Lớp 12 là một năm học vất vả. Tuy nhiên, nếu biết cách sắp xếp thời gian và có phương pháp học tập hợp lý thì bất cứ một học sinh nào cũng có thể đạt được kết quả như mong đợi. Vì đã có kế hoạch học tập từ đầu năm nên đến thời điểm này vào năm học trước, mình cũng không bị áp lực thời gian ảnh hưởng nhiều đến việc ôn thi. Mình không đi học thêm nhiều mà chủ yếu dành thời gian tự học ở nhà. Mình cho rằng như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt được hiệu quả cao trong học tập.
Để chuẩn bị tốt cho cả kỳ thi tốt nghiệp, mình vẫn chia thời gian học đều các môn, đồng thời tập trung làm nhiều bài tập hơn cho các môn thuộc khối D1 và khối A1 (hai khối thi ĐH). Mình thường phân bố thời gian học các môn đan xen nhau để không cảm thấy chán bất cứ môn nào. Xác định được mục tiêu cùng với phương pháp học tập hợp lý đã giúp mình không gặp áp lực trong việc học, ngược lại cảm thấy rất thoải mái trong suốt quá trình ôn thi.
* Cách học, hệ thống kiến thức ở từng môn thi khối D như thế nào?
- Trước khi nói về cách học, mình muốn nhắc các bạn về tâm lý khi học. Không nên nghĩ mình quá dốt môn A, hay môn B quá khó không thể học. Hãy tạo cho mình một tâm lý thoải mái khi ngồi vào bàn học.
Khối D1 với toán, văn, tiếng Anh là ba môn được chú trọng trong các trường phổ thông hiện nay, nên có lẽ việc học 3 môn này cũng không quá khó khăn đối với tất cả các học sinh. Tuy nhiên, cách học và hệ thống kiến thức ở từng môn lại đòi hỏi sự khéo léo của mỗi người.
Toán là môn thi “ít bất ngờ” nhất do hầu hết thí sinh đều phần nào nắm được bố cục đề thi (câu 1: khảo sát hàm số, câu 2: giải phương trình... ). Tính chất đặc trưng này đưa đến một cách học vô cùng hiệu quả, đó là học và hệ thống kiến thức theo từng chương, từng dạng bài. Với mỗi chương, học sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản, không được chủ quan bỏ qua kiến thức trong sách giáo khoa bởi đây mới thực sự là tài liệu quý nhất, gần nhất với dạng bài thi ĐH.
Tuy nhiên, học phải đi đôi với hành. Với mỗi dạng bài cần chọn ra những bài tập tiêu biểu, mức độ từ dễ tới khó, làm đi làm lại nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau đề nhận ra và sửa chữa những lỗi bản thân hay mắc phải. Ngoài ra cũng cần chú trọng tới cách trình bày khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ (các bạn nên nhờ tới sự hướng dẫn của các thầy cô có kinh nghiệm trong việc chấm thi).
Do là học sinh chuyên ngoại ngữ nên với môn tiếng Anh, mình cũng không gặp nhiều khó khăn trong quá trình ôn tập. Mình dành hầu hết thời gian để làm bài tập bởi trong quá trình làm bài vẫn có thể học được rất nhiều kiến thức mới mẻ. Với mỗi đề khó mình làm đi làm lại rất nhiều lần để không mắc phải những lỗi đã gặp. Những kiến thức hay từ vựng được mình ghi chép lại một cách chi tiết trong một cuốn sổ nhỏ. Thời gian rảnh mình thường mở cuốn sổ ra xem đi xem lại nhiều lần bởi học ngoại ngữ là cả một quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn.
Đối với cả ba môn học, các bạn chỉ nên làm các đề thi thử khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản, không nên làm quá sớm trước khi thi bởi dễ gây tâm lý sợ hãi bởi nội dung đề quá rộng so với những gì mình đã học, cũng không nên làm quá muộn bởi ngoài việc làm bài các bạn còn cần trau chuốt cách trình bày và phân bố thời gian. Đừng để khi cầm đề thi ĐH có cảm giác quá lạ lẫm!
Trên đây là một số chia sẻ về cách học của mình. Tuy nhiên mỗi người sẽ có những cách học khác nhau. Mong là các bạn học sinh tham dự kì thi năm nay sẽ tìm được cách học phù hợp nhất với bản thân và sẽ đạt được kết quả như mong muốn trong kì thi sắp tới.
* Nhiều thí sinh thường rối trước một “rừng” sách tham khảo ở các kỳ thi ĐH, CĐ, bạn thường chọn những loại sách tham khảo nào cho khối D và sử dụng sách tham khảo như thế nào?
- Hiện trên thị trường có rất nhiều sách tham khảo, sách nâng cao và đặc biệt là các loại sách ôn thi ĐH-CĐ. Sách ôn thi ĐH-CĐ của mình không có nhiều bởi sau khi tham khảo nhiều cuốn sách, mình nhận ra rằng kiến thức cũng chỉ có vậy, quan trọng là mình chọn cuốn nào/tác giả nào mình đọc thấy dễ nhớ, dễ hiểu. Internet cũng là một cuốn sách khổng lồ. Bạn có thể học được rất nhiều điều từ đó.
Nhưng dù là học từ nguồn thông tin nào, các bạn cũng nên học một cách có chọn lọc bởi những điều trong sách cũng có thể có sai sót. Một điều nữa cần phải nói đến đó là “chất lượng hơn số lượng”. Hãy chắt lọc những gì tinh túy từ một cuốn sách thay vì dành thời gian đọc 13 cuốn sách có nội dung na ná nhau.
* Cách phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi của bạn trong những ngày chuẩn bị thi ĐH?
- Năm học lớp 12 mình đặc biệt quan tâm tới việc phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi cũng như có một chế độ ăn uống hợp lý. Mình cho rằng càng đến gần thời gian thi đại học thì càng phải giữ gìn sức khỏe cũng như giữ cho tinh thần thoải mái. Không nên thức khuya hay ngủ thiếu giấc. Việc dậy sớm học bài vào buổi sáng cũng đem lại hiệu quả rất cao.
* Khi vào phòng thi, nhiều thí sinh chưa biết cách trình bày, phân bố thời gian làm bài ở các môn cho tốt, làm sao để khắc phục?
- Chắc chắn các bạn học sinh trong quá trình ôn thi đã được thầy cô dặn dò kỹ lưỡng cách phân bố thời gian hợp lý. Tuy nhiên tâm lý thi cử khiến cho các bạn quên mất yếu tố quan trọng này. Khi vào phòng thi nên mang theo đồng hồ để nhận thức được thời gian. Song không nên cứ 5 phút làm bài lại nhìn đồng hồ, tránh ảnh hưởng đến tâm lý làm bài. Đây chính là lý do cho việc tại sao nên dành 1-2 tháng trước khi thi để làm các đề thi thử. Quá trình làm các bài thi thử sẽ tự khắc biến bạn thành một chiếc đồng hồ chính xác. Bình tĩnh và cố gắng hết sức sẽ giúp bạn làm chủ thời gian.
* Thí sinh ở các vùng quê thường ít có điều kiện học tiếng Anh khi thi khối D, Ngọc chia sẻ điều gì với các bạn?
- Như mình đã nói trên đây, việc tự học đối với mỗi người là quan trọng nhất. Hơn thế, trong điều kiện xã hội phát triển như hiện tại, không phải chỉ ở những thành phố lớn các bạn mới có điều kiện để học tiếng Anh mà cả học sinh ở các vùng quê cũng có thể học qua mạng internet, qua TV và qua những quyển sách tốt. Nếu xác định được đâu là điểm yếu của bản thân và có một kế hoạch học tập hợp lý, kết quả học tập của các bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
* Từng vượt vũ môn một cách xuất sắc trong kỳ thi ĐH năm trước, bạn muốn nhắn nhủ gì với những thí sinh dự thi ĐH năm nay?
- Mình chúc tất cả các bạn có tâm lý tốt nhất và thể hiện được hết khả năng của mình trong kì thi ĐH. Chúc cho các bạn sẽ đạt được kết quả thật cao để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô. Cánh cổng trường ĐH đang rộng mở trước mắt các bạn.
Học văn không chỉ dừng ở việc “đọc”
Đối với môn văn, môn học có thể coi là “khó nhất” bởi yếu tố bất ngờ và sự phong phú trong nội dung đề thi. Bản thân mình cho rằng, để viết về một tác phẩm, dù là ở bất cứ khía cạnh nào, người viết nên có những cảm nhận riêng, thực sự hiểu những điều mà tác giả muốn truyền tải (thay vì học thuộc lòng ý tứ, câu chữ của thầy cô). Chính vì vậy mà riêng với môn này mình dành thời gian “đọc” nhiều hơn học.
Đối với các tác phẩm văn học, mình đọc những bài viết của các nhà phê bình, các nhà phân tích khác nhau để có cái nhìn toàn diện nhất và tạo ra cảm nhận riêng cho bản thân. Đối với câu hỏi nghị luận xã hội, mình cũng tham khảo nhiều ý kiến trái chiều, tránh cái nhìn phiến diện.
Tuy nhiên, học văn không nên chỉ dừng lại ở việc “đọc”. Mỗi khi thấy những ý hay, ý mới bạn nên ghi chép lại, giúp cho việc ôn tập trở nên dễ dàng. Văn tuy là một môn xã hội nhưng cũng đòi hỏi cách hệ thống kiến thức khoa học như toán. Sơ đồ hóa kiến thức hay tối giản câu chữ cũng giúp cho việc học văn trở nên “bớt rườm rà” hơn rất nhiều.
Theo Tuổi trẻ