Tiền có chưa tiêu hết, tiền “mới” tiêu sao đây?
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu (ĐB) Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề về sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo cũng như để thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Thừa nhận đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội lần này, mà ở cả các kỳ họp trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, theo ông đây là “câu chuyện muôn thuở” do các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vướng mắc về nguồn gốc, giá đền bù, tranh chấp…
Riêng năm 2021, ông Dũng cho biết, nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng cao. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính. Toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương... “Hiện, Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm… Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương”, ông Dũng nói và giơ danh sách giải ngân vốn đầu tư công của 63 tỉnh, thành để minh chứng cho câu trả lời của mình.
Ngay sau câu trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lập tức “bấm nút” xin tranh luận. Theo ông Hạ, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã tồn tại nhiều năm, vậy với vai trò, trách nhiệm là cơ quan “gác cửa”, Bộ KH&ĐT đã đề xuất các giải pháp gì để tháo gỡ. “Nếu cứ để tồn tại, vướng mắc như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển. Vì thế, vấn đề mà đại biểu quan tâm là Bộ có giải pháp khắc phục như thế nào. Tôi tranh luận với Bộ trưởng là ở điểm đó”, ông Hạ nói.
Bày tỏ sự lo lắng khi giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới đạt chưa đầy 50%, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay người dân, doanh nghiệp đều đang mong muốn có gói kích thích mới. “Toàn bộ số tiền chúng ta đang có còn chưa tiêu hết, thì tiền mới tiêu sao đây? 16 nghìn tỷ của ba chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bố đồng nào, 56 nghìn tỷ của địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào, chưa kể năm 2022 tới đây thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh, nếu không làm rõ những vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, thì “Quốc hội chất vấn xong, ra nghị quyết, tình hình cũng vẫn như thế”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải làm rõ, không để tình trạng này này tái diễn.
“Xin hứa khắc phục…”
Nói rằng “trả lời của Bộ trưởng về chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. “Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ”, ông nói.
Trước những tranh luận, chất vấn trên, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp. “Pháp luật về đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ”, ông Dũng nói. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thừa nhận có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... “Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới”, ông Dũng nói.
“Trả lời của Bộ trưởng về chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương. Các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định dự án nhóm A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ”.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Đề cập đến trách nhiệm trong chuyển nguồn vốn đầu tư công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) đề nghị cho biết trách nhiệm thuộc về ai. Nữ đại biểu này cho biết, khi đi giám sát tại địa phương, được nghe trách nhiệm đó thuộc về trung ương, song khi làm việc với Bộ chủ quản thì lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương. “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này”, bà Mai nêu câu hỏi. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của trung ương thì trung ương phải chịu trách nhiệm. Còn dự án trung ương có cấu phần liên quan đến địa phương và đã trao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm.
“Hiện Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm… Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương”.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Để khắc phục những chậm trễ, ông Dũng cho biết, trong Đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ KH&ĐT sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của trung ương để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng.