Chả ai như thầy Tùng!

TP - Thầy Lê Văn Tùng, giáo viên Giáo dục Thể chất, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có mô hình bơi cho trẻ, được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tuyên dương. Một con người hiền lành đến ngây ngô. Của hiếm thời nay.
Thầy giáo Lê Văn Tùng. Ảnh: Lê Anh Đạt.

Đánh rơi ba con gà ở Hà Nội

Tỉnh dậy sau một cơn say, nhìn điện thoại thấy mấy cuộc gọi nhỡ và 3 tin nhắn của Tùng, trong đó có tin: “Mình đang ở Hà Nội. Mang mấy con gà còn sống ra cảm ơn bạn, gọi mãi không được, giờ mần răng hè?”. Cái tin giật gân này đến từ chiều hôm qua, giờ là 8h sáng hôm sau, không biết ông bạn xoay xở thế nào với “mấy con gà còn sống”. Bật dậy, a lô ngay: “Đang ở mô?”. “Hôm qua ở nhà thằng Liệu, giờ ở chỗ Tài. Rỗi không, chiều mình lên nhà chơi?”. “OK, lên ăn cơm nhé”. May quá, ông bạn còn tìm được nhà mấy đứa khác mà qua đêm. Lơ ngơ lạc đường như chơi. Nhẹ cả người, đã thế lại không trách móc, sao không nghe máy, sao này, sao nọ, như mấy ông khác.

Chiều muộn, cơm vừa bày ra thì ông bạn đến. Thiêng thật. Chẳng thấy gà đâu, mang mỗi cái túi như đi trông thi. “Gà của tôi đâu?”. Ngồi xuống ghế, cười trừ: “Đến bến xe, gọi bạn mãi không được. Trời tối, không biết xách gà đi đâu nên cho bà chủ quán luôn…”. Trời đất. Chả ai như ông này. Có 3 con gà mà cũng không giữ nổi. Mất cả 400 km mang vác, đến Hà Nội thì “đánh rơi” gà. “Mang gà cho tôi vì vụ chi?”. “Huyện Đoàn Cẩm Xuyên mới thông báo tỉnh Đoàn sẽ phân về cho mình một bể bơi di động. Mừng quá, từ khi biển ô nhiễm, học sinh không có chỗ học, giờ được quan tâm thế này, vui rơi nước mắt. Mang gà ra cảm ơn, chứ có gì đâu. Mình thích thì mình cảm ơn thôi!”, cười ha ha. “Ông học đâu cách nói hay thế, cập nhật Sơn Tùng MTP nhanh nhỉ”. “Có biết đâu, thấy mọi người nói đầy trên facebook nên bị nhiễm”. Tẩm ngẩm thế mà hài ra phết. “Đi chơi được rồi, mang “H5N1” ra Hà Nội làm gì. Ba con gà ăn được mấy hôm, chứ đâu ăn cả đời. Chả ai mang gà kêu oang oác ra Hà Nội cảm ơn như ông cả. Mà cuối cùng tôi cũng chả có gà, ông cho mất rồi còn gì, giờ làm sao”. Gãi tai: “Ngồi mãi, người ta nhìn mình cũng ngại, cho thôi. Không lẽ mang gà về nhà thằng khác, ngủ một đêm rồi mang gà về cho bạn à. Nếu bạn muốn ăn gà sạch mình gửi thường xuyên cho”. “Thôi ông ơi, mệt quá, đùa thôi”.

Ông này về nhà chắc phải khai báo với vợ vụ mấy con gà, kiểu gì cũng bị ăn mắng!

Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn (phải), Trưởng ban Tuyên giáo Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng (trái) cùng Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn (giữa) tại lễ trao tiền của Quỹ Thiện Tâm xây bể bơi cho trẻ vùng lũ. Ảnh: Minh Thùy.

Cảm ơn 'rất Tùng hâm'

Nhân dịp cuối tuần, Tùng chạy ra Hà Nội cảm ơn. Đúng là cách cảm ơn mang style thầy Tùng!

Đợt cứu trợ bà con miền Trung lũ lụt tháng 10/2016, Quỹ Thiện Tâm (Vingroup) có một khoản 850 triệu đồng, nhờ báo Tiền Phong phân bổ giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Làm nhiệm vụ điều tiết cứu trợ tại địa bàn Hà Tĩnh, tôi và Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Thế Hoàn đã trao đổi với lãnh đạo báo, nhờ thuyết phục đại diện Quỹ Thiện Tâm, rằng: tiền mặt, nhu yếu phẩm mấy ngày qua đến với bà con vùng lũ cũng tạm ổn, đường không còn chia cắt, nước đã rút hết, cuộc sống trở lại bình thường rồi. Số tiền này nên giúp bà con việc gì đó lâu dài, bền vững hơn, chứ tiền tiêu vèo cái là hết. Tôi chợt nhớ mấy ngày trước lên xã Hương Đô, huyện Hương Khê trao quà của các nhà từ thiện, nói chuyện với Phó bí thư Đảng uỷ Đinh Nho Hiệp nên đã loé lên “sáng kiến” là cần điều tiết khoản tiền này đầu tư cho các huyện mở lớp dạy bơi cho trẻ. Khi lũ vừa rút, đứng ở trụ sở UBND xã Hương Đô mới hiểu hết công hiệu tuyệt vời của việc biết bơi. Ông Hiệp nói đi nói lại rằng, nhà ai cũng có thuyền, có nhà chống lũ, nhưng nước lên nhanh như chớp vì thuỷ điện xả như mấy ngày qua, nếu không biết bơi thì thiệt hại về người khó mà đoán được. Chợp mắt cái, trụ sở ngập đến hơn một nửa, phải đi thuyền vào đón, hoặc tự bơi mà ra. Nhà dân cũng thế, vừa đưa xe máy đi gửi, quay lại đồ đạc, trâu bò bị ngập hết rồi. Ông Hiệp vui mừng thông báo, không ai bị chết vì lũ, chỉ có trâu bò chưa kịp đưa ra khỏi chuồng là bị chết thôi.

Lãnh đạo báo trao đổi đề xuất của tôi và anh Hoàn và được đại diện Quỹ Thiện Tâm đồng ý. Lễ trao tượng trưng 850 triệu đồng diễn ra tại trụ sở Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh. Ngay sau đó, Tỉnh Đoàn lên kế hoạch giải ngân cho các huyện làm bể bơi.

Nhắc đến dạy bơi, nhiều người biết thầy Tùng - người quây một đoạn sông Rác, mười năm qua dạy cho gần 3.500 học sinh biết bơi, trở thành 1 trong 10 Tổng phụ trách Đội xuất sắc nhất nước, là mô hình tiêu biểu toàn quốc. Khi Formosa gây ô nhiễm biển, thầy Tùng phải giải tán lớp học, chạy đôn đáo khắp nơi tìm chỗ dạy mới, nhưng chưa ưng ý chỗ nào. Báo Tiền Phong đã phản ánh câu chuyện này và đề nghị các nhà tài trợ giúp Tùng xây bể bơi để các lớp học không bị ngắt quãng. Bí thư tỉnh Đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Thế Hoàn vốn rất hiểu công việc thầy Tùng nên phân bổ về Cẩm Xuyên một bể bơi để mở lớp trở lại.

Cái sự việc mang gà ra cảm ơn là thế đó. Không biết Tùng đã mang gà cảm ơn anh em tỉnh Đoàn Hà Tĩnh chưa?

Phó bí thư Đảng uỷ xã Hương Đô: “Ngập đến thế này không biết bơi, thoát sao được”.

Khóc như mất người thân

Uống với nhau chén rượu nhạt để Tùng ra bến bắt xe về quê trong đêm, mai thứ hai phải lên lớp. Tùng chia sẻ: “20/11 vừa rồi, đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, bà con báo tin cho mình có 2 em lớp 7 đi tắm biển đuối nước. Mình vừa chạy xuống biển vừa cầu Trời khấn Phật. Đến nơi người dân nói chắc không còn hi vọng, giờ chỉ tìm xác thôi. Quăng lưới, lặn tìm rồi cũng đưa được 2 em lên bờ. Nhìn chúng nằm đó chết một cách tội nghiệp, chứng kiến cha mẹ chúng gào thét tuyệt vọng mà lòng đau như cắt. Thấy mình có lỗi quá bạn ạ…”. Tùng đặt chén rượu xuống, im lặng, mắt đỏ hoe, nén xúc động. Rồi Tùng khóc. Khóc không thành tiếng. Tôi im lặng vừa bất ngờ trước cảm xúc của bạn vừa tự lý giải về cái nghiệp dạy bơi mà Tùng đau đáu. Công cuộc cứu người, mang hạnh phúc đến cho các gia đình là công việc vinh quang. Một cuộc chiến sinh tồn thực sự nhìn từ mất mát của những gia đình mất con, nhìn từ tình thương, trách nhiệm của người thầy. Con người Tùng chân chất, ngơ ngác, thật thà đến tội nghiệp. Dạy bơi vì không muốn trẻ chết đuối. Đơn giản, dứt khoát và cực kỳ kiên định. “Các em đến với cuộc đời này có chừng ấy thôi, hết duyên nợ thì đi…”, động viên Tùng như thế vì tôi biết ông bạn tin vào số phận, vì cái việc dạy bơi cũng bắt nguồn từ một cái duyên. Nhắc lại chuyện mà Tùng đã kể với mọi người: Ngày nhỏ, cưỡi bò qua sông Rác, Tùng bị rơi xuống nước. Đang giã gạo thì có người phụ nữ vừa khóc vừa hô “con ơi, cứu nó đi”. Bỗng, con bò quay lại, Tùng cầm đuôi, nó kéo vào bờ, thoát chết. Người phụ nữ gào khóc ấy có con vừa chết ở chính đoạn sông đó. Tùng ám ảnh hình ảnh này và gắn với nghề dạy bơi cũng có nguyên nhân từ đó. Lại nói duyên số: “Sao Tùng lấy được vợ nhỉ?”. Tùng cười: “Mẹ thì giục, bà con làng xóm thì bảo hâm. Gần bốn chục mà chả cưa được em nào. Dạy xong chạy lông bông bà con cười cho. Thế rồi, vợ mình bây giờ, khi đó đang học ở Đà Nẵng về quê, gặp nhau ở một quán cà phê. Quen nhau chưa lâu, mình hỏi luôn: “Giờ chả tán tỉnh gì nữa, đồng ý lấy anh thì cưới luôn”. Cô ấy trả lời: “Em chẳng yêu đương gì. Đang học”. Bị từ chối không thương tiếc, thậm chí bị còn bị mắng là hâm nhưng Tùng cũng cười, nhẫn nại chờ đợi. Với phương châm tác chiến là chai mặt và thật thà, sau 2 năm Tùng cũng cưa đổ… “Vợ chồng chắc là duyên số thôi nhỉ, chứ mình thì ai yêu”, Tùng cười to. “Đi suốt ngày, toàn làm việc không có tiền, vợ có phàn nàn không?”. “Không, cái sung sướng của mình là vợ rất hiểu…”. Tùng bảo ngoài đi dạy, còn nuôi mấy con bò nữa kiếm thêm thu nhập.

Mừng vì có được bể bơi di động nên rượu vào Tùng phấn chấn, nói hăng hơn: “Dù đã có bể bơi di động nhưng mình vẫn quyết tâm xây bể bơi nữa ở nhà. Không bao giờ bỏ việc dạy bơi…”. Rồi Tùng lại hăng say nói về kỹ năng cứu đuối, lánh nạn... Cho đến hết cuộc rượu, tôi nghe và thấm thía câu chuyện sinh tồn này. Mong ngày càng có nhiều trẻ biết bơi, biết lánh nạn khi lũ về, biết cứu bạn khi đuối nước. Mong thầy Tùng chân cứng đá mềm dìu dắt các em bơi ở sông biển, vững vàng trong cuộc đời này.