Cậu sinh viên nghèo phát minh máng ăn tự động cho heo

TP - Hỏi anh Lê Phước Cường, hầu hết sinh viên trường ÐH Bách khoa Ðà Nẵng không nhắc tới người thầy đang giảng dạy tại khoa Môi trường, mà gọi anh là “Tiến sĩ khởi nghiệp”. Bởi thầy Cường là người đã thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghiệp bài bản đầu tiên ở thành phố bên sông Hàn.
"Tiến sĩ khởi nghiệp" Lê Phước Cường. Ảnh: Thanh Trần.

Du học ở Nga từ năm 18 tuổi, sau hơn 7 năm học tập và nghiên cứu ở xứ sở Bạch Dương, anh Cường trở về nước công tác tại trường ÐH Bách khoa (ÐH Ðà Nẵng) với hai tấm bằng cử nhân Công nghệ sinh học thực phẩm và Quản trị kinh doanh, một bằng thạc sĩ Công nghệ hóa học và một học vị tiến sỹ Hóa học môi trường. Cuối tháng 10/2015, thầy Cường trúng cử vào chức vụ Bí thư Ðoàn trường, cũng là lần đầu tiên trong đời anh được làm cán bộ Ðoàn.

Không chần chừ, thầy khởi động hoạt động Ðoàn bằng phong trào khởi nghiệp. Thầy nói: “Rất nhiều người hô hào khởi nghiệp nhưng lại không hiểu đúng và đủ về bản chất của khởi nghiệp. Xu hướng khởi nghiệp trên thế giới gắn liền với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ IoT phù hợp với ngành học của sinh viên bách khoa. Sinh viên khởi nghiệp gặp chướng ngại lớn nhất là thiếu sự hỗ trợ và tiếp thị sản phẩm của mình. Ðó là động lực thúc đẩy tôi thành lập CLB Khởi nghiệp Bách khoa”.

Trong rất nhiều sản phẩm ra đời nhờ CLB hỗ trợ như máy in 3D, cánh tay cho người không tay, chiếc máng ăn tự động cho heo của cậu sinh viên nghèo là sản phẩm nhận được sự tiếp sức nồng nhiệt nhất của thầy Cường và CLB.

Chiếc máng heo tự động của Phạm Minh Công (SV Khoa Ðiện, trường ÐH Bách khoa Ðà Nẵng) là tiền đề để cậu thành lập công ty. Ảnh: H.H.

Cậu sinh viên ấy là Phạm Minh Công (SV Khoa Ðiện), con của một gia đình khó khăn ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, 5 miệng ăn trong nhà trông đợi ở bầy heo trăm con của má. Thương má lăn lộn quần quật thâm đêm lộn ngày chăm nom bầy heo, Công ấp ủ làm một chiếc máng heo tự động. Sau nhiều tháng trời mày mò nghiên cứu lắp rắp, chiếc máng heo cũng ra đời và thử nghiệm thành công với bầy heo trong gia đình. Chiếc máng có dạng phễu chứa được 50kg cám, bên dưới là chỗ đổ thức ăn xuống. Cơ chế hoạt động rất đơn giản, trên mỗi máy sẽ được lắp đặt một thiết bị điều khiển cho phép người nuôi xác định lượng cám, thời gian cho heo ăn. Chiếc máng này có thể chịu va đập và có cơ chế thay thế thức ăn bằng nước. Máng ăn tự động này ngoài giảm nhân công còn tránh được hao phí thức ăn do dư thừa hoặc đổ ra ngoài.

Hữu dụng vậy, nhưng Công mang sản phẩm đến các sân chơi khởi nghiệp lại không được đánh giá cao. Khi ấy, biết CLB khởi nghiệp của thầy Cường, Công mạnh dạn tìm đến. Và thầy đã chạy đôn chạy đáo đi  kêu gọi các đầu mối hỗ trợ  kỹ thuật, không gian nghiên cứu... để hoàn thiện hơn chiếc máng tự động. Công phấn khởi: “Em thực sự bất ngờ vì sau khi được “tút” lại, sản phẩm của em giành giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên toàn quốc 2017” do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức và là đại diện duy nhất của miền Trung đoạt giải”. Biết sản phẩm của mình được người chăn nuôi ưa chuộng, tháng 2/2017, Công cùng hai người bạn thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE chuyên sản xuất máng heo.

Nhờ định hướng của thầy Cường, những sản phẩm sáng tạo khoa học của sinh viên không còn là những sản phẩm, ý tưởng mang đi dự thi rồi để đấy mà biến thành những sản phẩm có tính cạnh tranh và có thể đưa ra thị trường. Ðó là chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời được Sở Du lịch Ðà Nẵng đồng ý hỗ trợ phát triển để ứng dụng, hay “Hệ thống cảnh báo lũ tự động” hoạt động bằng năng lượng mặt trời và mạng lưới truyền tin không dây RF, có thể hoạt động tốt ở biên giới, miền núi không có sóng điện thoại, không sóng 2G, 3G.