Những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao phần thưởng cho nhóm tác giả đạt giải Nhất. Ảnh: Bùi Hữu Phương.
Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao phần thưởng cho nhóm tác giả đạt giải Nhất. Ảnh: Bùi Hữu Phương.
TP - Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas)lần thứ nhất, năm 2016 do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức đã góp phần chắp cánh cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, thiết thực của sinh viên.

Mạng xã hội giáo dục

Tungtung.vn của nhóm sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) là một trong ba dự án xuất sắc lọt vào đêm Gala trao giải cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ nhất.Tungtung.vn giúp số hóa các đề thi trắc nghiệm để có thể làm bài và quản lý trên các thiết bị di động cài iOS, Android hoặc B20. Đồng thời, đem lại nguồn thu nhập thụ động cho người chia sẻ đề thi. Tính năng ưu việt nhất và sáng tạo nhất của tungtung.vn là việc chuyển đổi file PDF, DOCX sang đề thi trắc nghiệm trên web, ứng dụng di động một cách nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian của thầy cô, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, thi cử.

“Đề thi trắc nghiệm là một trong những dạng đề thi quan trọng để đánh giá năng lực của một ai đó, có mặt hầu như ở mọi cuộc thi. Sử dụng công nghệ trong giáo dục là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, chưa có một sản phẩm nào đưa ra giải pháp tối ưu cho việc chia sẻ đề thi trắc nghiệm dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi cho ra đời tungtung.vn để giải quyết được nhu cầu đó”, trưởng nhóm Phan Thanh Tùng nói. Nhóm thực hiện ý tưởng từ tháng 7/2016, ra bản demo tháng 1/2017. Một nhà đầu tư đã nhận lời rót vốn phát triển tungtung.vn.

Tùng chia sẻ: “Trong tương lai, chúng tôi phát triển tungtung.vn không chỉ tập trung vào một sản phẩm trắc nghiệm trực tiếp, mà hướng đến trở thành một nền tảng giáo dục trực tuyến kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với nhau, xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm giáo dục kết nối. Nếu Facebook là mạng xã hội giải trí hàng đầu, thì tungtung.vn sẽ trở thành một mạng xã hội giáo dục”.

Dự án “Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam” thông qua ứng dụng Smart Water của nhóm sinh viên ĐH Thái Nguyên gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi “Start-up Student Ideas”. Trưởng nhóm Dương Quang Đạt cho biết, nhóm ứng dụng Smart Water theo mô hình mạng Internet kết nối vạn vật nhằm giải quyết các vấn đề liên quan nguồn nước hiện nay. “Một số điểm đo chất lượng nguồn nước sinh hoạt sẽ được triển khai không những cho phép nhà máy nước giám sát được chất lượng nguồn nước trước khi cung cấp cho khách hàng mà còn cho phép khách hàng giám sát được chất lượng nguồn nước mà gia đình họ đang sử dụng”, Đạt nói. Nhóm tác giả cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý hệ thống cung cấp nước sạch đến các hộ gia đình. Thông tin về khách hàng, lượng nước sử dụng hằng tháng, hóa đơn được tính toán và tự động gửi tới khách hàng.

Thiết bị đo chất lượng nguồn nước còn có thể giám sát chất lượng nước xả thải của các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp, khu vực làng nghề. Đạt cho biết, thiết bị đo chất lượng nước của dự án đã được thử nghiệm thực tế và cho kết quả tốt.

Thất bại là mẹ thành công

Phan Thanh Tùng, Dương Quang Đạt là hai đại diện cho nhiều sinh viên ngày nay năng động, sáng tạo khởi nghiệp từ trên giảng đường. Tại buổi tọa đàm“Start-up, từ ý tưởng đến hiện thực” trong khuôn khổ cuộc thi “Start-up Student Ideas”, ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam, cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công chính là nội lực của các bạn trẻ. “Nhiều bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp thường than phiền khó khăn về nguồn vốn nhưng nguồn vốn không hẳn là yếu tố quyết định. Giải quyết vấn đề vốn, các bạn có thể tận dụng được rất nhiều nguồn khác nhau, từ vay mượn bố mẹ, anh em, bạn bè và tận dụng rất nhiều nguồn lực xã hội khác”, ông Trường nói. Yếu tố quan trọng thứ hai là trường đại học. “Trường đại học chính là quỹ đầu tư lớn nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp, và thầy cô giáo, các giáo sư, tiến sĩ trên giảng đường là nhà đầu tư thiên thần. Đây là nơi cho các bạn kiến thức quý giá, ươm mầm ước mơ, chắp cánh ý tưởng cho các bạn vươn ra thế giới rộng lớn”, ông Trường nhận định.

Theo ông Trường, thực tế startup rủi ro, thất bại rất lớn, chiếm khoảng 99%. Vì vậy, các bạn trẻ khi bắt tay khởi nghiệp phải rất thực tế nhìn nhận năng lực bản thân. Nếu thực sự có đủ đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm đến cùng thì có gặp thất bại cũng đừng nản lòng, hãy đứng dậy làm lại. Thất bại là một kênh tích lũy kinh nghiệm quý báu.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, nói rằng, xác định xu thế khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trong đời sống giới trẻ, ĐH Bách khoa Hà Nội đã chủ trương bổ sung kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế, khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường nhờ sự kết nối với các bên sử dụng nhân lực, kết nối đa ngành nghề trong lĩnh vực đào tạo. Thời gian tới, ĐH Bách khoa sẽ đưa nội dung về khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên năm thứ nhất, ông Thắng cho biết. 

Tối 18/3, tại Hà Nội, diễn ra Chung kết trao giải cuộc thi Start-up Student Ideas. Đến dự có Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong. Tại đêm Chung kết và trao giải, 3 nhóm tác giả dự án xuất sắc nhất (trong số 15 dự án tranh tài tại Vòng Chung kết toàn quốc), gồm: “Tungtung.vn” - nhóm tác giả Phan Thanh Tùng (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM); “Bùn vi sinh” - nhóm tác giả Phan Hồng Mức (ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ); “Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam” - nhóm tác giả Dương Quang Đạt (ĐH CNTT&TT - ĐH Thái Nguyên), thuyết trình dự án khởi nghiệp trực tiếp trên sân khấu. 

“Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước tại Việt Nam” giành giải Nhất trị giá 50 triệu đồng, cùng số vốn hỗ trợ 500 triệu đồng từ BTC. Hai nhóm tác giả còn lại giành giải Nhì. Ngoài ra, BTC trao 2 giải Ba cho các dự án khác.            

Lưu Trinh

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.