Cậu bé vàng Việt Nam: 20 năm nữa mới có thế hệ tiên phong

TP - Từng được vinh danh là “Cậu bé vàng Việt Nam” với hai năm liên tiếp giành giải nhất cuộc thi Toán Quốc gia, một huy chương Vàng, một huy chương Bạc cuộc thi Toán Quốc tế, Phạm Kim Hùng (SN 1987) vừa từ chối nhiều cơ hội làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ) để trở về Việt Nam.

> Biểu dương những du học sinh xuất sắc
> Lãnh đạo Nhà nước gặp gỡ du học sinh xuất sắc

Hùng cho biết, đam mê lớn nhất là sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ có ý nghĩa cho cuộc sống.

Không nên đổ lỗi cho người trẻ

Học tại Đại học Stanford ở thung lũng Silicon nghe nói bạn có nhiều lời mời ở lại làm việc?

Có 4 tập đoàn công nghệ thông tin, 2 tập đoàn tài chính, 2 Startup công nghệ ở thung lũng Silicon mời tôi đến trụ sở để nói về cơ hội việc làm. Tuy nhiên, tôi đã nói với họ rằng, tôi phải trở về Việt Nam.

Tại sao bạn không ở lại?

Tôi muốn trở về vì tôi yêu Việt Nam, yêu gia đình, bạn bè tôi ở Việt Nam. Điều đó với tôi quan trọng hơn là cuộc sống ổn định cho bản thân. Cũng có lẽ tôi cảm thấy rằng về Việt Nam tôi sẽ đóng góp được nhiều hơn.

Vừa qua, ý kiến của Tran Hung John “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong...” được đưa vào đề thi đại học môn văn khối D, bạn nghĩ sao về điều này?

Mọi sự đánh giá cần đặt trong bối cảnh xã hội và nền văn hóa, lịch sử.

Văn hóa làm việc ở Mỹ khuyến khích bạn đầu tư toàn bộ tài năng, sáng tạo, trí tuệ vào công việc bạn làm. Khi và chỉ khi bạn làm tốt việc của mình, bạn sẽ được trả xứng đáng, có một cuộc sống tốt, ổn định. Ở Việt Nam thì khác, một công việc bình thường khó đảm bảo một cuộc sống ổn định và người ta buộc phải dành thời gian và sự sáng tạo để lo toan cho nhiều thứ khác. Trong khi đó để có tiên phong và đột phá thì cần sự tập trung toàn bộ khối óc và tinh thần. Đó là vấn đề của xã hội, không phải là lỗi của người trẻ.

Bứt phá khỏi áp lực

Phạm Kim Hùng vừa từ chối nhiều cơ hội làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ) để trở về Việt Nam.
 

Sống ở Mỹ 5 năm, bạn thấy người trẻ ở quốc gia này sáng tạo như thế nào?

Bạn trẻ ở Mỹ tự lập từ rất sớm và tự do trong suy nghĩ. Họ dễ dàng hơn khi quyết định làm những việc họ thích. Chính điều này ảnh hưởng rất tích cực đến khả năng sáng tạo của họ. Một người bạn cùng phòng của tôi ở đại học sẵn sàng tham gia các dự án thí nghiệm y tế ngay trên cơ thể vì đơn giản bạn ấy rất thích đi du lịch, nhưng không muốn xin tiền của gia đình. Ở Việt Nam, người trẻ luôn phải sống trong khá nhiều áp lực và kỳ vọng của gia đình, xã hội, nên dễ thuận đi theo con đường cũ, khó có những đột phá, đổi mới. Để thoải mái sáng tạo, người trẻ cần bứt phá khỏi áp lực.

Có ý kiến cho rằng bạn trẻ thụ động là sản phẩm của giáo dục theo khuôn mẫu, bạn thấy đúng không?

Ở một khía cạnh nào đó, điều này đúng. Chương trình giáo dục của chúng ta chủ yếu tập trung vào việc truyền tải kiến thức, chứ không chú trọng nhiều đến gợi mở sự sáng tạo, tìm tòi.

 Ở bất kỳ đâu cũng có những cá nhân xuất sắc, nhưng để có cả một thế hệ tiên phong, cần có một thế hệ đi trước quyết tâm đặt nền móng cho sự tiên phong, sự thay đổi, sự sáng tạo sau này”.  

Hãy lấy ví dụ môn Văn. Học sinh luôn được đào tạo và chấm điểm theo tư duy “văn mẫu”. Mặc dù học văn trong nhiều năm, có nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn không thể viết được cho chính bản thân mình một CV (đơn xin việc) rõ ràng, mạch lạc. Tôi nghĩ môn Văn nên thay thế bằng môn Ngôn ngữ, hoặc Viết, hoặc Tiếng Việt, hướng học sinh về phương pháp tư duy ngôn ngữ, phân tích và lập luận về các vấn đề thực tế một cách logic, chặt chẽ, thay vì phương pháp “giảng văn” như hiện nay.

Triết học cũng có thể dạy ngay ở phổ thông. Triết học cổ phương Đông và phương Tây đều rất thú vị, có tính nhân văn rất cao, và có rất nhiều ảnh hưởng đến những quan điểm triết học ngày nay.

20 năm nữa mới có thế hệ tiên phong?

Thực tế chúng ta có nhiều người đi tiên phong, sáng tạo được quốc tế công nhận, nhưng chỉ là những cá nhân nhỏ lẻ. Theo bạn, cần cơ chế nào để tạo nên một thế hệ tiên phong?

Đây là vấn đề mang tính quốc gia. Nước Mỹ cần hàng trăm năm để xây dựng một môi trường học thuật hàn lâm, giúp người ta có tư tưởng đổi mới, tư tưởng tự do sáng tạo. Qua nhiều thế hệ, họ thực sự cố gắng làm điều đó với những chiến lược đầu tư lâu dài, liên tục cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Ở bất kỳ đâu cũng có những cá nhân xuất sắc, nhưng để có cả một thế hệ tiên phong, cần có một thế hệ đi trước quyết tâm đặt nền móng cho sự tiên phong, sự thay đổi, sự sáng tạo sau này. Trong hoàn cảnh đó, Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quyết định.

Theo bạn, khoảng bao lâu nữa chúng ta mới tạo ra được một thế hệ tiên phong?

Khó để chọn ra một con số cụ thể. Có thể là 20 năm nữa, sau thế hệ của chúng ta, sẽ là một thế hệ tiên phong.

Bạn là sáng lập viên và chủ tịch hội đồng quản trị Cty Công nghệ thông tin ICy Việt Nam, có nhiều sản phẩm sáng tạo về công nghệ, có phải bạn có ý định xuất khẩu phần mềm?

Thực tế thì không. Tôi không thích từ “Xuất khẩu phần mềm” cho lắm, vì ở đó có rất ít chỗ trống cho sự sáng tạo. Nhưng mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế là có. Chúng tôi dành 2 năm qua để làm một sản phẩm đặc biệt, cuối năm nay sẽ ra mắt thị trường.

Những sản phẩm bạn hướng tới là gì?

Ở trong nước, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thành hệ thống thi tuyển công chức trực tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nội vụ. Nếu hệ thống này được ứng dụng sâu rộng, nó sẽ có rất nhiều tác dụng tích cực đến sự phát triển của toàn xã hội.

Ngoài ra, chúng tôi cũng dự định ra mắt một hệ thống E-Learning ở Việt Nam vào cuối năm nay. Đại học Stanford có một nền tảng công nghệ hiện đại để hỗ trợ học tập và tôi muốn mang những trải nghiệm tuyệt vời đó về Việt Nam.

Cảm ơn bạn!

Phạm Kim Hùng từng đoạt hai huy chương vàng, bạc quốc tế môn Toán năm 2004, 2005, nhận học bổng toàn phần của Đại học Stanford (Mỹ) năm học 2007-2012. Hùng đã viết ba cuốn sách dành cho học sinh đam mê học Toán, xuất bản ở cả Việt Nam và nước ngoài. Cuốn sách bán chạy ở Việt Nam và Mỹ.

Cách đây 8 năm, ngày 25/7/2005, chàng trai nghèo học giỏi Phạm Kim Hùng đã được đông đảo bạn đọc Tiền Phong biết tới khi tham gia giao lưu trực tuyến “Đường đến huy chương vàng Olympic quốc tế” trên Tiền phong Online. Năm 2002 đỗ thủ khoa vào khối chuyên Toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhưng Hùng chọn học khối chuyên Toán - Tin, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Quê ở ý Yên - Nam Định, bố bận công tác, mẹ vẫn ở quê, khi học tại Hà Nội, suốt năm học lớp 10 Hùng tự thuê nhà ở trọ.

Chia sẻ về kỷ niệm giao lưu với độc giả báo Tiền phong cách đây 8 năm, Hùng cho biết, sau cuộc giao lưu Hùng đã được độc giả trong và ngoài nước quan tâm, yêu mến. “Nhiều bạn học sinh, thầy cô giáo và độc giả mọi miền đất nước đã gửi thư hỏi thăm tôi, trước tình cảm của mọi người, tôi có thêm động lực tiếp tục học, phấn đấu và hoàn thành cuốn sách “Sáng tạo bất đẳng thức” dành cho học sinh yêu thích môn Toán. Tôi coi đây là món quà để đáp lại tình cảm của mọi người”, Hùng nói.

Khi một độc giả báo Tiền phong đặt câu hỏi: “Sau khi đi du học, bạn về nước hay ở lại”, Hùng đã trả lời “Em sẽ trở về nước làm việc”. Giữ đúng lời hứa, kết thúc 5 năm học tại Đại học Stanford (Mỹ), Hùng đã trở về Việt Nam làm việc với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền công nghệ thông tin nước nhà.

 

Hải Yến
thực hiện

Theo Báo giấy