“Cát tặc” uy hiếp đập thủy lợi

TP - Hành lang bảo vệ cầu và đập Thảo Long nằm ở hạ nguồn sông Hương mỗi ngày phải chịu đựng hàng trăm lượt ô tô tải vào ra “ăn cát” từ bãi tập kết cát lậu nằm ngay trong khu đất công trình dự án thủy lợi quốc gia trước đây. Tuy nhiên, cơ quan chức năng dường như vẫn làm ngơ để cát tặc lộng hành.
Bãi tập kết cát lậu ngang nhiên tồn tại trong đất công trình dự án xây dựng đập thủy lợi Thảo Long.

Năm 2009, công trình thủy lợi Thảo Long có quy mô lớn tại tỉnh TT-Huế nằm cuối sông Hương thuộc địa bàn huyện Phú Vang và thị xã Hương Trà hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng. Công trình do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, trị giá xây dựng 152 tỷ đồng, nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết môi trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho thành phố Huế và nhiều huyện, thị xã của TT-Huế.

Gần đây, đập Thảo Long đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng bởi nạn “cát tặc”. Đặc biệt, khu vực quy hoạch hành lang bảo vệ đập và mố cầu đường bộ Thảo Long hiện tồn tại một bãi tập kết cát lậu quy mô lớn, với sức chứa hàng nghìn mét khối, cát dồn đống cao bằng cả tòa nhà hai tầng. Bãi tập kết cát trái phép nằm trên địa bàn xã Hương Phong (thị xã Hương Trà). Chính quyền xã thừa nhận, họ “bó tay” với bãi tập kết cát lậu, do khu đất thuộc mặt bằng thi công công trình đập Thảo Long trước đây. “Vị trí bãi tập kết cát lậu là khu đất do UBND tỉnh thu hồi của địa phương để giao cho chủ đầu tư dự án thủy lợi. Công trình hoàn thành nhiều năm nay, nhưng ban quản lý dự án không giao đất về lại cho địa phương quản lý. Dân cứ thế vào lấn chiếm để làm ruộng, dựng lều chăn vịt, lập bãi cát lậu. Địa phương không quản lý đất, nên xã muốn cưỡng chế bãi cát lậu này cũng không thể”, ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết.

Tìm hiểu của phóng viên, tại công trình thủy lợi Thảo Long, khu vực bảo vệ an toàn thân đập, mố cầu đường bộ được tạm quy hoạch theo khoảng cách 50 mét tính từ tim công trình trở ra. Tuy nhiên, nhiều năm nay, Cty Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi TT-Huế vẫn chưa tổ chức cắm mốc khoanh vùng bảo vệ. Do đó, hàng ngày, ngay trên hành lang bảo vệ công trình luôn có hàng trăm phương tiện ô tô tải chở cát vào ra. Điều đáng nói, những xe tải vào “ăn cát” tại bãi tập kết lậu khi trở ra đã quay đầu ngay chân dốc mố cầu Thảo Long, gây xung đột về làn đường.

Bãi cát trái phép do một người đàn ông tên Thành (quê xã Hương Phong, ngụ thành phố Huế) lập nên gần hai năm nay tại vị trí chỉ cách chân đập Thảo Long vài chục bước chân. Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Cty Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi TT-Huế, cho biết, khi phát hiện bãi tập kết cát được lập trái phép, đơn vị từng yêu cầu đình chỉ, nhưng chủ bãi phản ứng rất quyết liệt, thậm chí dọa dẫm, nên cán bộ, công nhân vận hành đập không muốn gây căng thẳng. “UBND tỉnh giao đất cho Ban Quản lý Dự án Thủy lợi 5 - Bộ NN&PTNT thực hiện công trình Thảo Long từ hơn 10 năm trước. Sau khi dự án hoàn thành, chúng tôi chỉ nhận bàn giao phần công trình, riêng phần đất phục vụ thi công trước đây, nay là khu vực bãi tập kết cát, Ban 5 chưa bàn giao. Tuy nhiên, đối với hành vi biến hành lang bảo vệ đập thành tuyến đường chở cát, đơn vị sẽ cho kiểm tra và cắm biển cấm ngay. Sắp tới, đơn vị cũng sẽ cho cắm mốc khoanh vùng bảo vệ đập”, ông Đính giải thích.

Có sự chống lưng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, cùng với sự tồn tại của bãi lậu gần chân đập Thảo Long, tình trạng khai thác trộm cát lòng sông Hương quanh khu vực này cũng diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, ở phía hạ lưu sông Hương, cách đập Thảo Long vài trăm mét, hàng ngày luôn xuất hiện một đội thuyền từ 5 đến 7 chiếc thường xuyên hút trộm cát sỏi từ sáng đến chiều tối. Những lúc thấy “động”, đội thuyền “cát tặc” dạt vào nghỉ ngơi gần bãi tập kết cát lậu.

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thừa nhận, đoạn sông Hương gần đập Thảo Long có xảy ra tình trạng khai thác cát trộm. “Mỗi lần chúng tôi có mặt, nhóm người hút trộm cát đã cao chạy xa bay, hoặc dạt sang địa bàn huyện Phú Vang, nên rất khó xử lý”, ông Én nói.

Cũng theo vị này, chính quyền xã từng nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền kiên quyết đóng cửa, nhưng không hiểu sao, bãi tập kết cát lậu vẫn mặc nhiên tồn tại cạnh đập Thảo Long. Khi được hỏi, liệu có sự “chống lưng” cho bãi cát lậu tồn tại , ông Én nói: “Có hay không việc chống lưng, bao che cho bãi cát lậu tồn tại trên địa bàn Hương Phong, tôi xin phép không nói ra ở đây được. Dù có biết, tôi cũng không dám nói”. Còn theo ông Trần Hưng Long, Trưởng phòng TN&MT thị xã Hương Trà, vùng hạ lưu sông Hương gần đập Thảo Long thuộc xã Hương Phong không có vị trí nào được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ hay lập bãi tập kết cát sỏi. Mặc dù vậy, khi được đề cập đến bãi cát trái phép ngang nhiên tồn tại gần hai năm nay cạnh đập Thảo Long, ông Long bảo không hề biết.

Toạ đàm: Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép cách nào?

Hôm nay (31/3), báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm: “Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào?”, với mong muốn ghi nhận ý kiến từ những khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các chuyên gia…, nhằm đánh giá thực trạng khai thác cát trái phép đang nhức nhối hiện nay; gợi mở những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn “cát tặc”.

Từ nhiều năm nay, Tiền Phong đã triển khai nhiều bài viết phản ánh hoạt động khai cát trái phép và “cát tặc” núp bóng nạo vét luồng nạch. Báo cũng nhiều lần nhận được đơn thư cầu cứu của hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông Hồng, sông Đuống, phản ánh hoạt động của cát tặc khiến dân mất ăn, mất ngủ xáo trộn cuộc sống…

Sau hàng loạt thông tin phản ánh của Tiền Phong, Bộ Công an đã vào cuộc triệt phá nhiều vụ khai thác cát trái phép có quy mô lớn, bắt giữ nhiều đối tượng và các phương tiện liên quan trên sông Hồng, địa bàn các huyện Phúc Thọ và Bắc Từ Liêm. Thống kê từ năm 2009 tới nay, lực lượng Công an đã kiểm tra 88.412 trường hợp, phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm, thu gần 122 tỷ đồng. Năm 2015, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, bắt giữ đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến sông.

Trong bối cảnh trên, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: “Ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép – cách nào?”, với mong muốn ghi nhận ý kiến từ những khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các chuyên gia…, nhằm đánh giá đúng thực trạng khai thác cát trái phép đang nhức nhối hiện nay; gợi mở những giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn “cát tặc” hiệu quả.

- Thời gian: Từ 14h đến 15h30 ngày 31/3/2017.

- Địa điểm: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương Hà Nội.

TP