Cắt điện, nước chung cư vi phạm PCCC

TP - Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, thành phố kiên quyết cắt điện, nước các công trình mới phát sinh, chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm phòng chống cháy nổ chung cư. Ảnh: Mạnh Thắng.

Chiều 6/4, tại Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Phòng chống cháy nổ các chung cư”, với sự tham dự của đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội, một số sở ngành, quận của Hà Nội, chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm... Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, tính đến ngày 2/4, trong số 79 công trình cao tầng vi phạm PCCC đã có 50 công trình khắc phục xong các tồn tại, thiếu sót và được nghiệm thu đưa vào sử dụng. 29 công trình còn lại có nhiều thiếu sót, tồn tại, chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa người dân vào sinh sống.

Quá hạn khắc phục sẽ bị điều tra

Theo ông Vụ, trong số 29 công trình này, có 14 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình khó có khả năng khắc phục. “Với 14 công trình có khả năng khắc phục, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu đến 30/4 phải khắc phục được, đưa vào nghiệm thu sử dụng. Nếu không khắc phục xong thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý”, ông Vụ nói. Với 15 công trình khó có khả năng khắc phục, ông Vụ cho biết, UBND thành phố cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng để xin phép áp dụng các giải pháp bổ sung, thay thế các tồn tại thiếu sót chứ không phải hạ chuẩn. “Lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo từ nay đến 30/4, 15 công trình phải lập hồ sơ, luận chứng để trình Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm định, thẩm duyệt các biện pháp thay thế. Nếu được thay thế, đến 30/6 phải tổ chức khắc phục xong. Nếu không xong, cố ý chây ì, không thực hiện sẽ hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra”, ông Vụ nói thêm. Theo ông Vụ, chỉ đạo của thành phố là những công trình vi phạm phải kiểm tra 15 ngày/lần. Đối với những công trình vi phạm nghiêm trọng, 7 ngày kiểm tra một lần.

Ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận có 3 công trình (trong số 29 công trình toàn thành phố) chưa được nghiệm  thu về PCCC. Đối với công trình ở 76 Cự Lộc, đã có giải pháp thay thế để đạt chuẩn PCCC đưa vào sử dụng, hoàn thiện trước 30/4. Một công trình khác ở Hạ Đình cũng đã có thẩm duyệt bổ sung, đang thi công hoàn thiện. Riêng công trình ở 88 Tô Vĩnh Diện được xây dựng trước khi có Luật PCCC nên không có thẩm duyệt PCCC.

“Đến bây giờ để đảm bảo PCCC chỉ còn cách phá bỏ mà điều kiện hiện nay không thể phá bỏ được, phải để cho tồn tại. Chúng tôi đang xin giải pháp thay thế. 30/6 sẽ hoàn thành, nếu không xong thì chuyển sang điều tra”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cũng cho biết, trên địa bàn còn 14 công trình chung cư tái định cư chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC như họng nước không có dây, trang thiết bị hỏng hóc, đồng hồ không có áp suất...Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, quận có khoảng 79 chung cư cao tầng, trong đó có 11 công trình chưa khắc phục vi phạm PCCC.3 chung cư bị chuyển cơ quan điều tra gồm CT4, CT6, CT5AB ở Khu đô thị Văn Khê đều trên địa bàn quận Hà Đông.

Xem xét cắt điện nước

Trao đổi về an toàn PCCC, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đề nghị cần có hướng dẫn thêm về chế tài xử lý các công trình vi phạm PCCC. Ông Thảo đặt vấn đề, nếu đi kiểm tra các chung cư không đủ điều kiện PCCC thì quận có đủ điều kiện để ra thông báo tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của chung cư này không “Nếu kiểm tra xong rồi bỏ đấy thì lại không giải quyết được vấn đề gì. Bài toán không có kết quả cuối cùng”, ông Thảo lo ngại. Nói về ý thức của cư dân sinh sống tại các chung cư, ông Thảo nhấn mạnh, khi tập huấn PCCC, hộ gia đình thường chỉ cử người giúp việc, người già xuống tham gia. “Do vậy cần có quy định được cấp chứng chỉ bồi dưỡng PCCC thì mới được vào ở chung cư”, ông Thảo đề xuất.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh yếu tố văn hóa ở chung cư trong an toàn PCCC. Theo ông Võ, chúng ta xây chung cư nhưng chưa phát triển văn hóa chung cư, luật chung cư cũng chưa có. Người dân cũng chưa quen với cuộc sống ở chung cư. “Người Việt Nam có đặc điểm rất lạc quan. Không bao giờ nghĩ rủi ro có thể xảy ra với mình. Luôn luôn nói là nhận thức được rủi ro nhưng chắc xảy ra ở đâu chứ không xảy ra ở chỗ mình. Đến khi rủi ro ập vào mình rồi thì mới bừng tỉnh, thấy đau thương quá, khó khăn quá...”, ông Võ bày tỏ.

Ông Võ phân tích, có nhiều thứ có thể gây ra mất an toàn PCCC ở chung cư, đầu tiên phải kể đến chất lượng chung cư, điện đi ở trong tường, tiêu chuẩn không đảm bảo dễ gây chập cháy, rồi cách sống, sử dụng thiết bị trong từng căn hộ. “Phải nâng cao văn hóa vận hành, quản lý chung cư, từ xây dựng, quản lý đến thanh tra, kiểm tra xác nhận xem các tiêu chí đã hoàn thiện chưa. Như con số công bố, có hơn chục tòa nhà cao tầng khó có khả năng khắc phục vi phạm PCCC. Chứng tỏ từ quá trình xây dựng đã không quan tâm đến vấn đề này. Châm chước cho nhau trên mối quan hệ thân hữu. Bỏ qua việc này, việc kia. Đây là những cái bỏ qua rất tai hại. Sau này, nếu xảy ra sự cố gì thì tai hại gấp hàng nghìn lần...”, ông Võ nhấn mạnh.

Đại tá Trần Văn Vụ cũng đề cập vai trò, trách nhiệm của người dân trong PCCC chung cư. Theo ông Vụ, khi được bàn giao nhà, người dân phải đòi hỏi chủ đầu tư công khai thông tin đã được nghiệm thu về PCCC chưa, chất lượng công trình thế nào. Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cảnh sát PCCC vẫn kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xử lý vi phạm việc đưa người dân vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu về PCCC.

“Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, những công trình phát sinh ngoài 79 công trình đã biết, nếu chưa được nghiệm thu về PCCC mà đưa dân vào ở thì trước hết phải xem xét về việc cắt điện, cắt nước”, ông Vụ nói.

Theo ông Vụ, việc cắt điện, cắt nước là giải pháp quyết liệt của thành phố. Hiện lực lượng PCCC đã và đang phối hợp với các đơn vụ cung cấp điện, nước của thành phố để phối hợp xử lý các công trình mới phát sinh. “Cố gắng không để các công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng”, ông Vụ nói. Với những công trình còn tồn tại việc chưa nghiệm thu PCCC mà người dân đã vào ở, ông Vụ cho biết, phải có giải pháp như tuyên truyền, phổ biến giáo dục, kỹ năng thoát hiểm để đề phòng trường hợp xấu xảy ra.

“Hiện nay trong tổng số 718 chung cư đã xây dựng và đưa vào hoạt động, xe chữa cháy, xe chuyên dụng tiếp cận được 690 công trình ở tất cả các mặt của công trình. Khoảng 27 công trình xe chữa cháy và xe chuyên dụng không tiếp cận được do có những vị trí bố trí khai thác sử dụng làm nơi đặt cây cảnh, điểm trông giữ xe, khi xảy ra cháy xe không vào được”.

            Đại tá Trần Văn Vụ,

Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC Hà Nội.

Tỷ lệ chung cư mua bảo hiểm cháy nổ rất thấp

Đại tá Trần Văn Vụ cho biết, tỷ lệ chung cư tại Hà Nội mà chủ đầu tư và người dân mua bảo hiểm cháy nổ rất thấp, hiện mới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố mua bảo hiểm cháy, nổ, chiếm chưa đến 25%. Trong khi đó theo nghị định mới của Chính phủ, từ ngày 15/4, toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc... Bà Nguyễn Vĩnh Hà, Phó Ban Bảo hiểm Tài sản kỹ thuật, Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, việc bán bảo hiểm cho chung cư rất ít là do ý thức. “Chúng tôi tuyên truyền, chào bảo hiểm nhưng người dân khá e dè và tính toán trong việc mua bảo hiểm. Mặc dù tỷ lệ phí rất nhỏ so với giá trị của toà nhà. Sau vụ cháy gần đây thì chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu liên quan tới bảo hiểm cháy nổ hơn. Chủ đầu tư hoặc ban quản trị toà nhà đứng ra làm đầu mối mua bảo hiểm cho toàn bộ chung cư”, bà Hà nói. Theo bà Hà, người dân khi mua căn hộ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để quyền lời của người dân được đảm bảo. Bảo Việt cũng có thêm gói bảo hiểm như rủi ro cướp, rủi ro vỡ ống nước… để đảm bảo thêm quyền lợi của người dân.