Cấp trên gương mẫu, cấp dưới theo ngay

TP - “Tôi đi làm việc với địa phương, nhiều ý kiến đều nói, nếu tất cả các đồng chí Ủy viên Trung ương đều gương mẫu, vì nước, vì dân, kiên quyết chống tham nhũng thì bộ máy chuyển động, đâu vào đấy ngay”, ông Nguyễn Đức Hà, hàm Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI.
Ông Nguyễn Đức Hà, hàm Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư

“Không xử lý được ai” thì rất dở

Là thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, ông đánh giá thế nào về kết quả sau gần 5 năm thực hiện?

 Những năm qua, nhờ có Nghị quyết T.Ư 4 mà một số vụ việc nổi cộm đã được xử lý. Những vi phạm cũng đỡ “hoành hành” hơn. Đặc biệt với Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta đã làm bài bản, dân chủ việc quy hoạch cán bộ ở cấp chiến lược và nhận được sự thống nhất cao. Từ đó mà công tác nhân sự ở Đại hội Đảng lần thứ XII thuận lợi hơn, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và dư luận.

Bên cạnh đó, cũng nhờ có Nghị quyết T.Ư 4 nên mới xây dựng được cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, góp phần cảnh báo những người được lấy phiếu nhìn nhận lại mình, tự sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Rồi vấn đề chất vấn trong Đảng, trong Ban Chấp hành T.Ư cũng dần tạo ra không khí dân chủ và trách nhiệm.

Đặc biệt với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu, đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm. Các vụ việc tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng kéo dài trước đây nay đã và đang được quan tâm, xử lý nghiêm minh, tạo sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, nghiêm trị. Nhiều vụ án tham nhũng có hình phạt cao nhất, rất nghiêm minh, lấy lại phần nào lòng tin trong nhân dân…

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cũng còn có một số hạn chế. Có một số bộ phận tinh vi hơn nghĩ ra cách đối phó nên cũng cần phải có những điều chỉnh, giải pháp phù hợp để ngăn chặn.

Những hạn chế mà ông nói cụ thể là gì?

Nội dung Nghị quyết T.Ư 4 đến nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra chính là việc xử lý cán bộ, người đứng đầu chưa nghiêm. Nói thật, trên mà làm nghiêm thì cấp dưới sẽ nghiêm ngay. Chúng ta cứ để tình trạng “không xử lý được ai” thì rất dở, không nghiêm. Muốn tạo ra hiệu quả thì phải nghiêm từ cấp trên.

Đơn cử như việc bổ nhiệm người thân, tranh thủ bổ nhiệm khi nhiệm kỳ sắp kết thúc, nguyên nhân có phần từ sự không nghiêm ở cấp trên. Cấp trên gương mẫu thì cấp dưới sao mà dám làm. Tương tự là vấn đề “đúng quy trình” trong bổ nhiệm các vụ việc gây bức xúc dư luận, thì trước đây quy trình đâu có nhiều, đâu có chặt chẽ nhưng sao chọn ai trúng đó, bổ nhiệm ai đúng đó? Cái chính là hiện nay cơ chế thị trường, suy thoái, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, dẫn đến quy trình thêm rất nhiều, lấy phiếu nhiều khâu, nhiều cấp nhưng rồi người được chọn vẫn cứ sai. Việc chọn cán bộ ngày trước là vì cái chung, cái tâm trong sáng của người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Còn hiện nay nó bị tác động quá nhiều thứ cho nên cùng quy trình đó nhưng có khi chỉ là hình thức, gọi là tập thể nhưng chỉ là hợp thức hoá ý chí của người đứng đầu. Đây là điều rất đáng lo cần phải có giải pháp ngăn chặn.

Một vấn đề nữa là việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ cũng đã thực hiện nhưng cũng còn nhiều bất cập. Vấn đề đang đặt ra hiện nay là có nên luân chuyển nhiều không, đi địa phương mà chỉ làm cấp phó thì có phù hợp? Theo tôi đã luân chuyển là phải làm cấp trưởng thì mới bộc lộ hết phẩm chất, năng lực, tư duy, chứ làm cấp phó thì phân việc nào làm việc đó, khó bộc lộ hết được. Người được lựa chọn đi luân chuyển cũng đòi hỏi phải lựa chọn kỹ lưỡng, chọn người có phẩm chất, xứng đáng.

Khi “pháp trị” tốt rồi mới “đức trị”

Gần đây khi nói về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 nhiều ý kiến cho rằng, suy thoái, tham nhũng, lợi ích nhóm…, là do chúng ta thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, ông nghĩ sao về ý kiến trên?

Đúng là như thế! Con người sinh ra vốn đã có tính tham, nhưng để “nhũng” được thì phải là người có chức, có quyền. Vì Hội nghị T.Ư 4 khóa XII lần này phải làm sao thảo luận, nghiên cứu, xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.  Không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì khó mà ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, bổ nhiệm người nhà, người thân... Đảng cũng cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát; rồi vấn đề giám sát của nhân dân; việc thực hiện công khai, minh bạch ra sao?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Một vấn đề quan trọng nữa cũng cần được quan tâm là sự nêu gương của lãnh đạo, đảng viên. Ở đâu cũng thế, người đứng đầu mà gương mẫu, trong sáng, công tâm, khách quan…  thì đơn vị đó, bộ máy đó tốt ngay. Nhưng nếu người đứng đầu không nêu gương, nói một đằng làm một nẻo, nói tốt nhưng làm dở thì rất khó phát huy được hiệu quả. Bởi vẫn quy trình đó, nhưng người ta rỉ tai nhau, thì ai mà biết được? Quy trình làm sao mà kiểm soát hết được nên phải có quy định, quy chế cụ thể.

Vậy có cách nào để đề cao được trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu?

Lần này T.Ư cần phải nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cấp trên, từ Bộ Chính trị đến các Ủy viên T.Ư phải có cam kết nêu gương. Tôi nhớ, trước đây một lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng công khai rằng: “Tôi chỉ có một cái nhà, hiện đang ở nhà ở công vụ. Khi nghỉ tôi sẽ trả lại nhà công vụ về nhà cũ để ở. Tôi cũng chỉ có một cái nhà đó thôi, không có cái nào khác”. Nói thật nếu ai cũng cam kết rõ ràng, công khai, minh bạch như thế trước dân thì rất tốt… Chứ như hiện nay, kê khai tài sản, nhưng không ai xác minh rất hình thức. Kê khai nhưng lại bỏ qua con cái. Có khi tài sản của các đối tượng tham nhũng nhưng lại toàn đứng tên con cái, người thân. Con là nhân viên bình thường sao tài sản nhiều thế, đi xe sang, ở biệt thự đắt tiền đến như vậy.

Được biết tại Hội nghị T.Ư tới đây sẽ tiếp tục bàn các giải pháp tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông cần tiếp tục làm mạnh những vấn đề gì?

Tôi đi làm việc với địa phương, nhiều ý kiến nói rằng nếu tất cả các đồng chí Ủy viên T.Ư đều vì nước, vì dân, kiên quyết chống tham nhũng… thì bộ máy chuyển động, đâu vào đấy ngay. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao để cấp trên gương mẫu, đi đầu để cấp dưới phải theo. Con cái cấp trên mới học xong, chân ướt, chân ráo mà hết chức này, chức kia thì cấp dưới sẽ làm theo ngay, khó mà ngăn chặn được.

Thứ hai là để tạo ra đột phá thì phải nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào? Chứ bây giờ kêu gọi đạo đức, tự giác thì rất khó. Cái vừa rồi chúng ta nặng về đức trị, nhẹ pháp trị. Bây giờ phải nhấn mạnh về “pháp trị”, khi “pháp trị” tốt rồi mới “đức trị”. Chứ trong lúc bộn bề như hiện nay mà lại dùng “đức trị” thì hiệu quả đạt được sẽ thấp. Chúng ta vừa xây, vừa chống, nhưng tình hình như hiện nay thì phải đặt chống trước, nhấn mạnh cái chống mới hiệu quả. Một số vụ việc đang nổi cộm như hiện nay thì phải xử lý quyết liệt nghiêm minh, liên quan đến ai xử đến đó.