Do ảnh hưởng của bão số 5 (Côn Sơn) trong ngày 12/9, trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục mưa to và rất to, khiến nhiều khu vực thấp trũng xảy ra ngập úng cục bộ, nhiều tuyến đường ngập nước khiến giao thông đi lại khó khăn.
Lượng mưa trong 2 ngày qua tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa thuộc lưu vực sông Vu Gia (tỉnh Quảng Nam) là 262mm. Tại quận Sơn Trà là 423,6mm, Thanh Khê là 395,8mm, Hải Châu là 372mm, Ngũ Hành Sơn là 243mm, Cẩm Lệ là 336mm: sông Cu Đê (xã Hòa Bắc, Hoà Vang) là 356mm, hồ Đồng Nghệ là 398,8mm, hồ Hòa Trung (xã Hòa Liên, Hòa Vang) là 262,4mm.
Mực nước sông Hàn dâng cao.
Trưa ngày 12/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng ban hành Công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão và ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng đô thị.
Chủ tịch UBND các quận, huyện được chỉ đạo tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 5 (Côn Sơn) gây ra trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm được giao và lưu ý bảo đảm công tác phòng chống COVID - 19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.
Chằng chống cây xanh ngã đổ sau đợt mưa, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5.
Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, lũ, chủ động triển khai sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mưa, lũ và bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, các hồ chứa nước, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.
Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết; khuyến cáo người dân từ khu sơ tán trở về phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện,…) và chằng chống, sửa chữa bảo đảm an toàn trước khi vào ở...
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng ngập nước.
37 người đi rừng mất liên lạc giữa mưa lũ
Theo rà soát của chính quyền các xã, thị trấn thuộc huyện Nam Đông, thời điểm trên địa bàn xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5, có 45 người dân còn ở trong rừng sâu.
Qua liên lạc, có 8/45 trường hợp đã kết nối được thông tin và xác nhận trong tình trạng an toàn khi ở trong rừng. Tuy nhiên, hiện còn 37 trường hợp đi rừng nhiều ngày chưa liên lạc được với gia đình, cơ quan chức năng.
Những công dân đi rừng bị mất liên lạc chủ yếu là người ở các xã Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Long…
Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông, chính quyền địa phương đã làm việc, nắm thông tin từ người nhà đối với những trường hợp bị mất liên lạc.
Theo đó, những trường hợp này khi vào rừng mưu sinh đều chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cho chuyến đi dài ngày. Đây là những lâm dân đi rừng nhiều năm, có kinh nghiệm, có thể chủ động tự bảo vệ bản thân trong điều kiện thời tiết xấu.
“Hiện chính quyền các xã tiếp tục tìm cách liên lạc với những người đi rừng chưa rõ thông tin. Trong chiều nay, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, lực lượng chức năng sẽ triển khai các phương án tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn”, ông Hồ cho hay.
Xuyên bão cứu nạn 2 tàu cá
Hai chiếc tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi gặp nạn khi đang tránh bão Côn Sơn, may mắn được tàu cảnh sát biển ứng cứu thành công, 18 ngư dân được cứu sống.
Chiều 12/9, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 thông tin, tàu cứu hộ của đơn vị đang tiến hành lai dắt tàu cá gặp nạn.
Theo đó, lúc 13 giờ ngày 11/9, tàu cá QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đánh bắt hải sản trên biển đang trên đường về tránh bảo số 5 thì bị tàu bị phá nước, hỏng máy cách đông nam đảo Lý Sơn 28 hải lý. Trên tàu có 5 lao động. Nhận thông tin, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã chỉ đạo tàu Cảnh sát biển 8002 nhanh chóng tiếp cận vị trí cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện.
Đến 18h15, tàu Cảnh sát biển 8002 tiếp cận tàu bị nạn, lúc này tàu cá QNg 95058TS đã bị chìm, tính mạng của 5 thuyền viên bị đe dọa. Trong điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn của bão số 5, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đã nhanh chóng cứu vớt thành công cả 5 thuyền viên đưa lên tàu.
Các ngư dân được sưởi ấm, chăm sóc y tế trên tàu.
Tàu Cảnh sát biển 8002 tiếp tục xuyên bão tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tàu kéo số hiệu ĐNa 0494 gồm 13 thuyền viên do ông Nguyễn Dũng (57 tuổi, trú ở Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) làm thuyền trưởng.
Tàu này đang neo tránh trú bão ở vùng biển thôn Đông An Hải, Lý Sơn thì bị lưới quấn chân vịt không hoạt động được và rê neo trôi dạt về hướng nam của đảo Lý Sơn, cách phía đông đông nam Lý Sơn khoảng 17 hải lý.
Mặc dù đêm tối, điều kiện mưa to, sóng gió lớn, cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8002 quyết tâm tìm kiếm, cứu nạn phương tiện và người bị nạn.
Sau gần 6 giờ liên tục tìm kiếm và liên lạc với tàu bị nạn, đến 1 giờ 30 phút ngày 12/9 tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận với tàu ĐNa 0494 và 13 thuyền viên, triển khai các biện pháp cứu nạn và tổ chức lai dắt tàu bị nạn về đất liền.
Hiện, tàu Cảnh sát biển 8002 đang tiến hành lai dắt 2 tàu cá và đưa ngư dân tàu bị nạn về bờ.
Thiệt hại 1.500 ha lúa và hoa màu, Quảng Ngãi khẩn cấp dời dân khỏi vùng ngập lũ và sạt lở
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, có 25 nhà bị tốc mái, cụ thể tại huyện Trà Bồng 9 nhà, Lý Sơn 15, Sơn Tịnh 1, và có 73 nhà dân ở huyện Bình Sơn bị ngập do nước lũ dâng cao.
Ngoài ra, bão số 5 cũng làm cho gần 1.500 ha lúa và hoa màu bị ngập úng nặng. Trong đó lúa bị ngập úng 897 ha; diện tích cây trồng hằng năm (ngô, mì) bị ngập hơn 435 ha; 150 ha hoa màu, rau màu bị ngập úng, 12 ha cây ăn quả và hơn 100 ha hành ở huyện Lý Sơn bị hư hỏng.... Các tuyến giao thông tại các huyện Bình Sơn, Ba Tơ bị hư hỏng, sạt lở nặng.
Đến trưa nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã di dời đến nơi an toàn 224 hộ/798 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm do ngập lũ và sạt lở đất.
Huyện Trà Bồng di dời, sơ tán 63 hộ/239 nhân khẩu ở các xã Sơn Trà, Trà Xinh, Trà Thủy, Trà Bùi, Trà Thanh, Trà Xuân… huyện Ba Tơ di dời 88 hộ/369 khẩu, ở các xã Ba Thành 59 hộ181 khẩu; Ba Giang: 29 hộ/187 khẩu và huyện Bình Sơn 72 hộ/190 khẩu.
Do ảnh hưởng của bão số 5 kèm theo mưa lớn nên tại tổ 7, tổ 8 của thôn Vàng, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng đã xuất hiện sụt lún xung quanh Trạm y tế xã Trà Trung cũ (nay nhập vào thành xã Trà Tây). Trong khu vực này còn có 31 hộ dân và khoảng 200 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Hiện người dân đã được di dời đến nơi an toàn.
Trong trường hợp mưa lớn tiếp tục kéo dài, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến di dời, sơ tán thêm 123 hộ/424 khẩu, gồm huyện Sơn Hà 68 hộ/273 khẩu; huyện Bình Sơn 55 hộ/151 khẩu. Đến trưa nay 12/9, lũ ở các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt mức trên báo động 2 và dự kiến sẽ xuống chậm trong chiều nay.
Chiều 12/9 trao đổi với PV, ông Nhâm Xuân Sỹ- Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, trong chiều tối và đêm nay (12/9), khu vực tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi cao hơn.