CẬP NHẬT: Cả nước hối hả chống dịch COVID-19

TPO - Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, có nguy cơ lây nhiễm ra một số tỉnh. Thủ tướng yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại TP Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.
Người dân xét nghiệm COVID-19 (ảnh: HCDC)

Phát hiện 6 người đi vòng đường biển ‘né’ cách ly, trốn kiểm soát dịch để về Huế

Ngày 4/8, thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh TT-Huế cho biết, lực lượng chức năng thuộc đơn vị vừa phát hiện thêm 6 người trốn từ vùng dịch để trở về Huế theo cách đi vòng bằng đường biển, xuất phát từ vùng biển Nam Ô (Đà Nẵng), điểm đến là thị trấn Lăng Cô (TT-Huế). Đây là vụ thứ 2, công dân TT-Huế trốn từ vùng có dịch để về quê.

Trước đó, vào lúc 20h30 tối 3/8, Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô phát hiện tại Tổ dân phố An Cư Đông 2, gần trạm BOT Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), có 6 trường hợp quê xã Lộc Điền - huyện Phú Lộc lén lút đi vòng bằng đường biển xuất phát từ bến Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để ra Huế.

Qua lấy lời khai, các đối tượng này cho biết tất cả đều là lao động nghề biển cho các tàu cá ở Đà Nẵng.

Trong thời gian vào bờ trú tránh áp thấp nhiệt đới, 6 đối tượng kể trên không có việc làm nên đã đi vòng theo đường biển từ Đà Nẵng để ra Huế. Khi đến vị trí tổ dân phố An Cư Đông 2 - thị trấn Lăng Cô, nhóm người này bị lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô bắt giữ.

Theo lời khai của các đối tượng, do đi bằng đường bộ theo quốc lộ bị lực lượng chức năng địa phương chốt chặn, nên họ lén lút về quê bằng đường biển. Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều ngày qua, tỉnh TT-Huế đã liên tục tổ chức lực lượng, phương tiện (xe ô tô của bộ đội, công an, biên phòng) túc trực tại khu vực giáp ranh TP Đà Nẵng (thị trấn Lăng Cô) để đưa đón công dân địa phương từ vùng dịch về quê cách ly, sau đó họ sẽ được đoàn tụ cùng gia đình.

Hiện, lực lượng BĐBP TT-Huế phối hợp cơ quan công an bàn giao 6 trường hợp trở về quê trái phép bằng đường biển này cho chốt kiểm soát dịch số 5 (thị trấn Lăng Cô) để tiến hành kiểm tra, yêu cầu khai báo y tế và buộc đi cách ly tập trung theo quy định.

Trước đó, như tin đã đưa, vào khoảng 10h30 trưa 30/7, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Lăng Cô (thuộc BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế) khi tuần tra khu vực bờ biển Đồng Dương (Lăng Cô), đã phát hiện tàu cá ĐNa 90511TS đưa 9 người từ Đà Nẵng về TT-Huế bằng đường biển, nhằm tránh kiểm soát, kê khai y tế, trốn cách ly phòng COVID-19. (Ngọc Văn)

Giám đốc người Nhật mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu điều tra xử lý ổ dịch

Ngày 4/8thông tin từ Sở Y tế Lâm Đồng, sau khi phía Nhật Bản xác nhận ông M.N mắc COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM điều tra, xử lý ổ dịch này.

Hiện Lâm Đồng đã tiến hành cách ly hơn 523 người ở TP.Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, trong đó có 54 trường hợp là F1 và 469 người được xác định là F2.

Số xét nghiệm đã được thực hiện cho người tiếp xúc trực tiếp là 54, trong đó 53 mẫu âm tính với SARS-CoV-2 và 1 mẫu ở huyện Lạc Dương đang chờ kết quả.

Địa phương có số người được cách ly y tế nhiều nhất là huyện Lạc Dương với 29 F1 và 295 F2. Kế đến là TP. Đà Lạt với 15 F1 và 134 F2.

 Cuối giờ chiều hôm qua (3/8), Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa đã ký văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ hoạt động các cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, bao gồm massage, karaoke, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim, trò chơi điện tử, ca nhạc phòng trà, cơ sở làm đẹp.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến cáo cán bộ, người dân và du khách không tụ tập đông người cho đến khi có thông báo mới.

Như Tiền phong đã đưa tin ngày 31/7, ông M.N bay từ Sân bay Liên Khương đi TP.HCM, sau đó bay tiếp về Nhật Bản. Vào 11 giờ 20’ ngày 1/8, ông nhắn tin cho người quản lý công ty ở Lâm Đồng với nội dung tại sân bay Narita, ông được kiểm tra bằng phương pháp xét nghiệm nhanh (Test High Standard) và phát hiện dương tính với SARS – Cov-2.

Sau đó, cơ quan y tế Nhật Bản tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp PCR, xác định ông M.N dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã thông báo kết quả này cho Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế Việt Nam) vào ngày 3/8. (Kim Anh)

Thêm một số địa phương cấm tụ tập đông người, thực hiện cách ly xã hội

Đồng Nai
sẽ tạm ngưng các hoạt động công cộng, trường học, bệnh viện, công sở… từ lúc 0 giờ ngày 4/8/2020 cho đến khi có thông báo mới. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.

Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; Bố trí đầy đủ dụng cụ, phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm khoảng cách khi tiếp xúc. Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động theo hướng dẫn của ngành y tế...

Hạn chế hội họp không cần thiết; đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng. Tạm ngưng tổ chức các hoạt động nghi lễ tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Tại Hà Nội: UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tuyên truyền tại phố đi bộ để người dân thực hiện đúng qui định về việc giữ khoảng cách. Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các hoạt động tập trung đông người tại khu vực phố đi bộ.

Thành lập các đoàn kiểm tra đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng, các cơ sở y tế, khu cách li tập trung, phát hiện nhanh, xử lí kịp thời các trường hợp có dấu hiệu của COVID-19...

 TP.HCM: Tái lập các chốt kiểm soát; xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Việc cần làm ngay lúc này là ngăn chặn từ xa để phòng ngừa, phải thực hiện quyết liệt ba giải pháp chính là: Đeo khẩu trang; áp dụng các tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn; ngăn chặn nhập khẩu trái phép... (Quảng An)

TP Buôn Ma Thuột: Nhiều nơi vi phạm giãn cách xã hội

Dù TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang thực hiện cách ly xã hội trong vòng 14 ngày để phòng chống COVID-19, nhưng nhiều quán hàng vẫn bày bán cho khách trong đêm.

Sau chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, ngay trong đêm đầu tiên (tối 3/8) thực hiện các ly xã hội, Phòng Cảnh sát cơ động đã triển khai 4 tổ công tác tuần tra, nhắc nhở, xử lý người dân tụ tập đông người nơi công cộng, quán nhậu, quán cà phê để phòng chống dịch CPVID-19 trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

Quá trình kiểm tra, Công an đã phát hiện rất nhiều chủ quán nhậu, quán cà phê vẫn chưa ý thức được mức độ lây lan nguy hiểm của dịch COVID-19.

Đáng nói, có điểm khách vào ăn nhậu, uống cà phê không giữ đúng khoảng cách an toàn 2 m và không đeo khẩu trang phòng chống dịch.

Ngoài ra, tại các hoa viên, các địa điểm công cộng của TP Buôn Ma Thuột vẫn có đông bộ phận thanh thiếu niên và người dân tụ tập.

Trong ngày đầu ra quân, tổ công tác của phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhắc nhở 59 điểm kinh doanh, gồm: quán cà phê, quán nhậu, quán cắt tóc; nhắc nhở gần 100 trường hợp không đeo khẩu trang.

Theo công an, các quán hàng lần đầu tiên vi phạm chỉ nhắc nhở. Sau lần này sẽ bị xử lý đúng quy định…

Trước đó, sáng ngày 3/8 PV Tiền Phong ghi nhận trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo… người dân chấp hành cách ly xã hội ở TP Buôn Ma Thuột khá nghiêm túc.

Ở diễn biến liên quan, cùng ngày báo cáo từ Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, địa phương ghi nhận có 3 ca nhiễm COVID-19, qua đó cách ly hơn 10.000 người (trong đó cách ly 86 trường hợp tại các cơ sở y tế; Các ly tập trung 314 trường hợp; cách ly tại nhà liên quan đến bệnh nhân dương tính 83 trường hợp; Liên quan đến bệnh nhân từ Đà Nẵng, Quảng Nam 9.903 trường hợp). (Vũ Long)

TP Hồ Chí Minh: Các phòng xét nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19

Ngày 4/8, Sở Y tế TPHCM đã lên phương án tăng cường sàng lọc, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán, điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Theo Sở Y tế TPHCM, bên cạnh việc củng cố các khu cách ly tạm tại tất cả bệnh viện (BV), phân tầng chăm sóc bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ và nhóm xác định COVID-19 thì sở ưu tiên tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán COVIDD-19 cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 13 đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2, cụ thể như sau: 4 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (Viện Pasteur, BV ĐH Y dược, BV Thống Nhất, BV Chợ Rẫy); 4 đơn vị ngoài ngành y tế (BV Quân y 175, BV Quân y 7A, Chi cục thú y vùng 6, Chi cục thú y vùng 7); 4 bệnh viện và cơ sở công lập thành phố (BV BNĐ, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng TP, HCDC); 1 BV tư nhân (BV Việt Pháp - FV).

Sở Y tế rà soát có 8 bệnh viện có đủ năng lực triển khai xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 là: Truyền máu Huyết học, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch, Quận Thủ Đức, Quận 2. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo 8 BV khẩn trương kiện toàn năng lực và có văn bản đề nghị Viện Pasteur sớm đánh giá năng lực và đề nghị Bộ Y tế công nhận.

Hiện tại, công suất thực tế của 12 đơn vị (ngoại trừ Viện Pasteur) là khoảng 2000-2500 mẫu/ngày, riêng Viện Pasteur TPHCM thực tế có năng lực khoảng 2000 mẫu/ngày. Sở Y tế sẽ có văn bản đặt hàng Viện Pasteur thực hiện xét nghiệm cho thành phố theo mức giá tại TT13/2019/TT-BYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH VN dành riêng cho xét nghiệm COVID-19. Đáp lại, Viện Pasteur cho biết sau khi nhận được văn bản của Sở Y tế, Viện Pasteur sẽ báo cáo Bộ Y tế để được đấu thầu sinh phẩm và cố gắng tăng công suất tối đa khoảng 5000-10.000 mẫu. 

Bên cạnh kế hoạch nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán, Sở Y tế cũng đã rà soát các tình huống tăng cường sàng lọc, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán, điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, cụ thể theo biểu đồ dưới đây:

Nguồn: Sở Y tế TPHCM

Cập nhật tình hình cách ly theo dõi và điều trị bệnh nhân có triệu chứng và dịch tễ liên quan đến COVID-19 cộng dồn cho đến hiện tại đã có tổng cộng có 247 người bệnh đã được cách ly theo dõi tại các khu cách ly của các bệnh viện, trong đó 211 trường hợp đã được làm xét nghiệm chẩn đoán (8 dương tính, 125 âm tính, 78 đang chờ kết quả). (Uyên Phương)

Sóc Trăng tiếp nhận, cách ly 140 công dân từ Canada về nước

Sáng ngày 4/8, Đại tá Trần Văn Lâu - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết, tối ngày 3/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tiếp nhận và cách ly tập trung 140 công dân Việt Nam từ Canada về nước tại Trường Quân sự tỉnh.

Các công dân tiếp nhận đợt này gồm: Trẻ em dưới 18 tuổi, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người ốm đau và một số khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Trong thời gian 14 ngày cách ly tập trung, các công dân sẽ được kiểm tra sức khỏe, phục vụ ăn miễn phí 3 bữa/ngày. Được cấp miễn phí khăn mặt, khẩu trang, nước uống, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng và các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Đại tá Trần Văn Lâu cho biết thêm: Để các công dân có nơi ăn, ở, sinh hoạt  cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quân khu 9 giao, mọi công tác đã được chuẩn bị từ trước để sẵn sàng đón tiếp công dân từ Canada về khu cách ly tập trung. Đối với các nhân viên lái xe sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cách ly riêng; các phương tiện vận chuyển cũng được khử trùng theo đúng quy định.

Theo Đại tá Trần Văn Lâu, ngay từ những ngày đầu có dịch, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh trong thời bình. Lãnh đạo đơn vị đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh triển khai kế hoạch tiếp nhận, cách ly y tế đối với công dân Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch về Việt Nam cách ly tập trung tại các cơ sở của tỉnh Sóc Trăng.

Bác sĩ Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết khi các hành khách về đến nơi, cán bộ y tế của Trung tâm đã thực hiện điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 gửi lên Viện Pasteur TPHCM ngay trong đêm 3/8 và sáng ngày 4/8. (Xuân Lương - Nhật Huy)

Nhận ca bệnh mắc COVID-19, bao giờ Bệnh viện Quốc tế City hoạt động trở lại?
Ngày 4/8, Bệnh viện (BV) Quốc tế City tiếp tục thông báo tạm ngưng hoạt động cũng như tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, BV Quốc tế City đã tiếp nhận 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân 449, 450 từ Đà Nẵng vào, Sở Y tế đề nghị BV này tạm ngưng nhận bệnh nhân và điều trị đến ngày 3/8.

Ngay sau đó, BV cho biết đã tạm ngưng khám và tiếp nhận người bệnh mới vào khu điều trị nội trú để hoàn tất khử khuẩn và chờ các nhân viên BV có kết quả xét nghiệm lần 1.

Tuy nhiên, đến ngày 4/8, BV Quốc tế City tiếp tục thông báo sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới để tăng cường phòng chống dịch COVID-19.

“BV cũng đã chuẩn bị tất cả các phương án tiếp nhận và điều trị: chuẩn bị giường bệnh, các trang phục, vật tư y tế, quần áo bảo hộ, các trang thiết bị y tế đầy đủ để phục vụ cho công tác phòng chống COVID-19 tại BV” – đại diện BV Quốc tế City cho biết.

Ghi nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM trong sáng ngày 4/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Thành phố có 69 ca phát hiện mắc COVID-19, trong đó 61 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.

Đối với 8 bệnh nhân còn lại đang cách ly điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới, tất cả các bệnh nhân đang ổn định, không sốt, không ho, không khó thở.

Có 354 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện. Không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 309 trường hợp đã có kết quả âm tính, 45 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Về tình hình giám sát người về từ vùng dịch, số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 1.479 trường hợp. Trong đó khu cách ly tập trung của thành phố là 1.112 người (tổng cộng 12.730 người lũy tích cách ly tại khu cách ly quận, huyện, trong đó có 11.618 người đã qua 14 ngày theo dõi).

Cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 367 người (tổng cộng 2.343 người lũy tích cách ly tại khu cách ly quận, huyện, trong đó có 1.976 người đã qua 14 ngày theo dõi). Công suất cách ly tập trung của quận, huyện hiện nay là 1043 giường.

Số trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong ngày ghi nhận có 8.589 người (tổng cộng 21.530 người lũy tích được cách ly tại nhà, trong đó có 12.941  người đã qua 14 ngày theo dõi).

Đối với những người đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7): đã có 32.070 người đến từ Đà Nẵng kể từ ngày 1/7 khai báo y tế tại 24 quận, huyện để được cách ly y tế theo quy định, trong đó 21.260 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 6 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. (Uyên Phương)

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của người ngồi chung với ca nhiễm 589 ở Bình Dương
Người phụ nữ đến dự đám cưới ở Huế, trở về Bình Dương và đang được cách ly y tế. Người này được cho là ngồi chung bàn với ca nhiễm thứ 589. Hiện, cơ quan chức năng đang có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

Cụ thể, N.l.T (SN 1983, ngụ phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) là được cho là F1 có tiếp xúc với bệnh nhân số 589.

Quá trình đi lại của bà T. từ ngày 21/7 đến 27/7 như sau: ngày 21/7 bà T. đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng. Ngày 22/7, bà T. dự đám cưới tại nhà hàng For You Palace (Đà Nẵng). Ngày 23/7, bà Thủy theo đoàn rước dâu ra Huế.

Chiều 23/7, bà T. dự tiệc cưới tại nhà hàng Hoa Hồng và ngồi chung với bệnh nhân 589. Ngày 24/7, bà T. về chơi ở Quảng Trị rồi trở lại sân bay Huế về TP.HCM trên chuyến VJ 307, số ghế 134, sau đó bà Thủy đón Grap về Bình Dương.

Ngày 26/7, bà T. đến spa L.A trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Thọ, đến chiều cùng ngày đến quán ăn gà tiềm ớt hiểm trong khu dân cư, phường Chánh Nghĩa.

Từ ngày 27/7 đến 2/8, bà T. tự cách ly tại nhà. Tối 2/8, bà Thủy được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly y tế đường Hoàng Hoa Thám, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một. Thống kê cho thấy, bà T. tiếp xúc với 11 người sau khi về lại Bình Dương.

Cơ quan chức năng đã gửi mẫu dịch tễ của bà T. đi xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến nay, Bình Dương không có trường hợp mắc COVID-19.

Tổng số trường hợp có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng được phát hiện và khai báo y tế là 4.193 trường hợp; hiện tại cách ly y tế tập trung 27 trường hợp, cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú 3.022 trường hợp và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 1.144 trường hợp. (Hương Chi)