Tại Hậu Giang, nắng nóng kéo dài những ngày qua đã khiến mực nước rút nhanh trên rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp), độ ẩm xuống thấp. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp I (cấp thấp) lên cấp III (cấp cao) và tổ chức ứng trực thông tin phòng cháy rừng từ ngày 15/3 tới.
Tại chuyến kiểm tra thực tế ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương có đất rừng và chủ rừng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng cháy rừng vào từng thời điểm cụ thể. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia; ứng dụng công nghệ thông tin để phát hiện, cảnh báo và xử lý nhanh chóng, kịp thời nguy cơ cháy. Trước mắt UBND tỉnh thống nhất đề xuất nâng cấp dự báo cháy rừng từ ngày 15/3 tới, tuy nhiên cấp dự báo cụ thể thì phải căn cứ vào tình hình thực tế.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800ha, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ động thực vật đa dạng, độc đáo.
Ở Trà Vinh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng cháy rừng mùa khô tại các khu rừng có khả năng cháy cao. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều thực hiện tốt các công tác phòng chống cháy rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện... với phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô.
Còn tại Cà Mau, trên toàn lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Hạ có hơn 5.000ha dự báo cháy cấp III, cấp IV. Trước tình hình đó, vườn đã triển khai lực lượng ứng trực 24/24, trực trong ngày có khoảng 135 người gồm lực lượng tại chỗ, kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ...
Ông Lê Thanh Dũng - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết, vườn cũng thành lập tổ phản ứng nhanh gồm 10 người đi kiểm tra toàn lâm phần, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ cháy cao, kể cả khu vực thường xuyên ong mật làm tổ. Ngoài ra, tuyên truyền vận động nhân dân ở vùng đệm thực hiện ký cam kết tăng cường công tác phòng cháy rừng và không vào rừng trong giai đoạn khô hạn.
Dự báo mùa khô năm nay nắng nóng gay gắt, tại buổi kiểm tra công tác phòng cháy rừng tại khu vực rừng U Minh Hạ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - ông Huỳnh Quốc Việt đề nghị các lực lượng chức năng tuyệt đối không để người dân vào rừng bắt cá, lấy mật ong hoặc đốt đồng, gây nguy cơ cháy rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu duy trì các chốt, trạm và tổ, đội tuần tra lưu động; thường xuyên kiểm tra, vận hành máy móc, trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, zalo) liên kết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan (công an, quân sự, lực lượng khí điện đạm, người dân,…) để huy động, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
“Khẩn trương khắc phục hạn chế, hoàn thiện, đánh giá, báo cáo đề xuất việc nhân rộng thực hiện thí điểm ứng dụng camera chuyên dùng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng nhằm giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo vệ, phòng cháy rừng” - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo.