Cảnh đìu hiu, nhà đầu tư tháo chạy ở Đường sách thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột

TPO - Tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột với kỳ vọng tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa đọc, cà phê…Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, kết quả không như mong đợi.

Đìu hiu đường sách

Chiều 8/4, PV Tiền Phong có mặt tại Đường sách ở hẻm 2 Phan Chu Trinh, bên cạnh Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột. Con hẻm dài khoảng 100 m, hai bên được xây dựng các gian hàng khá bắt mắt. Tuy nhiên, nhiều gian hàng cửa đóng then cài, có gian hàng mở cửa nhưng vắng khách. Dù đây là ngày cuối tuần, và thời gian mở cửa Đường sách từ 8h-22h tất cả ngày trong tuần, gồm cả lễ Tết.

Đường sách vắng khách.

Ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (Cty TNHH Nông trại EDE) - đơn vị thuê mặt bằng tại Đường sách cho biết dù dịch COVID-19 được kiểm soát, song lượng khách đến đây không còn đông đúc, một phần đến từ yếu tố khách quan về thời tiết nắng gắt mấy ngày qua.

Khung cảnh Đường sách chiều 8/4.

Ông Hữu cho biết thêm năm 2019, đã ký hợp thuê gian hàng và đầu tư xây dựng hết khoảng 500 triệu đồng chi phí cố định.

Trong năm đầu, công ty cùng các gian hàng và Cty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (gọi tắt Cty Đường sách) - đơn vị vận hành, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút khách, đóng góp tài chính, vật chất một phần cho các hoạt động chung tại đây.

Tuy nhiên từ năm thứ 2, dịch COVID-19 ập đến, nhất là những tháng đầu của quý II năm 2020, lượng khách giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Riêng công ty của ông Hữu, gần 24 tháng (tính từ tháng 6/2020 đến nay) đang chịu khoản lỗ gần 1 tỷ đồng.

Nhiều gian hàng đóng cửa.

Ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19 là yếu tố khách quan, theo ông Hữu còn một phần do đơn vị vận hành Đề án Đường sách chưa thực hiện tốt các hoạt động văn hóa định kỳ sau khi hết dịch bệnh bằng nguồn tiền thu được từ các gian hàng để thu hút khách.

Một gian hàng đồ uống đóng cửa.

Trước tháng 3, nhận thấy suốt hơn 24 tháng mà công ty vận hành không tổ chức họp các gian hàng để lấy ý kiến đóng góp cũng như kế hoạch để hoạt động chung cho hiệu quả, công ty ông Hữu đã nhiều lần kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Đắk Lắk - cơ quan quản lý Nhà nước đối với Đường sách, về việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của tuyến đường này.

Một gian hàng phủ màn kín.

Đến ngày 17/3, sở này đã tổ chức cuộc họp, làm rõ nhiều vướng mắc của các đơn vị, đưa ra kết luận trong đó có nội dung đề nghị đơn vị vận hành cùng các gian hàng xây dựng hiệu quả lại Đề án Đường sách.

Ngay sau khi có kết luận của Sở VH-TT&DL, Cty TNHH Nông trại EDE là đơn vị tiên phong (trong số 12 đơn vị còn nợ) thanh toán đủ tiền nợ thuê mặt bằng. Công ty cũng gửi đề nghị Cty Đường sách tái ký hợp đồng để tiếp tục kinh doanh, thu hồi một phần kinh phí đã đầu tư, nhưng bị từ chối và yêu cầu di dời. Điều này đi ngược với chỉ đạo của Sở VH-TT&DL và hợp đồng đã ký trước đó.

Một gian hàng mở cửa nhưng vắng khách.

Vì sao nhà đầu tư "bỏ chạy"?

Năm 2019, anh Đặng Văn Huy (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) cũng thuê gian hàng tại Đường sách với mục đích chính tặng sách nông nghiệp, hướng dẫn chị em cách trồng rau an toàn tại nhà, giới thiệu loại nông sản địa phương.

Tuy nhiên, cách vận hành Đường sách không ổn. Thời gian đầu, khách phàn nàn về vấn đề vệ sinh, anh có ý kiến với đơn vị vận hành. Về sau, dịch COVID-19 xuất hiện khiến mọi hoạt động ngưng trệ, mỗi tháng anh phải bỏ tiền túi gần 20 triệu đồng để duy trì gian hàng.

Một gian hàng khóa cửa dù ngày cuối tuần

Anh Huy nói thêm, khoảng tháng 9/2022, Cty Đường sách tự ý phá khóa gian hàng của anh cho người khác thuê. Đến nay, anh vẫn chưa được bàn giao lại tài sản trong gian hàng.

Thời gian Đường sách mở cửa từ 8h đến 22h.

Làm hợp đồng thuê gian hàng tại Đường sách từ 10/5/2022 đến 10/5/2024, để trưng bày sách, giới thiệu sản phẩm thể thao, sức khỏe, song được vài tháng, anh Phan Bảo Long chấp nhận dừng vì hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, mỗi tháng anh phải bỏ tiền túi gần 18 triệu đồng để duy trì hoạt động gian hàng.

Từ khi vận hành đến khi dừng hẳn, anh Long đầu tư hơn 267 triệu đồng và chưa thu lại khoản nào.

Đề án Đường sách không được như kỳ vọng ban đầu.

Theo Cty Đường sách, năm 2019 có 14 gian hàng tham gia Đường sách, nhưng sau dịch COVID-19, các gian hàng liên tục đóng cửa. Tính đến cuối năm 2022, chỉ còn 9 gian hàng hoạt động thường xuyên. Do kinh doanh không hiệu quả, phần lớn các đơn vị đóng cửa và đều nợ tiền thuê mặt bằng, đến nay hơn một tỷ đồng.

Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết Cty Đường sách mới đóng 50 triệu đồng phí sử dụng tạm thời lòng lề đường, hè phố và còn nợ hơn 600 triệu đồng.

Hình ảnh Đường sách tối 8/4.

Sở này đề nghị công ty có trách nhiệm chủ trì, cùng các đơn vị thuê mặt bằng lên chương trình hoạt động hàng năm trước khi trình sở thẩm định, thông qua, tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các đơn vị tham gia Đường sách để bàn bạc, giải quyết những kiến nghị, đề xuất trong quá trình hoạt động, xem xét không thu phí gửi xe, nhà vệ sinh, nộp đủ phí sử dụng tạm thời lòng lề đường, hè phố, tạo điều kiện cho các đơn vị nộp đủ, đúng tiền thuê mặt bằng.

Đề án Đường sách được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào tháng 12/2018, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đề án này được kỳ vọng tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột – Thủ phủ cà phê Việt Nam, góp phần quảng bá văn hóa đọc, cà phê và văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa...