Thời điểm cận Tết, hầu hết các chợ gần KCN tập trung nhiều công nhân như Mi Điền, Quang Châu hoạt động mua sắm diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp. 18 giờ tối, tại chợ Mi Điền (Việt Yên, Bắc Giang), không khí bắt đầu náo nhiệt bởi cảnh tấp nập người mua, người bán. Tiếng người cười nói, tiếng loa rao bán hàng, tiếng mặc cả trả giá râm ran.
Tại đây, có đủ các hàng quán khác nhau, từ quần áo, giầy dép, túi xách đến mỹ phẩm, điện thoại...; hầu hết là hàng phổ thông, giám giá phù hợp với túi tiền của công nhân. Đông khách nhất vẫn là các cửa hàng quần áo, một số cửa hàng khách phải xếp hàng chờ đến lượt để đợi thanh toán.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng bán quần áo cho hay, từ đầu tuần trước, lượng công nhân mua sắm đã tăng lên đáng kể. Chuẩn bị nghỉ Tết nên họ tranh thủ mua sắm quần áo diện Tết cho bản thân, nhiều người mua thêm làm quà cho người nhà ở quê. “So với mọi năm, số lượng khách hàng không thay đổi, chỉ giảm bớt số tiền và lượng hàng hóa. Năm trước, có khách mua liền lúc 4 - 5 cái, nhưng giờ họ mua ít hơn, lựa chọn cũng kỹ càng hơn”, anh Tuấn cho biết.
Chị Trần Thị Lan (làm công nhân của một công ty điện tử lớn tại khu công nghiệp Vân Trung) vừa ngắm nghía chiếc áo ấm chọn mua cho con vừa nói, chị quê ở Quảng Bình, ra Bắc Giang làm công nhân 3 năm nay. Suốt 7 tháng nay, vì dịch COVID-19 nên chị chưa về quê, rất nhớ cô con gái 7 tuổi ở nhà. “Trước đây, khi nghe thông tin người làm xa về phải cách ly nhiều ngày, dù rất buồn nhưng tôi đã đăng kí làm Tết. Vừa rồi nghe tin các tỉnh sẵn sàng đón lao động về, chỉ cần test nhanh, không phải cách ly, tôi mừng chảy nước mắt và sẽ về quê. Hôm nay, tranh thủ hết giờ làm, đi mua chiếc áo về làm quà cho con diện Tết. Đi làm xa cả năm có quà mang về con, nó cũng đỡ tủi thân”.”- chị Lan nói.
Cất đôi giày mới mua cho con vào túi, chị Lê Thị Hải, công nhân công ty Hồng Hải, quê ở huyện miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, chị có 2 con nhỏ, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi. Những ngày gần đây, các con chị liên tục gọi, hỏi chị khi nào về Tết. “Đi làm mà cứ sốt ruột muốn về quê với các con. Tôi cố làm đến 27 âm lịch này để lấy lương và xem có thêm đồng thưởng nào không. Tranh thủ tan ca, tôi rủ mấy chị em qua chợ mua quà Tết về cho các con và bố mẹ.” – chị Hải nói.
Tại một cửa hàng tiện ích, chị Nguyễn Thị Huế, quê Lạng Sơn cẩn thận lựa chọn vài hộp bánh, cà phê, hạt dẻ để Tết này đem về quê. Chị cho biết: “Nhà tôi ở rất xa chợ, muốn mua đồ Tết phải lên thị trấn, năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị nghỉ Tết là tôi tranh thủ ra chợ sắm sửa bánh trái mang về".
Cũng tại cửa hàng này, nhiều công nhân khác cũng đang lựa chọn những món đồ Tết. Một công nhân quê Cao Bằng cho biết: "Ở quê em cũng có nhiều cửa hàng, thuận tiện mua sắm, bánh trái cũng nhiều, nhưng đi làm xa quê cả năm, Tết đem quà về mới quý".
Vào đầu tháng 1 vừa qua, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho hay, nhiều doanh nghiệp đăng ký sẽ hoạt động dịp Tết với số lượng công nhân ở lại các nhà máy khoảng 5.000 – 6.000 người. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong ngày 24/1, ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, lượng người ở lại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang chỉ khoảng 1.800 người.
Theo ông Thắng, những người ở lại chủ yếu làm nhiệm vụ trực hành chính, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy trong các nhà máy, chỉ một số rất ít các nhà máy hoạt động. “Đầu tháng 1, đúng là số lượng công nhân mong muốn ở lại rất nhiều, khoảng 6.000 người. Lý do chính là họ sợ về quê phải cách ly y tế. Từ khi Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh tháo dỡ rào cản đối với người về quê ăn Tết, các công nhân đã đổi ý định. Đó cũng là mong muốn bình thường của bất cứ ai để có được cái Tết đoàn viên sau một năm làm việc vất vả” – ông Thắng nói.