Cần thống nhất vào một đầu mối

TP - Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trả lời phỏng vấn của Tiền Phong bên hành lang kỳ họp Quốc hội, chiều 1-11.

> Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo.

Ông Thảo nói:

Đầu QH Khóa XII, Bộ KH-ĐT đã trình dự thảo, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp thẩm tra dự luật Đầu tư công (ĐTC), tuy nhiên sau đó Chính phủ xem xét thấy còn một số vướng mắc nên để lại. Cái vướng đó là chức năng các bộ còn chồng chéo, chưa được tách bạch; vướng về quản lý nhà nước.

Hiện nay, các hạng mục đầu tư công chủ yếu do Bộ Xây dựng, Bộ GT-VT và một vài bộ khác quản lý. Kinh phí được Bộ Tài chính rót về đó. Nhưng theo dự thảo Luật ĐTC, vốn sẽ đưa về Bộ KH&ĐT thống nhất quản lý. Vì vậy vấn đề là nội bộ giữa các bộ phải thống nhất, có tiêu chí cụ thể. Ngay khi chúng ta chủ trương nhập các bộ (từ 28 còn 23 bộ), lẽ ra Bộ Xây dựng, GTVT phải nhập trước, nhưng cũng chưa làm được.

Thảo luận tại QH, ông cho rằng các chương trình, dự án đầu tư công hiện nay còn kém hiệu quả, chồng chéo, và đó cũng là nguyên nhân gây lạm phát. Vì vậy cần ban hành ĐTC để giải quyết?

Để tháo gỡ, Luật phải xác định rõ các tiêu chí về ĐTC. Quản lý nhà nước về ĐTC cần phải thống nhất vào một đầu mối chung. Mỗi bộ sẽ chỉ quản lý về một lĩnh vực, anh nào có lợi thế truyền thống lĩnh vực nào thì được giao làm lĩnh vực đó. Nếu còn tình trạng một bộ mà ôm quá nhiều dự án, mà chồng chéo như hiện nay, thì rất khó giải quyết những hạn chế ĐTC.

Đồng thời, khi có Luật ĐTC, ngân sách nhà nước sẽ được giảm tải bằng việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Nhà nước có thể chỉ phải đầu tư 30% vốn ngân sách, còn lại sẽ huy động.

Có ý kiến cho rằng chúng ta đã có rất nhiều luật liên quan quản lý vốn ngân sách và đầu tư từ ngân sách?

Các luật hiện hành kể cả Luật mua sắm công, quản lý về tài chính công thực ra chỉ giải quyết một phần rất nhỏ trong ĐTC. Các Bộ cũng phải thực sự vì lợi ích chung, nhưng Bộ nào cũng muốn ôm hết dự án về mình. Do năng lực có hạn, không giải quyết được, phải bỏ bê nhiều công trình như hiện nay.

Vấn đề là phải có một mô hình quản lý hiệu quả ĐTC, nhưng rất khó. Bởi ngay chuyện mô hình các Ban quản lý dự án mà mỗi bộ một khác, có khi trái luật. Các Ban quản lý dự án kiểu PMU chỉ có tính chất về tổ chức, nhưng nó lại có rất nhiều quyền. Sau vụ PMU 18, chúng ta tạm dừng mô hình này.

Chẳng lẽ vì vướng chức năng quản lý nhà nước ở một số bộ mà chúng ta chấp nhận thực trạng quản lý đầu tư công như hiện nay?

Tại kỳ họp này, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến. Chính phủ đã đánh giá rằng, một trong những nguyên nhân vướng mắc, cản trở chính là cơ chế, chính sách, tức là luật pháp. Phải nhằm vào luật nào giải quyết ách tắc trong phát triển để làm ngay. Tuy nhiên, trong 25 dự án luật thuộc lĩnh vực kinh tế, dân sự dự kiến đưa vào nhiệm kỳ này, chỉ có 4 luật còn lại là dự án sửa đổi, bổ sung Luật và chưa có Luật đầu tư công.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy