Cần Thơ sẽ có bao nhiêu đại biểu Quốc hội?

TPO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, TP Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử để bầu ra 7 đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 4 đại biểu là cơ cấu địa phương và 3 đại biểu là cơ cấu trung ương đưa về.

Chiều 16/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo thành phố. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ thông tin về kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sắp tới, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, suốt nhiệm kỳ qua, với tư cách là ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ, bà đã gặp gỡ cử tri rất nhiều, được theo dõi những công việc của Đảng bộ, chính quyền, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP…, được nghe những kiến nghị xuất phát từ thực tiễn địa phương, rất thiết thực với tình hình đã và đang diễn ra cũng như mong muốn của nhân dân…

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua của địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Cần Thơ là TP trung tâm, giàu tiềm năng, giữ vai trò vị trí rất quan trọng, động lực cho vùng ĐBSCL…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TP vẫn những tồn tại, hạn chế, cần nhìn nhận là TP phát triển chưa đồng đều, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL, một số khía cạnh còn thua một vài tỉnh trong vùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém gây áp lực còn khá lớn. Chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, lãnh đạo TP cần ngồi lại, xem xét yếu kém chỗ nào… để có giải pháp cho thời gian tới. Về kiến nghị có cơ chế đặc thù cho TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đúng là cần có vì Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố lớn, là trung tâm của vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo thành phố cần chuẩn bị những đề xuất, dựa vào những kinh nghiệm từ các địa phương khác đã có để có những đề xuất phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, như việc điều chỉnh điều tiết ngân sách về trung ương là phải đặt trong quan hệ tổng thể và không làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách quốc gia… “Để trở thành đô thị hạt nhân, cần có cơ chế đặc thù, nhưng cũng cần những đột phá của bản thân TP để tự vươn lên” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thông tin về kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc ngày 24/3 và diễn ra trong 12 ngày. Theo đó, Quốc hội sẽ dành một nửa thời gian để thông qua luật, những nội dung quan trọng, tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan, các hoạt động kinh tế xã hội, hoạt động tư pháp.

Nửa thời gian còn lại là cho công tác nhân sự, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo nhà nước, cũng là một bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH diễn ra ngày 23/5.

Danh sách đại biểu nộp đơn ứng cử ĐBQH đã được chốt vào chiều 14/3 vừa qua. Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ được Hội đồng Bầu cử Quốc gia đồng ý có 7 thành viên, tức có 7 ĐBQH. Thành phố có 3 đơn vị bầu cử để bầu ra 7 ĐBQH này. Trong đó, có 4 đại biểu là cơ cấu địa phương và 3 đại biểu là cơ cấu trung ương đưa về.

“Tôi với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia (cho tới khi bầu ra Chủ tịch mới) sẽ có trách nhiệm với TP để các ứng viên thực hiện quyền của đại biểu nhân dân, được nhân dân bầu ra để tiếp tục đóng góp cho xây dựng phát triển TP trong thời gian tới” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Cảm ơn sự ủng hộ của cử tri trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Quốc hội mong rằng những đại biểu ưu tú của TP sẽ là những nòng cốt để lan tỏa ra nhân dân, đồng thời cử tri ủng hộ cho cuộc bầu cử ngày 23/5 trở thành ngày hội lớn của nhân dân Cần Thơ và cả nước để bầu ra những đại biểu dân cử ưu tú nhất, thực hiện nhiệm vụ, thay mặt nhân dân có tiếng nói tại diễn đàn Quốc hội.