Theo đó, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (để người dân mua gạo, lương thực, thực phẩm), hỗ trợ một lần bằng tiền mặt trong năm 2021, từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối tượng hỗ trợ khẩn cấp là người dân đang sinh sống trên địa bàn TP Cần Thơ bị thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (trừ các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND TP Cần Thơ).
Trình tự thực hiện qua các bước: Trưởng ấp/khu vực lập danh sách số người thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn trên địa bàn.
Sau đó, phối hợp Ban Công tác Mặt trận ấp/khu vực rà soát để xem xét các trường hợp trong danh sách và hoàn thiện danh sách, gửi chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn.
Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được danh sách của trưởng ấp/khu vực, chủ tịch UBND các xã/phường/thị trấn xem xét, lập danh sách trên địa bàn xã/phường/thị trấn, gửi UBND quận/huyện.
Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được danh sách của chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn, chủ tịch UBND quận/huyện xem xét, phê duyệt danh sách và chỉ đạo cứu trợ ngay…
Đối với những khu vực bị phong tỏa, người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân bằng với mức hỗ trợ 500.000 đồng.
Trước đó, ngày 27/9, UBND TP Cần Thơ cũng đã có quyết định tiếp nhận 3.615,490 tấn gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Tây Nam Bộ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Sau khi tiếp nhận, số lượng gạo này sẽ được trực tiếp cấp về các điểm tiếp nhận của UBND quận/huyện và Sở LĐ-TB&XH để phân bổ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại các quận/huyện.
Các đối tượng được thụ hưởng bao gồm: Người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; đối tượng sống trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; người dân tộc Khmer; người có công với cách mạng; công nhân ở trọ; người cao tuổi (từ 60 đến dưới 80 tuổi); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; lao động tự do và sinh viên ở trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã được các quận/huyện rà soát, lập danh sách đề xuất hỗ trợ gạo trong tháng 8/2021.
Tổng cộng có 241.033 người trong toàn thành phố được hỗ trợ gạo, với mức hỗ trợ 15kg/người. Trong đó, quận Ninh Kiều nhiều nhất với 60.359 người; tiếp theo là quận Ô Môn (42.562 người); huyện Cờ Đỏ (23.840 người); quận Thốt Nốt (23.623 người); huyện Thới Lai (23.250 người); quận Cái Răng (23.218 người); huyện Phong Điền (19.030 người); huyện Vĩnh Thạnh (15.020 người); quận Bình Thủy (10.017 người) và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận (114 người).
Cà Mau ghi nhận 9 ca dương tính SARS-CoV-2
Theo đó, 2 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng là ông Ng. A. T, sinh 1992, ở ấp 5, xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn), tạm trú tại khóm 7, phường 8 (thành phố Cà Mau) làm tài xế xe tải tuyến Cà Mau – TP HCM. Ông T. Kh. X, sinh 1993, là thợ hồ, ở ấp 5, xã Tân Thành (thành phố Cà Mau), lao động tại một trường tiểu học ở phường 6 (thành phố Cà Mau) với 10 người thợ khác.
Một trường hợp ghi nhận trong khu phong tỏa phường 4 (thành phố Cà Mau) là ông L. Ng. H, sinh 1958.
Một trường hợp ghi nhận khi cách ly tại hộ gia đình là bà T. Th. D, sinh 1992, nhân viên Bách Hoá Xanh, thường trú tại phường 9 (thành phố Cà Mau), là F1 của bệnh nhân Ng. Gi. H, đã được cách ly y tế tập trung 11 ngày và được cách ly tại nhà từ 24/9.
Một trường hợp khác, đang nuôi bệnh khoảng 1 tháng, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau là bà T. T. Tr, sinh 2006, ở xã Tân Hưng (huyện Cái Nước), đã được xét nghiệm RT-PCR 8 lần, lần cuối ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2 ngày 27/9.
Các cơ quan chức năng truy vết được 31 người F1, đang tiếp tục truy vết và đưa các bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện.