Cần sửa quy định về mang thai hộ

TP - Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến nói rằng, thời gian tới cần phải sửa những khía cạnh chưa phù hợp thực tiễn trong quy định cho phép mang thai hộ, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các cặp hiếm muộn.
Xét nghiệm hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đến nay, các bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đã nhận được hơn 100 hồ sơ và hơn 10 bé đã chào đời nhờ quy định mới. GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói:

Theo tôi, sau một năm thực hiện quy định cho phép mang thai hộ phát sinh vấn đề cần sửa đổi lại. Đó là: Luật quy định những cặp vợ chồng chưa có đứa con nào mới được thực hiện kỹ thuật  mang thai hộ. Tuy nhiên trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền, gene. Thậm chí vì sự can thiệp thủ thuật đó mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung. 

Trong khi đó noãn, trứng của vợ, tinh trùng của chồng bình thường. Những trường hợp này, nếu họ được sinh thêm con nữa là hoàn toàn chính đáng. Trẻ được sinh ra bằng mang thai hộ sau này sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho bố mẹ và người anh/chị bị tật nguyền. Hiện luật pháp không cho phép, nếu bây giờ làm như vậy lại là sai. Đã là luật thì phải thực hiện nghiêm, nhưng trong thời gian tới, ta nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa thật phù hợp với thực tiễn. Tôi cho là nếu sửa sẽ rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Kỹ thuật mang thai hộ có khó không và có thể thực hiện tại các phòng khám sản khoa không, thưa ông?

Những cặp vợ chồng phải nhờ đến kỹ thuật mang thai hộ vì bản thân người phụ nữ không có tử cung (bệnh lý bẩm sinh) nhưng vẫn có buồng trứng hoặc có tử cung bất thường. Trường hợp như vậy kỹ thuật lấy noãn cũng khó khăn hơn nhiều. Thậm chí có trường hợp chúng tôi phải thực hiện kỹ thuật lấy qua đường thành bụng. Ngoài ra những người vợ bị bệnh lý nặng không thể mang thai được như bệnh lý về máu, huyết áp, tim mạch, gan, thận thì buồng trứng của họ vẫn phát triển và hoạt động bình thường nhưng trong quá trình thực hiện kỹ thuật có rất nhiều rủi ro, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Vì thế, kỹ thuật mang thai hộ không giống các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nó đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, không thể tùy tiện thực hiện tại những cơ sở chưa được cấp phép.

Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Viết Tiến.

Theo ông có hay không thị trường mang thai hộ chui?

Tôi khẳng định có những trường hợp mang thai hộ chui vì không đáp ứng được các thủ tục pháp lý cần thiết. Nhưng chắc chắn những trường hợp làm chui như thế không nhiều và rủi ro rất lớn. Hoàn toàn không nên và không được phép làm như vậy. Việc thuê người lạ mang thai hộ vì mục đích thương mại không thành công cũng khổ, mà thành công rồi có khi còn khổ hơn vì người mang thai suốt ngày đến đòi tiền. 

Những trường hợp làm chui thường không có văn bản pháp lý công nhận nên khó tránh được việc người mang thai hộ đến đòi tiền hoặc làm phiền, thậm chí đòi con. Điều quan trọng cần cảnh báo với những cặp vợ chồng có ý định nhờ đến dịch vụ mang thai hộ chui là kỹ thuật làm ở những dịch vụ trôi nổi chắc chắn không tốt dễ dẫn đến những tai biến khó lường. Tôi nghĩ những bác sĩ làm thụ tinh ống nghiệm nhận thức được điều này rất sâu sắc. Nếu làm trái luật dẫn đến kiện cáo sau này thì họ sẽ phải chịu hậu quả trước pháp luật.

Tôi thừa nhận thủ tục mang thai hộ khá phức tạp nhưng càng phức tạp bao nhiêu thì càng tránh bớt được rủi ro làm vì mục đích thương mại bấy nhiêu.

Các cặp vợ chồng luôn mong “mẹ tròn con vuông”. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thưa Thứ trưởng, những quy định chặt chẽ khi làm hồ sơ mang thai hộ liệu có ngăn chặn được sự biến tướng từ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sang dịch vụ đẻ thuê không?

Tôi cho rằng với các quy định rất chặt chẽ về mang thai hộ, việc lách luật, đẻ thuê là khó. Vì với những người có hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần ký hợp đồng dân sự dưới sự vấn của luật sư. Đặc biệt, người mang thai hộ ngoài những quy định cụ thể thì còn phải có xác nhận là họ hàng, người thân, là dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời và chỉ được mang thai hộ duy nhất một lần. Điều này tạo ra “rào cản” tránh tình trạng thuê đẻ, đảm bảo mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Có những cặp vợ chồng không tìm được người mang thai hộ như quy định, vậy có cần sửa luật để họ có cơ hội làm cha mẹ không?

Tôi chưa nghĩ đến sửa luật để thay đổi quy định này vì chưa biết sửa thế nào. Bởi lẽ có những người rất tốt mang thai hộ thì không phải bàn, giống như hiến tạng tự nguyện không nhận tiền rất cao cả. Nhưng nếu không cẩn thận thì đó là khe hở rộng nhất để thương mại hóa việc mang thai hộ. Trong đầu tôi chưa dám nghĩ đến điều đó để sửa.

Những đơn vị nào sẽ được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ?

Trong thời gian đầu, có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đó là Bệnh viện Phụ sản T.Ư; Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM. Dự kiến, sau một năm triển khai tại ba cơ sở y tế nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng kết và mở rộng thực hiện tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm.

Cảm ơn ông.