Theo ông, ngành GD&ĐT cần nhìn nhận kỳ thi THPT Quốc gia 2015 như thế nào để tránh được những bất cập như trong thời gian vừa qua?
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, kỳ thi đã đạt được một số mục tiêu đề ra: Giảm bớt áp lực, gọn nhẹ hơn, giảm chi phí và xét tốt nghiệp đạt yêu cầu với tỷ lệ 95%. Tuy nhiên, kỳ thi có vấn đề về việc kết hợp 2 kỳ thi với 2 mục đích khá xa nhau, chưa nhuần nhuyễn và đặt ra một câu hỏi: có kết hợp được không?
Muốn kết hợp vào 1 đề thi thì phải ra được một đề thi có 2 mục đích. Đề thi vừa rồi, vì phải đảm bảo mục tiêu tốt nghiệp nên đã đưa ra một dung lượng lớn câu hỏi thi ưu tiên cho mục đích tốt nghiệp. Vì vậy, phần câu hỏi cho xét tuyển quá ít, chỉ đủ phân hóa học sinh xuất sắc, không thể phân hóa các mức thí sinh trung bình, trung bình khá và giỏi, khiến cho đa số các trường tốp giữa, tốp khá không tuyển được chính xác thí sinh. Điều này mang bản chất khó khắc phục, đặc biệt trong khuôn khổ chương trình, sách giáo khoa hiện nay.
Với khâu xét tuyển, do Bộ GD&ĐT quá nôn nóng một sự đổi mới nên đã cho thí sinh quá nhiều lựa chọn - nhiều nguyện vọng, rút ra, nộp vào thoải mái… dẫn đến sự lộn xộn khiến cả xã hội bất bình. Đây là khiếm khuyết có thể khắc phục được và từ lần tuyển sinh thứ 2, Bộ đã cho rút bớt nguyện vọng nên đã ổn định hơn.
Nếu kỳ thi sau vẫn cho rút ra nộp vào nhiều thì cần phải xem xét yếu tố công bằng, vì những học sinh có khả năng tiếp cận thông tin và xử lý thông tin chủ yếu tập trung vào đô thị; đa số thí sinh ở nông thôn, miền núi không có cơ hội tiếp xúc và xử lý thông tin dẫn đến sự bất công bằng về cơ hội giữa các thí sinh.
Chỉ tiêu những năm trước chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 số lượng thí sinh; nhưng nay nguồn tuyển chỉ bằng 1,5 tổng số chỉ tiêu tuyển. Ông có ý kiến gì về điều này?
Trước đây Bộ giao chỉ tiêu, nay chỉ tiêu được các trường tự xác định theo một số tiêu chí và năng lực của nhà trường.
Trước kia, hàng năm tăng chỉ tiêu đều đều, Bộ không có căn cứ gì, cứ mỗi năm tăng 5% ; nay các trường tự đặt chỉ tiêu dựa vào 2 tiêu chí là đội ngũ và cơ sở vật chất. Điều này làm nảy sinh vấn đề: quy định này chỉ dựa vào năng lực của nhà trường là chưa đủ mà cần phải tính đến dự báo của thị trường lao động thì nhà trường đào tạo ra, cử nhân mới kiếm được việc làm. Ngoài ra, Bộ cũng cần tăng cường công tác kiểm tra xem các trường đưa ra thông số về giảng viên và cơ sở vật chất có đúng không.
Có ý kiến cho rằng chúng ta đang có quá nhiều các trường ĐH và CĐ và cần phải sắp xếp lại. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ngành GD&ĐT cần sắp xếp lại hệ thống các trường: trường nào có điều kiện phát triển, phù hợp với thực tiễn thì tiếp tục cho phát triển; trường nào không thực hiện tốt thì nên giải thể. Nếu không, sẽ thiệt thòi cho học sinh và xã hội. Khi giải thể thì Bộ phải hỗ trợ để giải quyết quyền lợi chính đáng cho học sinh theo quy định.
Cảm ơn ông!