Cần lập tiểu ban về Biển Đông

TP - Kết thúc hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư ở Hà Nội hôm qua, có ý kiến đề nghị cần lập một tiểu ban riêng về Biển Đông và có thêm nhiều hội thảo chuyên biệt về biển đảo.

> Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý quốc tế để bác bỏ “đường lưỡi bò”
> "Việt Nam tồn tại giữa búa và đe"

Bên cạnh đó, có thêm nhiều học giả nước ngoài nói sõi tiếng Việt, thậm chí am hiểu cả chữ Nôm, tham gia luận bàn sôi nổi về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa cũng như sự phi lý cái gọi là của “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Lan tỏa chủ quyền biển đảo

Mặc dù ban tổ chức đã định hướng tính tập trung của các nhóm vấn đề về ứng với 15 tiểu ban, chủ quyền biển đảo và Biển Đông vẫn được bàn luận ở nhiều tiểu ban khác nhau.

“Điều này phần nào cho thấy tâm tư và quan tâm ưu ái của các học giả đối với đề tài thú vị này”, GS.TS Erik Franckx ở Trường Đại học Vrije Brussel, Bỉ, trao đổi với Tiền Phong.

Dù không dự được đến ngày cuối cùng, ông cũng đã có bài trình bày “Đường đứt đoạn chữ U trong luật quốc tế hiện nay - Cố gắng làm rõ đánh giá năm 2009” gây chú ý đặc biệt tại phiên thảo luận chuyên đề hôm đầu tiên của tiểu ban “Quan hệ quốc tế của Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”.

Chủ trì tiểu ban “Các vấn đề nghiên cứu khu vực”, nơi có nhiều trao đổi sôi nổi nhất về Biển Đông, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, việc để đề tài này được bàn thảo “ở nhiều tiểu ban khác nhau như vừa rồi vừa phân tán vừa thiếu hiệu quả”.

Ông đề nghị, tại hội thảo quốc tế bốn năm sau, cần tổ chức một tiểu ban riêng về Biển Đông. Nếu không được thế thì chia thành nhiều phiên họp thay vì chỉ một phiên khiến nhiều đại biểu cảm thấy không hài lòng do chưa nói hết được những điều mà mình ấp ủ.

“Dù chỉ tập trung đề tài hợp tác và an ninh Biển Đông và biển đảo, nhiều đại biểu cho rằng chỉ bố trí một phiên về biển đảo là quá ít”, ông Ngọc nói tại phiên bế mạc.

Ông cho biết nhiều đại biểu thậm chí đề xuất nên có nhiều hội thảo hơn nữa về Biển Đông đề cập đến tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ tổng thể.

Chỉ riêng bảy báo cáo về biển đảo có 80 người dự tại tiểu ban của ông Ngọc, đã diễn ra sáu cuộc thảo luận với 10 ý kiến khẳng định chủ quyền thật sự của VN ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về hệ bản đồ truyền thống của Trung Quốc, các đại biểu cả trong và ngoài nước tranh luận sối nổi việc xác định ranh giới Việt Nam và Trung Quốc là cực nam đảo Hải Nam, và khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Nhiều học giả sõi tiếng Việt

Một trong những điều đáng chú ý nữa tại hội thảo có đông người nước ngoài tham dự nhất so với ba hội thảo trước đó tổ chức định kỳ bốn năm một lần là số đại biểu nước ngoài biết tiếng Việt tăng mạnh, trong đó có cả các đại biểu trẻ.

Tại Tiểu ban “Giáo dục, khoa học công nghệ và phát triển con người Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”, nữ TS Myriam de Loenzien người Pháp có bài trình bày về một đề tài rất mới ở Việt Nam đại loại “Ảnh hưởng của khuyết tật về thể chất và tinh thần đến học vấn: Đâu là các bất bình đẳng cho học sinh là vị thành niên nữ”.

Có lẽ do đề tài quá chuyên sâu về vấn đề giới, y tế, điều tra xã hội học và giáo dục, phiên dịch người Việt nhiều lần làm gián đoạn sự chú ý của các đại biểu chỉ vì anh chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ không chính xác, thậm chí sai, và bỏ nhiều. Người phát hiện và chỉnh sửa cho anh người Việt trong phần dịch sang tiếng Việt không ai khác ngoài diễn giả nữ Myriam de Loenzien.

Tại tiểu ban thảo luận nhiều nhất về Biển Đông, ông Ngọc cho hay: “Nhiều tác giả quốc tế trình bày tiếng Việt chuẩn không cần phiên dịch”.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, một trong hai đơn vị tổ chức hội thảo, nói: “Trình độ tiếng Việt của học giả nước ngoài tăng rõ rệt”.

GS.TS Dinh Văn Đức, chủ tọa Tiểu ban “Đào tạo Việt Nam học trong hội nhập và phát triển bền vững” còn tiết lộ: “Không chỉ sành tiếng Việt, nhiều học giả VN học thậm chí còn rành cả tiếng Nôm”.

Và phát biểu chúc mừng thành công hội thảo, cả ba đại biểu – một là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, một đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ, và một từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thảy đều diễn thuyết bằng tiếng Việt.

Theo Báo giấy