Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để phục vụ cho phiên giải trình tới đây. Bộ này khẳng định, công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn được Bộ GTVT xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng cho đất nước; đồng thời là một giải pháp quan trọng trong việc làm giảm tai nạn giao thông.
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê, đến năm 2025, ngành giao thông vận tải cần triển khai 103 dự án/55 tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 4.756 km và nhu cầu vốn thực hiện khoảng 104.187 tỷ đồng. “Đây thực sự là thách thức trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, xây dựng các chính sách tổng thể để thực hiện, đồng thời triển khai quyết liệt trong quá trình đầu tư, nhằm đưa các công trình, dự án trọng điểm vào khai thác sử dụng đúng tiến độ.
Theo số liệu thống kê, hiện nay hệ thống đường quốc lộ có tổng chiều dài khoảng 24.598 km (trong đó đường bộ cao tốc dài 816km), hệ thống đường sắt dài 3181 km.
Về lĩnh vực đường bộ, năm 2017 đã hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án; sang năm 2018 hoàn thành đưa vào khai thác 32 dự án. Theo Bộ GTVT, một số dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và khu vực, điển hình như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm Đèo Cả, cầu Cao Lãnh, Hạ Long – Hải Phòng… Đặc biệt, ngành đã triển khai nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT đã triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, gia cố sửa chữa các hầm đường sắt, thay thế tà vẹt cũ, kéo dài đường ga... qua đó nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên trục Bắc - Nam; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; đồng thời đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai 6 dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi, Nhổn - Ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (TP.Hà Nội); Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP.Hồ Chí Minh); thẩm định báo cáo đầu kỳ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Một trong những giải pháp được ngành giao thông đề ra trong thời gian tới là tiếp tục triển khai huy động các nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là các công trình trọng điểm của ngành như dự án Bến Lức – Long Thành, các dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông, các dự án sử dụng vốn cấp bách....; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án.