> Không được dùng phẩm vàng E102 trong mỳ tôm
> E102, đừng đùa
> Danh mục phụ gia thực phẩm: Bộ Y tế quên cập nhật?
Như Tiền Phong đã liên tục thông tin trong các số báo trước, trong danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép dùng E102 theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế năm 2001, không thấy có bất cứ dòng nào nhắc đến sản phẩm liên quan đến các từ mỳ, mỳ tôm, mỳ ăn liền hay mỳ gói.
Ngược lại, các nhóm thực phẩm khi được phép dùng E102 phải liệt kê cụ thể. Với kẹo chẳng hạn, Bộ Y tế chỉ rõ chỉ có kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo nuga, kẹo cao su mới được phép cho E102; với nước giải khát, sáu nhóm cụ thể được liệt kê thay vì chỉ nói nước giải khát chung chung.
Xét đây là một vấn đề quan trọng, phóng viên báo Tiền Phong đã làm việc đúng quy trình, gửi giấy giới thiệu và bộ câu hỏi cụ thể đăng ký phỏng vấn trực tiếp về vấn đề liên quan từ cách đây một tuần để mong nhận được trả lời chính thức từ phía người đứng đầu Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSPT). Cho tới nay, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là đang xử lý từ những cán bộ của Cục mà chúng tôi được hướng dẫn liên hệ.
Không chỉ thế, cũng từ cách đây một tuần, phóng viên Tiền Phong còn gửi bộ câu hỏi về E102 nói riêng, phụ gia thực phẩm nói chung, và đăng ký phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn&Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng Việt Nam, Chủ tịch Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương. Đấy là chưa kể bộ câu hỏi gửi đến một số doanh nghiệp ở Việt Nam sản xuất mỳ tôm có cho E102, v.v…
Vậy mà, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được hồi âm của bất cứ đơn vị nào nêu trên.
Mì gói thuộc nhóm... snack ?!
Như đã thông tin ở trên, trong danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép sử dụng E102 ban hành kèm Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT, hoàn toàn không thấy mì tôm. Trong khi Cục ATVSTP chưa đưa ra giải thích hợp lý cho thắc mắc này thì một cựu cán bộ của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM phát biểu: “Mì gói là một trong những loại thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc nên dù không được ghi rõ tên nhưng có thể xếp vào nhóm thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc như snack vì thực tế có rất nhiều loại thực phẩm tương tự mà không thể liệt kê hết được”.
Bình luận về lập luận này, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, cho đấy là một ý kiến thực sự “khôi hài”. “Đánh đồng mì tôm với snack là một việc xưa nay chưa từng có”. Đặc biệt, với một vấn đề có tính khoa học, liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe con người, lập lờ và đánh tráo khái niệm như thế “càng không thể chấp nhận được”.
Trong danh mục có ghi chỉ “snack được chế biến từ ngũ cốc” mới được dùng E102. Với diễn đạt như thế mà suy luận mọi sản phẩm đi từ ngũ cốc đều có thể được dùng E102 thì “quả là ở một tầm tư duy cao quá, tôi thực sự không đủ tri thức để tiếp thu”, nhà khoa học có nhiều năm tu nghiệp chính quy về thực phẩm ở Đức bày tỏ.
Chưa kể, nếu xếp mì gói vào nhóm “snack được chế biến từ ngũ cốc”, vô hình trung, các sản phẩm khác được chế biến từ ngũ cốc cũng có thể được xếp vào nhóm snack này. Nếu vậy, danh mục các thực phẩm được phép sử dụng E102 của Bộ Y tế cũng không cần phải có một mục riêng cho “các loại bánh nướng”, vốn cũng có xuất xứ từ ngũ cốc.
Và nếu lập luận của vị cán bộ kia là đúng thì danh mục các nhóm thực phẩm được phép sử dụng E102 sẽ ngắn hơn rất nhiều khi tất cả các loại kẹo hay tất cả các sản phẩm được chế biến từ sữa có thể nhập chung thành một nhóm.
Những tín hiệu lo ngại
Theo Cơ quan Quản lý &Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Tartrazine hay E102 được xếp vào nhóm màu tổng hợp bắt buộc phải qua kiểm tra từng lô hàng, để kiểm tra dư lượng các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, hay các chất mạch vòng như aminoazobenzen, aminobiphenyl, aniline, azobenzene, v.v…, vốn là những chất độc, có thể gây ung thư, tồn tại trong quá trình tổng hợp phẩm màu vàng này. Những dư lượng này chỉ được phép có mặt ở hàm lượng rất thấp, cỡ phần tỷ.
(Tham khảo tại http://www.fda.gov/food/foodingredientspackaging/ucm094211.htm#coloradd
http://edocket.access.gpo.gov/cfr_2001/aprqtr/pdf/21cfr74.705.pdf)
Trong khi đó, nhóm các màu tự nhiên khác như màu vàng paprika, annatto, màu caramel, beta-carotene, v.v..., hoàn toàn được miễn kiểm tra theo quy trình của màu tổng hợp.
(Tham khảo tại http://www.fda.gov/food/foodingredientspackaging/ucm094211.htm#coloradd)
Theo ý kiến của Hội Khoa học vì Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, trong số các màu nhân tạo, Tartrazine có nhiều bằng chứng khoa học nhất chỉ ra nó có thể gây độc gene. Sáu trong số 11 nghiên cứu về gene cho thấy Tartrazine có độc. Chẳng hạn, Tartrazine gây ra các phản ứng dị ứng, chủ yếu đối với người nhạy cảm với aspirin, gây ra hiếu động thái quá ở trẻ em. Nó có thể nhiễm tạp các chất như benzidine và 4-aminobiphenyl (bị coi là có thể gây ung thư).
Họ đã đề nghị phải rung chuông cảnh tỉnh về Tartrazine và cần có các nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa. Ngoài ra, Hội còn đề nghị FDA nên cấm sử dụng màu Yellow 5 (Tartrazine) và sáu loại màu tổng hợp khác trong tất cả thực phẩm; trong thời gian chờ hành động này được thực thi, FDA nên bắt buộc trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải có lưu ý cảnh báo “Màu nhân tạo trong thực phẩm này gây nên những hành động thái quá và những vấn đề về hành vi ở một số trẻ em”. Hội còn kiến nghị FDA nên làm thêm các Test về ảnh hưởng đến gene của màu tổng hợp.
(Tham khảo tại http://www.cspinet.org/reports/chemcuisine.htm và http://www.cspinet.org/new/pdf/petition-food-dyes.pdf)
Tóm lại, E102 vẫn đang được sử dụng phổ biến trong rất nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam và ảnh hưởng của chất này đến sức khỏe người tiêu dùng Việt vẫn chưa có biểu hiện rõ rệt. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không thể mãi chấp nhận tình trạng mập mờ này.“E102 cũng như rất nhiều phẩm màu tổng hợp khác không hoàn toàn an toàn hay vô hại như nhiều người suy luận”, PGS.TS Trần Đáng, hiện còn là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, cảnh báo.
|
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi. |
Rất nhiều chỉ tiêu công bố trên nhãn chỉ có thể kiểm tra được trong phòng thí nghiệm, thế mà không biết mỳ ăn liền có được đưa vào tầm ngắm của cơ quan quản lý không? Có phải trăm phần trăm mỳ ăn liền ở Việt Nam đều dùng E102 không, đều không rõ ràng thông tin cho người tiêu dùng không? Đồ ăn liền đương nhiên bao giờ cũng có chất bảo quản.
Song vấn đề là sử dụng thế nào, liều lượng bao nhiêu, dùng có đúng cách không, v.v..., cơ quan quản lý phải trả lời. Đến nay, chưa thấy cơ quan quản lý vào cuộc, chưa nói rõ tác dụng hay tác hại của E102 là gì để người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định đúng đắn”.