Thời gian gần đây, nhiều đảng viên chi bộ ở Đảng uỷ các phường thuộc quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) bức xúc về việc phải báo cáo là có sử dụng mạng xã hội hay không, ứng dụng nào? Thậm chí có Đảng uỷ phường còn yêu cầu báo cáo cụ thể tên đăng ký trên mạng xã hội mà mình tham gia.
Một Bí thư Đảng uỷ phường ở quận Cái Răng xác nhận với phóng viên: “Cán bộ tuyên giáo phường vẫn đang tổng hợp danh sách đảng viên tham gia mạng xã hội để báo cáo về Ban Tuyên giáo Quận uỷ Cái Răng. Ngoài việc đảng viên cho biết tham gia mạng xã hội nào thì phải báo cáo tên đăng ký mạng xã hội đó là gì”.
Nguồn tin của phóng viên cho hay, việc làm trên được thực hiện theo chỉ đạo từ Công văn số 160-CV/BTGQU ngày 29.6.2018 của Ban Tuyên giáo Quận uỷ Cái Răng về việc tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Sau khi chi bộ trực thuộc Đảng uỷ các phường tổng hợp danh sách thì gửi về Ban Tuyên giáo Quận uỷ Cái Răng trước ngày 11.7. Từ đó, Ban Tuyên giáo Quận uỷ sẽ tổng hợp báo cáo lên Thường trực Đảng uỷ.
Sáng nay (14.7), trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Thanh Cần - Phó bí thư Quận uỷ Cái Răng nói: “Chúng tôi có chỉ đạo các Đảng uỷ phường kê khai danh sách cán bộ, đảng viên sử dụng Facebook, Zalo”.
Tuy nhiên, ông Cần khẳng định: “Ở đây, Quận uỷ có chỉ đạo thống kê, rà soát cán bộ, đảng viên có sử dụng hay không thôi, chứ không yêu cầu là phải khai tên đăng ký mạng xã hội mà mình tham gia”.
“Việc làm này là theo chỉ đạo của Thành uỷ Cần Thơ và chúng tôi đã giao cho Ban Tuyên giáo Quận uỷ phụ trách triển khai xuống các Đảng uỷ phường và các chi bộ trực thuộc phường” - ông Cần khẳng định.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Việt Trường - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ lại cho hay: “Chúng tôi chỉ triển khai nội bộ cho trưởng ban tuyên giáo các địa phương nắm thông tin, đấu tranh các quan điểm sai trái trên mạng. Không hiểu sao, ở quận Cái Răng lại đi nắm địa chỉ Facebook, Zalo của cán bộ, đảng viên. Việc này tôi sẽ chỉ đạo chấn chỉnh”.
TT-Huế: Công chức phản ánh bị chặn vào Facebook bằng mạng công sở
Những tháng gần đây, tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai Đề án kết nối mạng diện rộng của tỉnh bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng CPNet và triển khai Internet tập trung cho hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh.
Đề án này được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế phê duyệt vào cuối năm 2017. Đề án đã và đang được triển khai tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã và TP.Huế (bao gồm các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có trụ sở nằm ngoài Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện); các phường, xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức nhà nước khác.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là công chức) ở Thừa Thiên- Huế, từ khi chuyển đổi kết nối mạng theo đề án trên, họ bị chặn truy cập vào các mạng xã hội, nhất là Facebook, bằng máy tính công sở. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm của google và việc truy cập vào nhiều tờ báo mạng cũng rất hiếm khi thực hiện được.
Một công chức công tác tại UBND thị xã Hương Trà cho biết, cơ quan này thực hiện chuyển đổi kết nối mạng từ đầu năm 2018. Từ khi chuyển đổi, công chức tại đây không thể vào các mạng xã hội, nhất là Facebook, bằng mạng cơ quan.
“Facebook hoàn toàn không thể vào được, việc sử dụng gmail và các sản phẩm của google bị hạn chế nên rất khó truy cập. Sau khi chuyển đổi mạng chúng tôi cũng chỉ còn đọc được một số tờ báo điện tử, vì rất nhiều báo mạng bị chặn truy cập. Giá dịch vụ sử dụng mạng thì tăng cao hơn rất nhiều so với khi chưa chuyển đổi”- vị công chức này nói.
Một công chức là giám đốc một cơ quan thuộc UBND huyện Phú Lộc cũng cho hay, hơn 1 tháng trở lại đây, công chức tại cơ quan này hoàn toàn không vào được Facebook và nhiều trang mạng bằng Internet công sở. “Nhiều khi muốn vào google tìm kiếm các văn bản tài liệu phục vụ cho công việc nhưng do bị chặn nên đành chịu”- vị này kể.