Bén duyên cùng cô bồi bàn
Chúng tôi gặp hai vợ chồng anh Carl Andreason (38 tuổi, quốc tịch Thụy Điển) - chị Nguyễn Thị Hoa (28 tuổi, phường Minh An) giữa lúc họ tất bật điều hành hệ thống nhà hàng Cava và Hội An Hải sản trên đường Bạch Đằng. Anh Carl từng là đầu bếp nổi tiếng có nhà hàng ẩm thực riêng tại thành phố Uppasala (Thụy Điển). Đang ăn nên làm ra ở quê nhà, đùng cái, Carl quyết định về Hội An cưới vợ.
Số là hơn chục năm trước, trong chuyến du lịch Hội An, Carl vô tình vào quán Hồng Phúc thưởng thức đặc sản. Chưa kịp ăn uống, chàng thanh niên Thụy Điển sớm bị hớp hồn bởi bóng dáng cô phục vụ bàn dong dỏng cao, da trắng, và niềm nở. Câu chuyện tưởng chừng chỉ dừng lại ở phút đầu xao động nhưng hình ảnh Hoa cứ hiển hiện mãi trong tâm trí của Carl ngay cả khi về nước.
Hơn năm sau, Carl quyết định trở lại phố cổ. Lần này, anh cố tìm cho bằng được người phục vụ bàn năm xưa. Càng nói chuyện, Carl càng bị cuốn hút bởi tính cách thật thà, giản dị của cô gái phố cổ. Nhớ lại ngày đó, Carl Andreason nói, anh đã cảm mến Hoa từ ngày đầu tiên vào quán, nhưng thầm giữ mối tình đơn phương cho đến khi quyết định về lại Hội An để có dịp tìm hiểu, hẹn hò.
“Lúc đầu mình trăn trở vì hai bên bất đồng ngôn ngữ, văn hóa phong tục cũng có nét khác nhau, liệu có hợp để lập gia đình”, Hoa kể. Mặc cho Hoa cố tình lảng tránh, Carl vẫn kiên trì theo đuổi. Cuối cùng, năm 1999, đám cưới của họ được tổ chức rộn ràng giữa phố cổ.
Hai quán khang trang nhất nhì phố cổ mang tên Hội An Hải sản và Cava chuyên về ẩm thực Âu - Việt được vợ chồng Carl gầy dựng sau ngày cưới. Vừa bước vào quán, ngay trên quầy hàng Hội An Hải sản, con thuyền gỗ nhỏ cùng các tấm lưới được trang trí bắt mắt. Anh Carl bảo: Mình chuyên về hải sản nên để thuyền, lưới đó giới thiệu cho du khách biết cách thức khai thác hải sản ở Hội An, đồng thời đó cũng là phương tiện mưu sinh truyền thống của gia đình nhà vợ.
Lớn lên ở làng chài An Hội (Minh An), đến giờ, chị Hoa chẳng nhớ nổi cái nghề đánh cá bắt đầu với gia đình mình từ khi nào, chỉ biết hồi còn bé lắm chị không ít lần theo ba mẹ ngược xuôi trên con nước từ Hội An đến tận khu vực Cầu Đỏ, cầu Bà Rén (Quế Sơn, Quảng Nam).
“Ngày đó, quê mình nghèo xơ xác. Ai cũng làm nghề chài lưới, kiếm cái ăn qua ngày, nói gì chuyện lên bờ, làm ăn khấm khá” - chị Hoa nhớ lại. Gia cảnh khó khăn, nhà đông anh em, Hoa sớm thất học.
Hết theo cha mẹ đánh cá, Hoa lại xin việc phục vụ bàn tại nhà hàng Hồng Phúc trên phố cổ. Chàng trai Thụy Điển càng cảm mến Hoa. Với Carl, chính sự lam lũ, khó nhọc, chịu thương khó của Hoa đã để lại trong anh nhiều ấn tượng sâu sắc.
Vừa kết thúc tuần trăng mật tại Thụy Điển, Carl quyết định rời quê về luôn Hội An lập nghiệp. Anh cười mà rằng, chính con người, mảnh đất phố cổ đã hớp hồn anh đến nỗi không thể xa rời. Hơn chục cái Tết làm rể phố cổ, nhưng năm nào, Carl cũng bị cuốn hút bởi nghi thức truyền thống đêm giao thừa.
Anh kể tỉ mỉ cách làm bánh chưng, bánh tét, cúng bái tổ tiên và chúc Tết họ hàng làng xóm… Ngay đến bố mẹ Carl năm nào cũng một hai lần từ Thụy Điển sang tham quan phố cổ và tìm hiểu văn hóa, phong tục của Hội An.
Ảnh: Nguyễn Huy.
Tình già phố cổ
Không giống như thời trai trẻ của Carl, một người đàn ông Thụy Điển bước sang tuổi thất thập cổ lai hi, đi gần hết những cuộc hôn nhân tan vỡ mới nhận ra Hội An là bến đỗ cuối cùng của mình. Ông là Kiell Hakansson (76 tuổi, người Thụy Điển) - vốn là kỹ sư lắp máy trong ngành hàng không, đã nghỉ hưu.
Tình cờ một ngày giữa năm 2000, ông đến phố cổ Hội An, bước lên chuyến đò của người đàn bà đứng tuổi, da ngăm đen - bà Đỗ Thị Tràn (khối 2, phường Cẩm Phô). Đang lênh đênh giữa dòng sông thì trời bỗng đổ mưa sầm sập. Thấy vị du khách đứng co ro trên con đò nhỏ, bà Tràn nhường luôn chiếc áo mưa đang mặc trên người… Đò về bến, ông Tây lên bờ, nhưng hành động của người lái đò khiến ông tần ngần lán lại.
Bao nhiêu khách lên đò rồi xuống, bà Tràn quên bẵng người khách lạ hôm đó. Đột nhiên hơn năm sau, ông Tây lại xuất hiện tại bến đò xưa, tìm đi cho được chuyến đò của bà. Vài cuộc trò chuyện, không ngờ số phận của họ giống nhau đến kỳ lạ.
“Ồ, phụ nữ Hội An à? Rất hiền hậu, đảm đang và biết chiều chồng. Rất tuyệt vời” - thoạt đầu anh Carl khá ít nói, có ý không muốn chụp hình nhưng hỏi về vợ, anh cười đắc ý, như muốn lý giải cho quyết định lấy vợ phố Hội của mình. Anh Carl ví: Vợ Việt như món phở - ngon tuyệt và thưởng thức lúc nào cũng hấp dẫn.
Ông Hakansson ly dị vợ hơn 30 năm nay, một mình nuôi các con trưởng thành. Ông chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình sau lần rạn nứt hôn nhân, vậy mà trái tim bất ngờ rung động khi gặp bà Tràn…
Bà Tràn lớn lên ở xóm vạn đò, hơn 20 tuổi lấy chồng thợ hồ có với nhau hai mặt con. Chưa đầy chục năm chung sống, bà Tràn bẽ bàng nhận ra chồng có vợ lẽ rồi rắp tâm bỏ lại ba mẹ con trên con đò nhỏ.
Nhiều năm trời bà Tràn ôm con đi dọc miền Trung kiếm sống. Duyên số thế nào vừa về quê làm nghề chèo đò, bà lại gặp ông Hakansson. Ngày 29-1-2001, đám cưới của cặp vợ chồng khiến cả xóm nhỏ xôn xao không chỉ vì sự khác biệt Việt - Thụy Điển mà còn chênh lệch tuổi tác, chú rể Tây hơn cô dâu Việt gần 30 tuổi.
Ông Hakansson bộc bạch: Sự đồng cảnh giúp chúng tôi hiểu, thông cảm và thương yêu nhau hơn. Kết thúc tuần trăng mật, ông Hakansson khiến cả nhà xúc động khi tuyên bố ở lại Việt Nam mãi mãi cùng mẹ con bà Tràn. Họ mua một căn nhà giữa lòng phố Hội, ngày ngày bà Tràn vẫn đưa đò, còn ông Hakansson đeo máy ảnh lang thang khắp mọi ngõ ngách phố phường, đồng quê...
Những đứa con bà Tràn, từ khi có người cha mới, được ăn học đàng hoàng, con gái lớn đã tốt nghiệp ĐH, đang làm hướng dẫn viên cho một Cty du lịch ở TPHCM, còn người thứ hai đã tốt nghiệp lớp 12. Nhiều người thầm chúc mừng cho kết thúc có hậu của người đàn bà nửa đời lam lũ, cơ cực.
Còn nữa