50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bài 6:

Cẩm nang đánh B-52 của bộ đội tên lửa

TP - Trước khi diễn ra trận chiến lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng phòng không của ta đã dày công tìm hiểu thực tế chiến trường, nghiên cứu cách đánh B-52. Sự đúc kết kinh nghiệm này được hoàn chỉnh trong cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” vào tháng 11/1972, góp phần tiêu diệt “siêu pháo đài bay” của Đế quốc Mỹ một tháng sau đó.

Cuốn sách đỏ

Tôi gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên tại Lễ trưng bày tài liệu lưu trữ “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm- Điện Biên Phủ trên không” được tổ chức gần đây tại Hà Nội. Trước đây, khi đang học đại học, sinh viên Nguyễn Đình Kiên nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261, Quân chủng Phòng không-Không quân) bộ đội tên lửa, sau đó được tham dự chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Là người am hiểu về chiến thắng lịch sử này. Gần đây, Đại tá Nguyễn Đình Kiên đã biên soạn cuốn sách “25 trận bắn rơi B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972”.

Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đình Kiên. Ảnh: K.N

Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết, để có được chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng phòng không của ta phải chuẩn bị trước đó nhiều năm. Ông kể, trước đây, Bác Hồ từng nói với Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì Đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 đánh Hà Nội, nên từ bây giờ ta phải nghĩ cách để đối phó”. Rồi Người nhận định: “Đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, từ năm 1965, được Liên Xô giúp đỡ, quân đội ta được trang bị tên lửa SAM-2, có khả năng bắn B-52 và các loại máy bay khác. Khi đó, việc bắt tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng chưa bị nhiễu nên hiệu suất tiêu diệt mục tiêu khá cao. Nhận ra điều này, đầu năm 1966, không quân Mỹ bắt đầu chế ra các biện pháp gây nhiễu. Chúng sử dụng các thiết bị điện tử để che lấp các tín hiệu phản xạ của mục tiêu về màn hiện sóng trong khí tài tên lửa SAM-2. Do bị che lấp nên khí tài SAM-2 không thể bắn tự động được, buộc bộ đội ta phải điều khiển bằng tay thông qua hệ thống tay quay của trắc thủ tên lửa. Làm như vậy hiệu suất chiến đấu sẽ giảm rất nhiều, khi hàng chục quả tên lửa bắn ra mới có thể trúng được một mục tiêu. “Đã thế, đến năm 1967, địch còn chế thêm nhiễu hệ thống tín hiệu khiến tên lửa của ta bắn ra là rơi xuống đất, khiến tình hình càng thêm khó khăn”- Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết.

Xác máy bay B-52 rơi trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Ảnh: T.L

Trước tình hình đó, Liên Xô đã có những cải tiến quan trọng về khí tài tên lửa SAM-2, trong đó nổi bật nhất là khả năng đánh mục tiêu trong nhiễu. Tuy nhiên, đó là điều kiện cần về mặt lý thuyết, còn điều kiện đủ là ta vẫn phải nghiên cứu cách đánh B-52 qua thực tế. Do vậy, Quân chủng PK-KQ đã cử nhiều đoàn vào chiến trường Quân khu 4, đặc biệt là tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) để nghiên cứu cách chống nhiễu và đánh B-52. Từ thực tế chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, xây dựng thành những cẩm nang như “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B-52 trong nhiễu”, và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa”. Cuốn sách “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” dày 30 trang, bìa màu đỏ, được in rô-nê-ô là sự đúc rút kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của tập thể và phải đổi bằng xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không.

Trận đánh “ba nhất”

Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết, trước khi vào chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ thời điểm đó đã quán triệt tinh thần đối với bộ đội tên lửa nói chung và bộ đội tên lửa của Thủ đô là đến nay, lực lượng phòng không của ta chỉ tiêu diệt được B-52 tại Quân khu 4, mà chưa bắn rơi được chiếc nào trên địa phận miền Bắc. Việc tiêu diệt “siêu pháo đài bay” B-52 trên bầu trời Hà Nội tới đây là rất quan trọng, sẽ quyết định kết quả đàm phán của Hiệp định Paris đang diễn ra. Do lượng tên lửa có hạn, nên trong chiến dịch này, hỏa lực tên lửa chỉ tập trung tiêu diệt B-52.

Cuốn cẩm nang đánh B-52 này còn được gọi là “Cuốn sách đỏ”, được hoàn chỉnh trong tháng 11/1972, rồi nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu của ta. Bởi khi đó, việc Đế quốc Mỹ sẽ mang “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá Hà Nội đã trở nên rất rõ ràng. Toàn bộ lực lượng của ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đập tan chiến dịch này của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) đóng quân tại Đông Anh (Hà Nội). Tại đơn vị này, Nguyễn Đình Kiên là sĩ quan điều khiển tên lửa. Bình thường trong chiến đấu, một đơn vị luôn cần 6 quả tên lửa được triển khai trên bệ phóng, còn 6 quả chuẩn bị ở phía sau. Nhưng do lượng tên lửa có hạn, nên sau khi tiêu diệt được một chiếc B-52 vào ngày 19/12/1972, tới rạng sáng 21/12, Tiểu đoàn 57 chỉ còn 4 quả tên lửa. Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết, trong tình hình đó, vào 5 giờ sáng ngày 21/12, Tiểu đoàn 57 nhận lệnh báo động từ Sở chỉ huy Trung đoàn là máy bay địch đang tiến vào trận địa. Trong màn nhiễu dày đặc, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 đã xác định được dải nhiễu của một chiếc B-52. Khi máy bay địch vào cự ly tới 35 km, một quả tên lửa được ấn nút rời bệ phóng, nhưng quả đạn không đi, và đèn bật sáng báo tên lửa bị hỏng. Một quả tên lửa tiếp theo được phóng lên, nhưng không trúng mục tiêu.

Lúc này, trên bệ phóng của Tiểu đoàn 57 chỉ còn hai quả tên lửa. Đúng lúc đó, B-52 của địch lại tiến vào, nhưng kíp chiến đấu vẫn không hề nao núng. Nhanh chóng kiểm tra trên màn hiện sóng khí tài tên lửa, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 thấy một góc rộng có nhiễu trắng xóa, chứng tỏ địch đang tổ chức đánh lớn. “Sau khi phát hiện B-52, đúng 5 giờ 9 phút, khi lệnh bắn được phát ra, tôi ấn nút bắn mục tiêu. Từ trên nóc xe thu phát tín hiệu, một đồng đội reo to: B52 cháy rồi”- Đại tá Nguyễn Đình Kiên kể lại. Rồi ông cho biết, vừa tiêu diệt xong B-52, kíp chiến đấu chưa kịp rút kinh nghiệm trận đánh lại phát hiện tiếp chiếc B-52 khác đang tiến vào trận địa. Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 bảo nhau: “Còn quả đạn cuối cùng, chúng ta phải đổi lấy một chiếc B-52”. Khi máy bay địch vào đến cự ly 35km, lệnh tiêu diệt được phát ra, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên lập tức ấn nút, tiêu diệt tiếp chiếc B-52 thứ hai.

Như vậy, chỉ trong 10 phút, với hai quả tên lửa, Tiểu đoàn 57 đã tiêu diệt được hai chiếc B-52. Đây là trận chiến đấu được ghi nhận là trận đánh tiết kiệm tên lửa nhất, có thời gian đánh giữa hai trận ngắn nhất, hiệu suất chiến đấu cao nhất.