Bố nó bảo: Về nhà có gì ăn nấy, nằm ở trạm xá ai hầu! Cái Tẽo sinh ra đã như thế, nên suốt ngày ốm đau quặt quẹo biếng ăn, lười ngủ, da nốt sần sùi như tầu lá héo, không sao lớn lên được. Thời xưa trẻ con như vậy người làng gọi là “đẹn”, thời nay người ta bảo suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng là căn bệnh phổ biến ở làng quê thuở ấy chứ riêng gì nhà cái Tẽo. Nhưng nhà cái Tẽo nghèo hơn, thành thử cái Tẽo suy dinh dưỡng thuộc loại nặng nhất làng. Mẹ nó cả ngày đánh vật với con. Gái đẻ không có tiền bồi bổ nên đói, người lúc nào cũng tướp ra, quắt lại như con nhái bén.
Cái Tẽo đã mấy lần chết hụt, ấy là dạo dịch đậu mùa ập xuống làng năm 1969, mụn nhọt mọc kín người, đầu tóc trọc lốc, trông như củ su hào bị sương muối gặm. Đêm lên cơn sốt, người nóng như cục lửa, nhớt nhẽo, thoi thóp, hai mắt lờ đờ trắng dã, vô hồn. Mẹ nó không có tiền mua thuốc nên phó mặc cho trời, chỉ biết ngồi ôm con trong xó nhà, miệng lầm rầm cầu xin gì đó như người dở dại. Bố nó bảo: Nghèo quá không chữa được bệnh, không nuôi được thì bán quách cho bên công giáo, cứ để người công giáo nuôi hộ, có khi đời nó lại sướng! Mẹ nó gào lên: Ông là thằng đểu, đẻ ra chỉ biết sướng cái con c...giờ lại chăm chăm bán. Làm được bao nhiêu hốc rượu cả, giờ mới khổ thế này... Nói rồi mẹ nó tru lên nức nở. Bố nó trợn mắt gầm gừ vài tiếng trong cổ họng rồi bỏ ra ngoài, vác te đi biển...
Cái Tẽo được bẩy, tám tuổi bố mẹ mới cho đi học. Nhưng nó chỉ đến lớp ngồi dỏng tai lên ngóng đâu đâu, chữ nghĩa cô giáo dạy tuyệt nhiên không lọt vào đầu. Học đến lớp hai, bố nó cho nghỉ, bảo: Không biết học, đầu như củ khoai đặc, có nhồi mãi cũng vậy! Thế là cái Tẽo nghỉ học, ở nhà theo mẹ đi làm ruộng, mò cua bắt cáy kiếm ăn vặt.
Năm cái Tẽo 12 tuổi thì bất ngờ tai họa ập xuống. Mẹ nó đang trưa nắng gắt ra đồng bắt cá ngạt nước bỗng quay ra bất tỉnh. Người làng phát hiện tức tốc mang lên bệnh xá cấp cứu thì chỉ còn thoi thóp, đến chiều tối tắt thở. Người làng không ai biết mẹ nó chết vì nguyên nhân gì. Người bảo bị cảm nắng, người bảo tai biến, người khác quả quyết đói quá, lả ra đồng...
Từ ngày mẹ chết, bố cái Tẽo bỏ nghề đi biển ở nhà kiếm việc làm thuê vặt lấy tiền uống rượu. Bố nó nghiện rượu nặng, trong người lúc nào cũng sặc mùi men. Rượu vào lời ra, lèm bèm chửi đời, chửi mình, chửi trời, chửi đất suốt ngày. Cái Tẽo thành lao động chính, quán xuyến mọi chuyện từ dọn dẹp, nấu ăn đến việc đồng áng cửa nhà. Năm 15 tuổi, cái Tẽo đã có da có thịt. Nó không xinh đẹp như nhiều cô gái khác cùng tuổi dậy thì ở làng, nhưng trông cũng gọn mắt. Làn da hơi ngăm ngăm, đôi mắt buồn ươn ướt, lúc nào cũng như chực khóc, dễ gây cảm thương với người đời.
Hồi ấy, đầu làng có nhà lão Điện chuyên làm nghề mổ lợn bán cho dân quanh vùng. Lão đã có ba đời vợ và năm đứa con. Dáng người cao dỏng, khuôn mặt lưỡi cày, hai bên má tóp lại như vỏ bóng bẹp. Đôi mắt lợn luộc lúc nào cũng trố lên, láo liên sùng sục tìm kiếm, khiến ai gặp lần đầu cũng phải cảnh giác. Tuy nhâng nháo nhưng tính lão lại bỗ bã xởi lởi, đã nói gì là làm, không màu mè kiểu cách. Cái tính bặm trợn rất đàn ông của lão hóa ra cũng được nhiều cô gái bạo gan, lẻo chuyện lại có chút lẳng quanh vùng hay tìm đến cửa hàng lão mua thịt. Nghe nói, hai cô vợ đã ly hôn của lão ban đầu cũng chỉ là khách mua hàng. Lão chẳng phí công tán tỉnh gì nhiều, thấy sạch mắt, trông màu mỡ phổng phao thì thích.
Gặp một hai lần, buông vài câu trêu ghẹo, không phản ứng gì là lần sau đến, mắt trước mắt sau dằn ngay ra sạp lợn hùng hục một hồi cho thỏa cơn khát. Xong việc, đứng dậy xẻo cho miếng thịt nạc ngon, bảo: mang về cho bố nhắm rượu. Cô vợ thứ ba đang sống với lão hiện giờ cũng thế, gặp nhau hai lần đã dằn ngửa ra cưới. Đến bây giờ, dân làng có việc vui, gặp vợ chồng nhà lão vẫn hay đùa “Tình yêu thịt lợn”. Lão nghe vậy rất khoái, ngoác miệng cười hức hức...
Cái Tẽo, thi thoảng cũng đến cửa hàng lão Điện mua thịt. Ban đầu lão Điện không để ý gì cái con ranh nhà nghèo kiết xác lại có ông bố nghiện ngập nửa điên nửa lại này. Nhưng mấy bận sau thấy cái Tẽo cứ mua thịt chịu liên tục, thì lão bắt đầu khó chịu. Có lần lão bảo: Mẹ kiếp, không có tiền lấy muối trắng mà ăn, mua chịu mãi ông lấy tiền đéo đâu để làm vốn. Cái Tẽo sợ hãi cầu khẩn: Chú thương con, chỗ thịt nào rẻ nhất cho con hai lạng, mấy hôm nữa con đi làm có tiền bù lại. Không có thịt mang về bố con chôn sống. Nhìn con bé run rẩy nhu mì, lão Điện động lòng cắt cho miếng bụng già vứt ra góc bàn, quát: Mang về, lần sau phải trả tiền không là ông làm thịt, nghe chửa! Cái Tẽo miệng lắp bắp, vơ vội miếng thịt cho vào giỏ mang về.
Bẵng đi gần nửa tháng, lão Điện đang lúi húi lọc xương lợn, cô vợ thứ ba của lão vừa sinh đứa con út hơn một tháng cũng loay hoay giúp chồng xẻ thịt ra từng miếng xếp lên mặt bàn, thì cái Tẽo thập thò ngoài cửa. Nhìn thấy nó, lão Điện quát: Có tiền mang trả chưa mà vác mặt đến đây? Cái Tẽo lý nhí trong cổ : Con đến trả nợ chú hôm trước, hôm nay con lại xin khất, con chỉ mua mỗi hai lạng về nấu tý cháo, bố con ốm quá, suốt đêm qua toàn ho ra máu, chẳng ăn uống được gì. Mụ vợ lão Điện liếc xéo sang cái Tẽo, hàm răng rít lên rờn rợn: Bố mày ốm kệ mày, mua thịt phải trả tiền ngay, cho mày chịu vợ chồng tao phá nghiệp à ...Đúng lúc ấy có tiếng trẻ con khóc ré lên ở tầng hai nhà lão Điện. Mụ vợ vừa lau tay vào quần vừa hốt hoảng chạy lên cầu thang, miệng cằn nhằn: Thằng bé ngủ chưa đẫy giấc, sao hôm nay lại dậy sớm thế không biết.
Lão Điện nghe vậy nói với lên cầu thang: Cho nó ngủ đẫy giấc đi, mày làm cả buổi không bằng tao ngoáy một lúc, cứ ở yên trên đấy! Vợ lão đi rồi, lão dừng tay lọc thịt quay sang nhìn xoáy vào ngực cái Tẽo, giọng lão trầm xuống: Hôm nay lại không có tiền hả, thôi được để tao cho. Nói xong lão sải một bước sát người cái Tẽo, chẳng nói chẳng rằng, giơ bàn tay ướt nhầy, cứng như rễ mít tóm lấy cổ tay mỏng manh, yếu ớt của nó lôi tuột vào gian nhà bếp. Cái Tẽo còn đang ú ớ, thì lão Điện đã tụt quần con bé ấn xuống, cả thân hình cao dỏng, sặc mùi thịt sống của lão đè nghiến lên người cái Tẽo. Con bé chưa kịp hiểu điều gì xẩy ra lão Điện đã dấn tới, miệng phì phò như bò kéo gỗ: Nằm im, tý tao cho nhiều thịt mang về chăm bố, nghe chửa...
Cơn cuồng dục của lão Điện đang ngùn ngụt dâng lên đỉnh điểm, thì mụ vợ lão từ trên cầu thang xồng xộc chạy xuống, giọng the thé như chuông mẻ: Lão Điện, lão Điện đâu rôi?...Không thấy lão Điện ở cửa hàng mụ quay vào bếp, đúng lúc lão Điện đang trần như nhộng nằm đè lên người cái Tẽo. Mụ thét lên một tiếng như chó chọc tiết, vớ ngay cái cán chổi xông tới, phang liên hồi kỳ trận lên mông lên cổ lão Điện, miệng la hét ầm ĩ: Đồ đểu, đồ đực rựa, bà thì giết cả hai đứa mày...
Lão Điện hốt hoảng bật dậy, chạy vọt ra cửa. Vợ lão vác cán chổi đuổi theo, miệng không ngớt la hét: Ối làng nước ơi, thằng Điện nó ngủ với con Tẽo, đồ đực rựa, đồ đểu cáng làng nước ơi.. ơi!...Lão Điện sợ quá một tay che bộ hạ một tay đỡ cán chổi đang tới tấp giáng xuống không thương tiếc, nhảy đại ra đường. Mụ vợ không tha, đuổi theo. Hai vợ chồng đánh nhau chạy dọc khắp làng. Dân chúng thấy lạ kéo ra xem, được một mẻ cười đau nước mắt...
Sau hôm ấy, mụ vợ lão Điện kéo thêm hai thằng em trai mặt phừng phừng sát khí đến tận nhà cái Tẽo dằn mặt. Bố cái Tẽo đang ốm liệt giường, da vàng như vỏ quýt do nốc rượu vô tội vạ cũng phải giượng dậy chắp tay xin mụ tha thứ vì “con dại cái mang”. Mụ bắt cái Tẽo phủ phục dưới chân, chửi té tát. Mụ tuyên bố: Chồng tao, tao giữ, cả đời tao chỉ cần mỗi cái con c...của lão ấy, không chung đụng với con đĩ nào hết. Mày mà léng phéng đến gần chồng bà lần nữa thì bà chôn sống...Cái Tẽo cắt không còn giọt máu, đổ sụp xuống, nước mắt giàn dụa, chỉ biết cúi đầu van lạy ...
Cửa hàng thịt nhà lão Điện đóng cửa suốt hai tuần rồi mới mở trở lại. Để đề phòng thói trăng hoa của lão Điện, mụ vợ bắt lão ở nhà trông con, còn mụ đứng bán ở cửa hàng. Cái Tẽo từ hôm ấy cũng tiệt không dám bước chân ngang qua cửa hàng thịt nhà lão nữa. Một thời gian sau, người làng thấy bụng cái Tẽo mỗi ngày nhỉnh lên một ít. Người ta đồn cái Tẽo có mang với lão Điện. Tin ấy đến tai mụ vợ. Mụ tức điên, đang trưa nắng cầm con dao bầu mổ lợn đến nhà cái Tẽo dọa: Đứa con trong bụng mày là của thằng khác, nghe chửa. Mày đổ cho chồng bà thì bà cắt tiết... Cái Tẽo vâng dạ rối rít. Nó thề cái thai không dính dáng gì đến lão Điện. Ai hỏi, nó bảo có người yêu làm thợ mộc trên mạn ngược...
Đầu năm sau, cái Tẽo sinh con trai được hai tháng tuổi thì bố nó mất. Con cái Tẽo chẳng hơn gì cái Tẽo khi xưa. Cũng oặt ẹo, ốm đau, lười ăn, biếng ngủ y chang mẹ nó thuở nào. Đêm nằm, cảm thương thân phận mẹ con côi cút giữa cõi đời đen bạc, cái Tẽo hát ru con: Con cò đẻ vạ bờ sông/ Sương khuya ai trải đêm không chát lòng/ Tiếng kêu ngơ ngẩn cánh đồng/ Vèo trôi ngọn gió thả rông giữa trời/ Nhạn van một khúc ru hời/ Tấm thân mỏng mảnh dòng đời lạnh tênh... Hát xong, nước mắt giàn dụa, ôm chặt con vào lòng, ngủ cho đến sáng.
Mọi chuyện của cái Tẽo tưởng thế là hết. Nó tuyệt nhiên không nghĩ gì đến nhà lão Điện nữa, mẹ con biết thân, biết phận làm ăn. Nhưng thói đời khốn nạn, không biết nghe ai nói gì, vợ lão Điện lại sai người đến ép mẹ con cái Tẽo phải rời làng đi nơi khác. Mụ bảo: Con Tẽo còn ở cái làng này lão Điện còn tý táy, tý mẻ, tao sống không yên. Cho nó ít tiền rồi đuổi đi cho khuất mắt mới hết lo được...
Mới 17 tuổi đầu đã mồ côi cả cha mẹ, lại vô phúc con thơ bìu ríu, cái Tẽo không còn cách nào là phải ra đi. Vào một đêm đầu đông trăng lu đặc quánh, nó khoác lên người cái túi vải đựng mấy bộ đồ quần áo của hai mẹ con ra khỏi làng. Đi vài bước cái Tẽo ngoái đầu nhìn lại, nước mắt chảy thấm cả mặt đất. Giữa cõi đời côi cút mênh mang, bóng mẹ con cái Tẽo chìm nghỉm vào màn đêm bao la tăm tối...
Năm 2002, ông Hạc, người làng, chuyên kinh doanh đồ điện máy thường hay đi lên các cửa khẩu biên giới đánh hàng có gặp cái Tẽo ngồi bán nước trước cửa chợ Đông Kinh. Người làng biết được thông tin về cái Tẽo: Mẹ con nó lang bạt kỳ hồ lên tận Lạng Sơn, gặp đám công nhân làm đường cùng quê xin vào nhập bọn. Vài năm sau nó lấy một thằng chồng người Dao nghiện ngập. Thằng chồng chỉ biết uống rượu, hút hít cứ hết tiền là về hành vợ. Mấy lần nó đánh cái Tẽo thừa sống thiếu chết. Đỉnh điểm là lần cái Tẽo sẩy thai. Nó bảo: Mày không giữ được con cho tao thì đi luôn theo nó. Thằng chồng lấy xích chó xích cái Tẽo vào chân giường rồi dùng búa đập đá đánh sụn xương sống. Sau lần ấy, cái Tẽo bỏ thằng chồng lên chợ lau nhà rửa bát thuê cho quán cơm. Mấy năm sau nó bỏ việc ở quán cơm đi bán nước chè rong.
Cái Tẽo không ngồi một chỗ cố định, cứ nơi nào đông người là nó đến. Đồ nghề chỉ một chiếc xe đạp cà tàng với phích nước, cái bình đựng đá, dăm ba cái cốc, cái chén. Mấy lần ông Hạc lên Lạng Sơn đi qua chỗ cũ không thấy nó ở đấy. Vài tháng sau lại thấy nó đứng bán nước chè ở góc chợ. Hỏi sao không kiếm một chỗ bán hàng tử tế. Nó bảo làm gì có tiền mà thuê chỗ, bán ở đường cũng không yên, cứ nhìn thấy trật tự là phải chạy, nếu không đồ nghề bị tịch thu hết.. Nó bị trật tự bắt mất cái xe đạp và hai cái phích một lần rồi nên giờ sợ, trông thấy là như gặp cọp, vãi ra quần.
Thằng con cái Tẽo có với lão Điện mắc chứng động kinh, ốm đau quặt quẹo suốt ngày. Cái Tẽo bảo: Nó dở người chú ạ, không biết học, năm nay cũng gần 20 tuổi rồi, phải nuôi báo cô. Hỏi, có tính chuyện lấy chồng nữa không? Kiếm thằng nào hiền lành góp gạo nấu cơm chung, nương tựa vào nhau sướng hơn không? Nó giãy nảy: Cháu bây giờ chồng con gì nữa chú ơi, sợ lắm rồi! Đời cháu như cái cuống lá khô, sống ngày nào biết ngày ấy, trôi ngoài đường, chỉ lo cho thằng con... Ngẫm một lúc, rồi nó thở dài ngán ngẩm: Tính đi tính lại có lo cũng bằng thừa chú ạ. Cháu có chết đi thì nó vẫn sống. Đời vậy thôi mà!...
Bẵng đi thời gian mấy năm ông Hạc mới lại lên Lạng Sơn đánh hàng. Lần này ông định tìm cái Tẽo, bảo bỏ nghề bán nước ra cửa khẩu làm cửu vạn, vận chuyển giúp ông ít hàng. Mỗi chuyến đi về trót lọt cũng kiếm được vài trăm ngàn, bằng bán nước chè rong cả năm. Còn ông Hạc cũng đỡ phải đi thuê người lạ, vừa không tin cậy vừa phải trả công cao. Nhưng ông Hạc tìm khắp chợ không thấy nó đâu. Hỏi mấy người đứng bán hàng rong ngoài đường, chỗ cái Tẽo hay đến khi xưa, người ta bảo mẹ con nó bỏ đi lâu rồi. Có người nói, nó bị bọn nghiện hút ở chợ trấn lột mất sạch tiền của, giờ trắng tay, không biết sống chết ra sao. Bà chủ quán cơm cũ, nơi cái Tẽo giúp việc ngày trước thì bảo, khi đi mẹ con cái Tẽo có đến quán cơm chào bà, nói, không ở Lạng Sơn nữa mà về Hà Nội làm ăn. Người khác lại chắc chắn như đinh đóng cột, mẹ con cái Tẽo vào Đắk Lắk. Nghe đâu nó có thằng người yêu lái xe đường dài tuyến Đắk Lắk – Lạng Sơn, mẹ con nó đi theo thằng ấy chắc chắn đổi đời...
Đại loại thiên hạ đồn thổi về cái Tẽo mỗi người một ý theo trí tưởng tượng riêng, không ai giống ai...Thời gian sau, những người bán hàng ở chợ Đông Kinh quên hẳn nó, không thấy ai còn nhắc đến nó nữa.
Mùa hè 2016
L.A.H