Theo thông tin từ quận Ba Đình, giá trị tổng mức đầu tư đề án gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận. Đây là công trình chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động trước ngày 10/10/2024.
Cụ thể, quận sẽ cải tạo hạ tầng kỹ thuật, góp phần tăng cường năng lực tiêu thoát nước mưa; bảo đảm mĩ quan đô thị; tạo thêm tuyến phố gắn với các dịch vụ phục vụ người dân nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh dịch vụ trong khu vực phát triển; tạo cảnh quan đẹp, văn minh và thư giãn cho người dân đi bộ, vui chơi...
Để hoàn thiện cải tạo kỹ thuật, quận sẽ lát hè đá tự nhiên lòng đường, vỉa hè đường dạo tạo thuận lợi kinh doanh dịch vụ, đi bộ, vui chơi giải trí; trồng bổ sung cây xanh bảo đảm mật độ 5m/cây, bó bồn cây bằng đá tự nhiên, xây dựng ghế ngồi bằng nhựa giả gỗ ngoài trời hoặc đá tự nhiên, bổ sung dải cây xanh, vật kiến trúc trang trí; lắp đặt trang thiết bị đô thị như ghế ngồi, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng; lắp đặt đèn chiếu sáng đường dạo; cổng chào phố đi bộ.
Đáng chú ý, theo UBND quận Ba Đình, với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị được quận quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ trường.
Trường Giảng Võ (Giảng Võ trường) là địa điểm quan trọng ở Thăng Long xưa. Đây là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi các sự kiện năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070 lập Xạ Đình. Tháng 8/1253, vua Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường làm nơi học tập của các tướng lĩnh.
Từ đầu thời Lê, khu vực phía tây Thăng Long (bao gồm khu vực Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh ngày nay) đã trở thành một trung tâm luyện tập, khảo hạch và diễn tập quân sự lớn. Khu di tích Giảng Võ phía tây Thăng Long chính là khu di tích về một trường võ bị quốc gia thời Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII). Nhiều cuộc luyện quân, diễn võ quy mô lớn đã được tổ chức tại khu vực này...