Cải cách hành chính để thu hút nguồn lực xã hội

TP - Một trong ba bước đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng XI xác định là: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”.

> Tăng sự hài lòng đối với bộ máy hành chính
> Đà Nẵng: Khảo sát mức độ hài lòng với dịch vụ hành chính công

Người dân đăng ký hộ khẩu ở Công an quận. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 25- 4, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng tiếp tục xác định khâu đột phá là cải cách hành chính (CCHC) mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trong kết luận của Thủ tướng về Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011- 2020 cũng đề cập rõ yêu cầu này.

Cục Kiểm soát TTHC được giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC trong phạm vi toàn quốc ở 24 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố. Đây là việc cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong cải cách TTHC, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Cải cách TTHC là nhiệm vụ cần thiết, vấn đề cấp bách để chúng ta giải phóng các nguồn lực xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.

Cụ thể việc kiểm soát TTHC sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Việc kiểm soát TTHC sẽ được thực hiện ngay từ khi dự thảo văn bản, đảm bảo tăng tính giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo. TTHC khi ban hành phải được công khai, minh bạch để người dân giám sát.

Khi có kiến nghị của người dân về hành vi chậm trễ, không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc những quy định không còn phù hợp thì phòng kiểm soát TTHC sẽ yêu cầu đơn vị trực tiếp liên quan, kiểm tra thông tin. Nếu đúng như phản ánh, phải xử lý cán bộ, đề xuất sửa đổi thủ tục chưa hợp lý.

Ông Ngô Hải Phan. Ảnh: HN.

Kiểm soát, cắt bỏ TTHC là rất khó khăn bởi thủ tục gắn với quyền, lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức?

Cải cách TTHC là đụng chạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, những người có quyền giải quyết thủ tục. Chúng ta loại bỏ thủ tục không cần thiết, không hợp lý, hợp pháp là đúng nhưng chắc chắn một số cán bộ, công chức sẽ không vui, dẫn đến một số phản đối.

Việc đánh giá tác động chính sách và vai trò của người dân trong ban hành chính sách sẽ được tăng cường ra sao?

Kiểm soát TTHC là công việc thường xuyên của các bộ, ngành địa phương. Các cục, vụ, sở, ngành khi tham mưu ban hành chính sách quy định về TTHC phải có trách nhiệm đánh giá tác động theo biểu mẫu hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ gồm 4 nhóm tiêu chí: Cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả. Để làm được việc này, vai trò tham gia của người dân là hết sức quan trọng.

Ngay từ khâu dự thảo, người dân có thể đóng góp ý kiến, hoặc cơ quan kiểm soát TTHC tham vấn người dân và doanh nghiệp, đối tượng tuân thủ. Ngoài ra, còn có vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sắp tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ kiện toàn Hội đồng tư vấn. Nếu chúng ta huy động tốt sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn thì chắc chắn chất lượng các TTHC được ban hành sẽ tốt hơn.

Kinh nghiệm của Đề án 30 cho thấy, muốn CCHC là khâu đột phá, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng?

Nghị định 63 và Thông tư liên bộ giữa Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cũng như chánh văn phòng, cơ quan kiểm soát hành chính của các bộ, ngành địa phương. Điều này đã được pháp lý hóa, vấn đề là tổ chức thực hiện.

Là đơn vị giúp việc cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chúng tôi sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là chánh văn phòng các đơn vị này tham gia vào quá trình kiểm soát TTHC. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt đó, nhiệm vụ kiểm soát TTHC sẽ thành công.

Cám ơn ông.

Tiết kiệm 30.000 tỷ đồng mỗi năm

Kết thúc giai đoạn rà soát của Đề án 30, Chính phủ đã thông qua 25 nghị quyết về phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành. Theo đó gần 5.000 trên tổng số 5.400 TTHC sẽ được đơn giản hóa, trong đó sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, bãi bỏ 480 thủ tục, kiến nghị thay thế 192 thủ tục, đạt tỷ lệ 88%.

Thực tiễn triển khai Đề án 30 cho thấy, các phương án đơn giản hóa TTHC sau khi được hiện thực hóa thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ góp phần cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC cho các cá nhân, tổ chức. 

Hà Nhân (thực hiện)

Theo Báo giấy