Cải cách giáo dục: Nhiều việc trong tầm tay
Theo báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam được xếp hạng 128/187 quốc gia.
Nhiều người kết luận nếu dựa vào số liệu từ báo cáo phát triển con người của UNDP, thành tích giáo dục của VN dường như đang thụt lùi.
Chưa biết mức độ chính xác của đánh giá đó như thế nào, nhưng chỉ nhìn vào thực tế cũng đủ thấy hiện nay có quá nhiều vấn đề bất ổn. Ngoài những vấn đề quen thuộc đã được xã hội nói rất nhiều, còn có nhiều vấn đề tác động xấu đến giáo dục trước mắt cũng như lâu dài mà chưa được nêu đúng mức độ nguy hiểm của nó. Trong đó có một nhóm vấn đề hoàn toàn nằm trong quyền hạn của ngành giáo dục.
khích giáo viên. Trong ảnh: cô trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
(TP.HCM) trong Ngày nhà giáo VN. Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)
Từ giáo viên đến chương trình
Về việc tuyển dụng sinh viên sư phạm, không ít địa phương thiếu giáo viên nhưng sở GD-ĐT vẫn không tuyển mới, hoặc tuyển nhỏ giọt. Từ đó đã sinh ra nhiều tiếng đồn về tiêu cực trong tuyển dụng và làm nản lòng những sinh viên ít ỏi còn chấp nhận nghề dạy học.
Chẳng những vậy, cơ hội thăng tiến của giáo viên ở trường phổ thông rất hạn chế do việc chưa áp dụng đầy đủ quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa tổ chức bầu cử lãnh đạo các cấp như ở các trường đại học (có nhiều hiệu trưởng ở trường phổ thông giữ chức vụ vài chục năm liên tiếp).
Nhiều địa phương còn đề bạt những người chưa hề có kinh nghiệm dạy học vào vị trí lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, khiến việc lãnh đạo ngành không sâu sát, gây ức chế cho giáo viên và tạo ấn tượng xấu trong xã hội về ngành.
Trong khi đó, giáo viên đang chịu áp lực từ nhiều phía: học sinh, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành ở địa phương, xã hội, gia đình học sinh, việc mưu sinh cho gia đình họ và cả từ lo toan về tương lai của họ và con cái họ.
Khi áp dụng các biện pháp cấm dạy thêm, ngành giáo dục các cấp ở địa phương hành xử rất máy móc, gây phản cảm, vì không phân biệt giáo viên ép học sinh học thêm với giáo viên dạy thêm do nhu cầu thật sự của xã hội, khiến đội ngũ giáo viên nói chung cảm thấy bị xúc phạm.
Thêm nữa, việc chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa như hiện nay đã khiến sự sáng tạo của giáo viên bị thui chột, thậm chí bế tắc, do đó việc dạy học trở nên đơn điệu, nhàm chán. Đó là chưa nói đến việc sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT còn quá nhiều sai sót (Tuổi Trẻ 5, 6, 7, 8-12).
Việc áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ như hiện nay ở các trường đại học được tiến hành theo một quy trình ngược: chúng ta đã bỏ qua giai đoạn tập huấn cho giảng viên đại học, giáo viên và học sinh phổ thông về cách dạy và học tích cực, và cắt xén chương trình đào tạo từ 250 tín chỉ xuống còn 120 tín chỉ.
Như thế việc đổi mới chỉ dừng lại ở hình thức và tên gọi mà thôi, vì cái cốt lõi là phương pháp dạy và học mới bị xem nhẹ. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các trường và khoa sư phạm, vì chúng ta đã đào tạo một thế hệ giáo viên khiếm khuyết.
Giải pháp
Để giải quyết được những vấn đề nan giải trên, ngành giáo dục cần thực hiện đồng thời các biện pháp cần thiết. Việc đầu tiên là yêu cầu các địa phương minh bạch trong tuyển dụng giáo viên. Đối với việc khuyến khích giáo viên phấn đấu, phải áp dụng được rộng rãi quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác cán bộ, đề bạt kịp thời những người có tâm với ngành giáo dục.
Cần phải cho giáo viên nhiều quyền tự chủ hơn trong dạy học, không áp đặt để chạy theo thành tích để họ có thể phát huy sáng tạo. Phải tạo điều kiện cho giáo viên dành nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư vào chuyên môn, nhất là việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.
Riêng việc dạy thêm, cần phải nhìn nhận công bằng rằng việc dạy thêm chính đáng là một hình thức lao động lương thiện, góp phần rất lớn vào việc cải thiện đồng lương của Nhà nước mà lẽ ra phải bảo đảm cuộc sống của giáo viên. Đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo rõ ràng là chỉ cấm giáo viên ép buộc học sinh bằng mọi hình thức để học sinh đến học thêm với mình.
Về những vấn đề căn bản hơn như sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành chương trình khung của các môn học, các giáo viên sẽ tự tìm kiếm tư liệu tham khảo để chuẩn bị nội dung bài dạy của chính mình. Việc giao quyền tự chủ này có ý nghĩa vừa làm tăng giá trị của người thầy, vừa có tác dụng kích thích sự phấn đấu của giáo viên trong nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phải có cơ cấu chương trình riêng cho ngành sư phạm, không rập khuôn theo các ngành đào tạo khác như hiện nay, để không đẩy giáo dục phổ thông lún sâu thêm vào thế chênh vênh.
Đặc biệt, về bạo lực học đường, cần có một cái nhìn khác hơn là chỉ đổ lỗi cho gia đình thiếu quan tâm đến con em, hay do nhà trường “nặng về dạy kiến thức mà nhẹ về dạy làm người”. Phải thấy rằng bạo lực học đường là hậu quả tất yếu của nhiều sức ép đè nặng các em. Sức ép của gia đình, bạn bè, thầy cô, nhà trường, xã hội và tương lai.
Cần phải phát huy dân chủ với cả học sinh trong dạy và học lẫn trong sinh hoạt. Nếu nền giáo dục của chúng ta lấy người học là trung tâm thì phải xem học sinh là một công dân chứ không phải chỉ là một thanh sắt cần được trui rèn. Phải thật sự tôn trọng các em thì giáo dục mới hiệu quả.
Phải quan niệm: học sinh luôn luôn có lý. Phải gây dựng lại lòng tin ở giới trẻ bằng việc người lớn phải gương mẫu và trong sạch.
Không thể giải quyết riêng biệt
Nguyên lý của mọi nguyên lý là giáo dục không thể tách rời xã hội, do đó những vấn đề nảy sinh trong giáo dục hiện nay không phải là sản phẩm của riêng ngành giáo dục mà là của toàn xã hội, của tất cả ban ngành đoàn thể trong guồng máy quyền lực, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Vì thế, không thể giải quyết riêng biệt các vấn đề nảy sinh trong ngành giáo dục, mà phải có quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội.
Do đó, lãnh đạo ngành giáo dục cần vận động, tranh thủ, thậm chí phải đấu tranh để các ngành khác cùng nhìn về một hướng với ngành giáo dục.
Theo PGS.TS Trần Thanh Ái
Tuổi Trẻ