Cách chức nếu xảy ra tai nạn đường sắt nghiêm trọng

TP - “Luật thì nói cấm nhưng nếu không gắn trách nhiệm và chế tài xử phạt nghiêm sẽ không thực hiện tốt được. Phải gắn trách nhiệm của địa phương, nơi nào để mở đường dân sinh xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải mất chức”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 15/3 phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

Theo thống kê đến năm 2015 có 1.498 đường ngang, 4.309 lối đi dân sinh (tăng 442 đường so với năm 2005). Theo Tổng Công ty Đường sắt, có tới 4.211 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép, không nằm trong quy hoạch, không có biển cảnh báo. Thực tế này dẫn đến trên 90% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó trên 80% xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng, từ thực tế trên, có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang dân sinh để có quy định phù hợp, đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cấp khi có tai nạn xảy ra. Tiếp thu kiến nghị này, dự thảo luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GTVT, UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

Quy trách nhiệm cụ thể

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tinh thần, luật khi ra đời phải giải quyết cho được bất cập, đồng thời tạo ra bước đột phá mới cho ngành Đường sắt. Đặc biệt, luật ra đời phải nghiêm, góp phần ngăn chặn tai nạn đường sắt xảy ra. Đường dân sinh là nhu cầu đi lại ở những nơi có đường sắt. Nghiêm cấm mở đường dân sinh trái phép, nhưng ở những nơi thực sự có nhu cầu thì phải đầu tư.

“Luật Đường sắt nói cấm nhưng nếu không gắn trách nhiệm và chế tài xử phạt nghiêm thì không thực hiện tốt được. Phải gắn trách nhiệm của địa phương, nơi nào để mở đường dân sinh xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải mất chức chứ không đơn giản. Đường sắt tốc độ cao mà mở đường dân sinh trái phép như thế thì cũng như không. Luật này ra đời phải khắc phục cho được, đừng để tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Trước tình trạng mở đường dân sinh rất tuỳ tiện ở nhiều nơi, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia đang tập trung giải quyết việc này, đồng thời sẽ quy rõ trách nhiệm đối với địa phương. Trong luật cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt và chính quyền các cấp.