Các dự án thua lỗ, yếu kém: Còng lưng trả lãi đến bao giờ?

TP - Nhiều dự án yếu kém ngành Công Thương dù được quan tâm giải quyết nhưng đến nay vẫn trong cảnh “trùm mền”, trả lãi vay, hoặc báo lỗ theo từng ngày hoạt động, khiến đại biểu Quốc hội lo lắng, bức xúc.

Không biết tương lai về đâu

Ngày 27/10, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, việc xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành Công thương “chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế”. Theo ông, việc các dự án được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn phải “trùm mền”, trả lãi hằng ngày, thậm chí chờ được cấp thêm vốn để khắc phục mà chưa biết tương lai về đâu “thật đau xót”. Nói rằng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu đoàn Cà Mau đặt câu hỏi, các dự án trên có lãng phí không, nếu có thì mức độ lãng phí đến mức nào? “Mặc dù biết là việc đã rồi, đã tồn tại qua nhiều năm nhưng theo tôi đến nay đã đủ lâu, đủ dài để chúng ta đánh giá lại hiệu quả của các dự án này”, ông Hận nói.

Dự án Đạm Hà Bắc, một trong những đại dự án thua lỗ. Ảnh: Như Ý

Nhắc lại việc Quốc hội khóa XIV đã nghe Chính phủ báo cáo về phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các đại dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương, ông Hận kiến nghị Chính phủ cần có báo cáo kết quả thực hiện. Trong đó, phân loại các dự án doanh nghiệp có khả năng phục hồi, phát triển, có kế hoạch và lộ trình thực hiện rõ ràng để có kế hoạch đầu tư phát triển thời gian tới. Đồng thời, kiên quyết xử lý và xử lý dứt điểm, chấm dứt đầu tư, thực hiện các thủ tục giải thể, bán đấu giá, đấu giá các dự án doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, vướng mắc và có xem xét trách nhiệm đối với các cán bộ có liên quan.

Lãng phí đất đai bởi “tư duy nhiệm kỳ”

Về sự lãng phí trong lĩnh vực đất đai, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định “rất nhức nhối”. Từ báo cáo của Bộ Tài chính, bà Mai cho biết, hiện nay toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng. Qua giám sát tại 7 địa phương, có đến 1.739 dự án được coi là dự án "treo", tương ứng với hơn 12.000 hecta đất. “Đây là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân”, bà Mai nói.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)

Theo bà Mai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có lối “tư duy nhiệm kỳ”, khi có địa phương sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng dự án "treo” lại tăng. Bà đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai. Theo đó, cần đưa ra lộ trình thời hạn cụ thể và điều này cần được nghị quyết hóa, bởi vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.

Bà Mai đề nghị xử lý nghiêm đối với lối “tư duy nhiệm kỳ”. “Chúng ta đề cao trách nhiệm nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng”, bà nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát, đảm bảo không lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.