Ca sĩ Trọng Tấn tích cực giúp người nghèo vì từng sống những ngày 'khốn khổ'

TPO - Trong khi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người nghèo, ca sĩ Trọng Tấn đã đứng ra gây quỹ 15 tấn gạo để ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Trọng Tấn cho biết, vì từng trải qua những ngày “hơn cả nghèo” nên anh hoàn toàn thấu hiểu khó khăn của “những người khốn khổ”.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Trọng Tấn đã phải ngừng chạy show và dành phần lớn thời gian cách ly để chăm sóc gia đình. Trọng Tấn thú nhận, từ lúc vào nghề đến giờ, chưa bao giờ phải “treo mic” lâu đến thế. Ở nhà, anh cùng con gái vào bếp làm thử những món mà bình thường bận rộn không có thời gian để “bày vẽ”. Trọng Tấn cũng thích đọc sách, chăm sóc cây cối, chăm mèo, nuôi chim chóc, cá cảnh.

Trọng Tấn ở nhà trồng cây, nuôi mèo.

Xuất thân “nhà quê”, Trọng Tấn thích vườn tược, cây cối. Ở Thanh Hóa, anh xây cho bố mẹ một ngôi nhà lớn có vườn rộng để trồng rau, nuôi gà. Khu vườn ấy cung cấp rau sạch cho cả gia đình anh ở Hà Nội. Gần như tháng nào vợ chồng anh cũng đưa hai con về quê chơi. Những lần ấy, anh đều ra vườn tự tay trồng rau, nhổ cỏ, cắt tỉa cây.

Về quê hái rau.

Trọng Tấn lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Anh kể: “Nhà tôi nghèo đến nỗi cả khu có điện rồi nhưng gia đình vẫn không thể mắc được. Thi thoảng ngày Tết bố câu điện trộm cho dùng”. Lên lớp 12 anh vẫn phải đi học nhờ xe bạn.

Cũng vì điều kiện gia đình, Trọng Tấn quyết định thi vào Nhạc viện vì nghe nói trường này không phải đóng học phí.

Trọng Tấn biết nấu nướng và nấu khá ngon.

Giữa những năm 90, khi Trọng Tấn vào Trung cấp Thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội, bố mẹ anh chỉ chu cấp được cho con trai 180 ngàn đồng/tháng. Anh hòa nhập với cuộc sống đắt đỏ ở Thủ đô bằng cách tự đi chợ nấu cơm để tiết kiệm chi phí.

Trong một lần phỏng vấn ca sĩ Trần Hiếu ông kể với tôi: Lần đầu gặp Trọng Tấn tôi thấy “nó” đang khóc ở góc sân trường. Hỏi ra mới biết cậu ấy lên Hà Nội thi Nhạc viện nhưng người ta bảo lên đây phải tìm thầy mà học, phải tập hát bài nọ bài kia thì mới thi vào trường được. Mà học phí học hát lúc đó là 50.000đ/giờ, trong túi Trọng Tấn chỉ còn hơn trăm ngàn, tiền ăn còn thiếu, lấy đâu ra tiền học.

Vợ chồng Trọng Tấn bên thầy Trần Hiếu

Thương Tấn, tôi bảo đến thày dạy cho, có tiền hay không có tiền không quan trọng. Thế là tôi dạy liền 20 buổi, ngay năm đầu thi, Tấn đỗ luôn thủ khoa!
Sau đó, Tấn vào được Nhạc viện rồi nhưng vẫn không tìm được thầy dạy vì ngoại hình không bắt mắt. Tôi lại nhận Tấn, dạy dỗ suốt 6 năm.

Buồn cười, cứ năm nào đi thi hát được giải là Tấn lại nghĩ đến chuyện trả tiền dạy cho tôi. Lần đầu tôi bảo đừng trả vội, cầm tiền đi mà mua quần áo biểu diễn cho tử tế. Lần hai tôi bảo nó mua xe máy chứ đừng đi xe đạp cà tàng mãi nữa. Lần nữa tôi bảo anh dành tiền mà mua cho mẹ anh cái tivi. Đến khi Tấn đi thi hát được giải nhì cổ điển toàn quốc, lúc bấy giờ tôi mới thu học phí.

Làm kim chi cùng con gái.

Nhắc về thầy mình, Trọng Tấn bảo: “ông ấm áp như một người cha và hồn nhiên ở mọi sân khấu, ở tất cả những nơi gặp gỡ”.

Ngôi nhà đầu tiên của Trọng Tấn ở Thủ đô nằm ở khu cầu Lủ. Khi đó, chúng tôi gần như là hàng xóm, cùng đi chung một khu chợ. Anh kể, vốn liếng đầu tiên chỉ có 30 triệu, tích cóp mãi được khoảng gần 200 triệu, người yêu khuyên đi mua đất, thế là ra vùng ven ven định tìm mảnh đất nho nhỏ vừa với số tiền tiết kiệm. Không ngờ bà chủ đất nhận ra ca sĩ Trọng Tấn, nhiệt tình bán, mảnh đất cũng quá đẹp, anh tặc lưỡi đi vay tiền.

Trả nợ hết tiền mua đất, Trọng Tấn lại kẽo kẹt đi hát để xây nhà. Cát xê được đến đâu xây đến đó. Tình cảnh Trọng Tấn đi hát kéo cày trả nợ khi đó nổi tiếng đến nỗi anh hát ở chương trình nào xong các anh (chị) bầu cũng hỏi: Hôm nay thêm được bao nhiêu gạch, mấy tạ xi?

Trọng Tấn trong đêm nhạc "Trở về" - hát ủng hộ bà con vùng lúc tại Quan Sơn Thanh Hoá.

Thời ấy, thỉnh thoảng đi chợ gặp Trọng Tấn tôi mới biết, anh thích nấu ăn và nấu được. Cứ vào lễ Tết là ca sĩ lại tự mình vào bếp để nịnh vợ.

Bây giờ, nhà anh chuyển đến khu Hoàng Cầu, trong một cơ ngơi lớn hơn, nhưng Trọng Tấn nói, những ký ức nghèo khó thì không quên, và thấy người nghèo thì sẽ có phản xạ muốn giúp đỡ, giống như ngày xưa anh cũng đã từng được rất nhiều người giúp đỡ trong suốt những ngày tháng khó khăn.