Quán không ngủ
Nằm trong con hẻm 330 phường 1, đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, quán cà phê vợt với tuổi đời hơn 60 năm của ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi) được xem là một trong số rất ít quán cà phê vợt còn sót lại của Sài Gòn. Gọi là quán chứ thực ra chỉ là một tiệm nước nhỏ. Không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa nho nhỏ, không gian quán là hai bên lề của hẻm, nhưng khách ra vào vẫn cứ tấp nập. Nhiều người còn ghé quán mua để mang đi thưởng thức.
Theo lời ông Côn, quán do ba ông mở từ năm 1954, đến năm 1975 thì ông cùng vợ là bà Phạm Ngọc Tuyết kế nghiệp và giữ nghề cho tới giờ. Hằng ngày vợ chồng ông cùng con cháu thay phiên nhau bán. Trước đây quán chỉ phục vụ ban ngày, nhưng do có nhiều khách yêu cầu mở cả ban đêm nên gia đình ông quyết định bán 24/24. Chỉ trừ đúng 10 phút của thời khắc giao thừa là quán đóng cửa, còn lại trong suốt 365 ngày, dù mưa, nắng quán vẫn đông đúc.
Gần 60 năm gắn bó với nghề, bà Tuyết cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất với bà là lần đám cưới người con trai thứ 2, bà dự định đóng cửa nguyên ngày hôm đó. Nhưng sau khi ở nhà hàng tiệc cưới về, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất đông khách đợi để được uống cà phê. “Người ta có quý mến thì người ta mới ngồi đợi mình như vậy nên mình không thể phụ lòng họ được”, bà Tuyết nói.
Giá mỗi ly cà phê ở đây chỉ từ 6- 12 nghìn đồng. Gia đình ông Côn chỉ nhập cà phê hạt về từ các mối quen, sau đó tự rang, tự xay với bí quyết riêng và theo ông không cho thêm bất kỳ tạp chất nào. Đầu tiên phải nhúng vợt lọc cà phê vào nước đun sôi để vệ sinh vợt. Sau đó múc cà phê đã xay vào vợt, đặt vợt vào ca inox, múc nước đun sôi đổ vào, đợi một lúc, nhúng ba lần sau đó nhấc vợt bỏ sang ca inox khác. Lấy cà phê của đợt một châm ngược trở lại vợt và cho thêm một ít nước sôi. Cứ làm như vậy cho tới lần thứ 4 là cà phê đã đủ độ thơm, đúng vị và có thể bán. Đường, sữa và đá thì tùy vào yêu cầu ít hay nhiều của khách để phục vụ.
Không bảng hiệu, không nhạc... vẫn đông
Rất nhiều người tới mua và uống cà phê tại quán này
Chẳng có bảng hiệu gì, lọt thỏm trong hẻm nhỏ, không gian thì chật hẹp, âm thanh chỉ là sự ồn ào của động cơ xe, thế nhưng những người làm ở đây hầu như không có phút giây nào được ngơi tay. Người thì uống tại chỗ, người thì mua mang về, cứ thế tấp nập, rộn ràng cả một con hẻm.
Khách tới đây thưởng thức cà phê cũng thuộc rất nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau. Từ người lao động nghèo, các bác chạy xe ôm, người làm công sở, rồi cả học sinh, sinh viên. Người già đến đây như tìm về một khoảng không gian êm đềm chất chứa nhiều kỷ niệm của Sài Gòn xưa cũ. Người trẻ thì đã chán với những không gian sang trọng, ồn ã nên muốn được hòa mình với cuộc sống bình lặng, thảnh thơi. Anh Tuấn Anh, một nhân viên văn phòng là khách hàng thân thuộc của quán. Anh Tuấn Anh cho biết uống cà phê vợt ở đây đã hơn chục năm, khi còn là sinh viên. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm là anh lại tự thưởng cho mình một ly cà phê sữa đá thơm lừng để bắt đầu ngày mới. Hôm nào vội quá không mua buổi sáng được thì chiều đi làm về anh cũng ghé qua để mua một ly mang về.
Ngọc, một người trẻ khá rành về cà phê cho hay quán này đã thành mối quen. Loại cà phê mà Ngọc yêu thích nhất ở đây là cà phê sữa đá, bởi nó có vị đậm, mầu nâu. Mới đầu thưởng thức sẽ có cảm giác hơi nồng. Nhưng chỉ cần sau vài phút, khi đá bắt đầu tan thì vị ngọt sẽ thanh hơn, từ đó mà hương thơm cũng dịu đi. Theo Ngọc thì tối khuya và đêm mới là lúc các bạn trẻ uống cà phê ở đây nhiều nhất. Ban ngày chủ yếu là các cụ già và dân công sở. “Mình thích sự giản dị, thanh bình ở đây. Những thứ ấy thật khó để kiếm được ở giữa chốn Sài Gòn” - Ngọc tâm sự.
Có nhiều người đi xe hơi, dừng xe ngay đầu ngõ chỉ để vào mua một ly cà phê rồi lại trở ra nhanh chóng. Tất cả mọi người đến đây mua cà phê đều được phục vụ tận tình, chu đáo. Những người tới uống tại quán đôi khi phải ngồi chờ vì khách quá đông, còn những người mua mang đi thì được ưu tiên hơn.
Uống cà phê vợt nhớ Sài Gòn xưa
Không biết cà phê vợt có từ khi nào, chỉ biết rằng từ lâu người Sài Gòn vẫn xem uống cà phê là một nét đẹp trong văn hóa. Cà phê vợt ở Sài Gòn ngày nay chẳng còn bao nhiêu quán. Nhiều người trẻ khi nghe tới cái tên cà phê vợt đều tỏ ra ngạc nhiên vì chưa nghe bao giờ. Nhưng với những người ở độ tuổi trung niên hoặc lớn hơn thế, thì cà phê vợt mãi là một ký ức, một kỷ niệm gắn bó suốt cả tuổi thơ.
Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè thường hay tới quán uống cà phê
Mỗi ngày bà Tuyết không nhớ nổi mình đã bán cho bao nhiêu người, bán được bao nhiêu ly cà phê. Chỉ biết chừng nào vẫn còn người tới uống, tới mua thì bà vẫn mở cửa. Khách ghé quán gồm nhiều đối tượng, nhưng tập trung đông nhất vẫn là những người lớn tuổi. Những người đã từng một thời gắn bó với cà phê cóc. Trong sự thay đổi và phát triển của Sài Gòn với những quán xá sang trọng, vì muốn tìm lại chút dư vị của ngày xưa, chút bình yên thuở nào nên nhiều người vẫn tìm đến quán như một cố nhân. Ông Bình, 62 tuổi, nhà ở gần quán cho biết bắt đầu uống cà phê vợt ở đây từ năm 17 tuổi, đến nay đã tròn 45 năm gắn bó. Dù đã đi nhiều nơi, ghé nhiều quán, thưởng thức nhiều loại cà phê nội, ngoại khác nhau nhưng vẫn chẳng thể nguôi ngoai nếu một tuần không ghé quán vài lần. Theo ông Bình, để đánh giá về chất lượng, độ ngon của cà phê thì phải thưởng thức bằng cà phê đen, loại cà phê nguyên chất không cho thêm đá hay sữa, có chăng chỉ là một chút đường cho thanh vị. Cà phê vợt ở đây được ông Bình dành tặng điểm 10 cho chất lượng.
Để giúp một đứa chẳng biết gì về cà phê như tôi thẩm định cà phê, ông Bình kêu một ly cà phê sữa nóng và một ly cà phê đen có đường và bảo tôi thử đưa lên mũi. Nhắm mắt lại, hít thử một hơi, tôi thấy hương cà phê dịu nhẹ lan tỏa khắp người, ly cà phê nghi ngút khói bay. “Đấy, cái ngon, cái đặc biệt của cà phê vợt là ở chỗ vừa đậm đặc lại vừa nóng hổi. Chứ nếu lọc bằng phin thì khi lọc xong cà phê nguội mất rồi. Còn gì là ngon nữa” - ông Bình vỗ vai tôi nói. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người thường hay lui tới quán. Vừa có thể ngắm nhìn dòng người đi đường, vừa có thể trò truyện, lại vừa có thể nhấm nháp cà phê hàng tiếng đồng hồ mà không sợ cà phê nguội lạnh, mất mùi.
Dù là cà phê ở góc nhỏ vỉa hè, nhưng ông Côn cho biết vẫn luôn mở bán 24/24g bất kể trời mưa hay nắng, chỉ trừ đúng 10 phút của thời khắc giao thừa là quán đóng cửa.