Coi đường sắt, tàu hỏa như đạo cụ chụp ảnh
Tiền Phong có nhiều bài viết về tình trạng mất an toàn giao thông đoạn đường sắt tại Hà Nội, khi xuất hiện nhiều quán cà phê, quán nhậu ngay sát đường ray tàu hỏa chạy qua nội đô Hà Nội như đoạn qua phố Phùng Hưng, Khâm Thiên... Những quán cà phê, nhà hàng này thu hút rất đông du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Không chỉ kinh doanh trong nhà, nhiều cửa hàng còn kê bàn ghế sát đường ray, thậm chí ra giữa đường ray tàu hỏa cho khách ngồi nhâm nhi cà phê bất chấp nguy hiểm. Khi có tàu tới, người ta lại “lùa khách” và bàn ghế sát vào lề...
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch cho biết, văn bản Bộ GTVT gửi UBND thành phố Hà Nội mới đây về xử lý cà phê đường tàu là theo báo cáo của Cty. Theo ông Hoạch, VNR nhiều lần có văn bản báo cáo Bộ GTVT, Hà Nội về xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, đặc biệt là việc bán hàng quán vào khu vực đường sắt.
Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, vì đường sắt vẫn đang khai thác chạy tàu. Các đơn vị thành viên của VNR cũng phối hợp với chính quyền quận, phường, tổ dân phố nơi lấn chiếm đường sắt kinh doanh để ký cam kết. Công an, Thanh tra đường sắt cũng xử phạt nhiều lần các hộ dân lấn chiếm, nhưng đâu lại vào đấy.
“Thậm chí, giờ còn thành trào lưu cà phê đường tàu, chụp ảnh trên đường ray. Dù biết tàu chạy có giờ, nhưng vẫn rất nguy hiểm khi tập trung đông người ngay sát đường ray tàu chạy. Chưa kể, việc này tạo tiền lệ xấu, các địa phương và các nơi khác cũng học theo. Đường bộ bị lấn chiếm vỉa hè, giờ lan sang đường sắt”, ông Hoạch nói. Theo lãnh đạo VNR, trách nhiệm chính để xử lý tình trạng trên là chính quyền địa phương, nếu địa phương không làm nghiêm sẽ không xử lý được. Còn VNR chỉ là doanh nghiệp, vẫn báo cáo thường xuyên, cắm biển cảnh báo, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Theo ông Hoạch, nếu Hà Nội xác định dọc đường sắt là điểm du lịch, cần phải được lập kế hoạch, quy hoạch và báo cáo Bộ GTVT phương án khai thác, gắn trách nhiệm. Còn nếu để tự phát như hiện nay cần xử lý nghiêm để lập lại trật tự, an toàn. Vì ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của đường sắt, và ngoài giờ tàu chạy cố định theo ngày, vẫn có các hoạt động đường sắt khác, như duy tu bảo dưỡng, nên một số trường hợp chạy không theo giờ. Lãnh đạo VNR cho hay, đoạn đường sắt qua Hà Nội nguy cơ đâm, va, cán, gạt vào người và vật dọc tuyến rất cao, vì dân sống và kinh doanh lấn chiếm đường sắt mật độ dày.
Chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị xử lý
Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch cho hay, Bộ GTVT và Cục Đường sắt vài lần có văn bản gửi Hà Nội xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt. Tuy nhiên, địa phương ra quân xử lý được vài lần, tạm yên 1 thời gian, sau đó đường sắt lại bị tái lấn chiếm. Văn bản của Bộ mới đây cũng chỉ nhắc lại.
Theo Luật Đường sắt, xử lý tình trạng lấn chiếm đường sắt thuộc trách nhiệm địa phương nơi đường sắt đi qua. Tuy tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt diễn ra tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, nhưng theo ông Thạch, chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra lấn chiếm đường sắt. Thậm chí, một số nơi còn cấp đất cả vào hành lang. “Ở các nước cũng chỉ bán hàng quán bên cạnh đường sắt, không ở đâu lấn vào đường sắt, thậm chí ra giữa đường ray ngồi nhâm nhi cà phê bất chấp nguy hiểm như ở Việt Nam”, ông Thạch nói thêm.
Trước đó, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, đoạn đường sắt qua Hà Nội xảy ra tình trạng họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt… nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường sắt.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Hà Nội chỉ đạo các quận có đường sắt đi qua tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm; xử lý dứt điểm các vi phạm, ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.
Khi cấp đất, quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm hành lang đường sắt. Đặc biệt, Hà Nội cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm hành lang, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt...
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2019, đường sắt xảy ra 121 vụ tai nạn, làm chết 101 người, bị thương 41 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 7 vụ (tăng 6,14%), tăng 7 người chết (+7,45%), giảm 8 người bị thương (-16,33%).