Ngày 27/9, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (HĐĐP vùng ĐBSCL) chủ trì Hội nghị điều phối vùng ĐBSCL.
Vướng mắc về "phân cấp, phân quyền"
Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, cho rằng, hiện nay, các địa phương còn vướng mắc rất nhiều về vấn đề phân cấp, phân quyền trong chính sách đặc thù phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cụ thể, theo ông Hải, hiện nay, đối với quốc lộ, cơ chế do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý, duy tu, đầu tư, sửa chữa. Thực tế, nhiều quốc lộ đi qua các địa phương, nằm trong nội ô nhưng do Bộ GTVT quản lý nên địa phương không tham gia được. Việc hư hỏng, xuống cấp diễn ra rất nhanh, rất bức xúc nhưng không được sửa chữa kịp thời, gây tốn tiền ngân sách Nhà nước.
“Chúng tôi kiến nghị giao về địa phương quản lý, duy tu, đầu tư, sửa chữa tuyến quốc lộ, nhưng việc phân cấp giao về địa phương phải giao luôn nguồn lực”, ông Hải nói.
Về nhóm vấn đề chính sách tài chính – đầu tư, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau kiến nghị cần có cơ chế để tháo gỡ bất cập “thu ở chỗ này nhưng nộp thuế chỗ khác”, tức, sản xuất kinh doanh tại địa phương này nhưng thuế đem nộp chỗ khác.
“Tỉnh Cà Mau đang vướng vấn đề này. Khí – Điện – Đạm là cụm công nghiệp thu ngân sách rất lớn nhưng phần lớn thuế đem nộp chỗ khác. Tỉnh trước đây được hưởng nguồn thu này nhưng sau này lại đem nộp chỗ khác thì Cà Mau mất hơn 1.000 tỷ đồng”, ông Hải chia sẻ.
Nói về vấn đề kè bảo vệ bờ biển, ông Hải kiến nghị ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, cần có chính sách xã hội hoá để nhà đầu tư xây kè bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, phải có cơ chế giao đất bên trong, thậm chí cả bên ngoài để nhà đầu tư phát triển kinh tế.
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển vùng ĐBSCL
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Các bộ, ngành có liên quan như: Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng, các vấn đề thực hiện các dự án giao thông liên vùng, vấn đề về nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án liên vùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các địa phương điều phối liên kết hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với những mặt hàng nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây và thủy sản.
Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung về ưu đãi, tác động đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính trong nước các dự án Mekong DPO của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh, Tổ chuyên gia tư vấn và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng.