Hải sản đánh bắt được ngày càng khan hiếm
Dù Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân cá chết bất thường ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa và báo cáo trước ngày 20/9. Nhưng đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân vì sao cá chết bất thường.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Từ ngày 4/9, tại khu vực biển xã Tĩnh Hải (Tĩnh Gia) xảy ra hiện tượng động vật thủy sản tự nhiên trên biển chết. Kết luận điều tra ban đầu của ngành chức năng hiện tượng cá lồng, cá tự nhiên chết tại huyện Tĩnh Gia do tảo nở hoa. Nhưng thực tế vùng biển xã Nghi Sơn và xã Tĩnh Hải mấy chục năm nay chưa hề có hiện tượng tảo nở hoa. “Đến ngày 8/9, số lượng thủy hải sản chết đã giảm. Hiện theo phản ánh của ngư dân xã Tĩnh Hải số lượng hải sản đánh bắt được ngày càng khan hiếm, nhiều loại cá, ghẹ trong tình trạng yếu hoặc sắp chết”, đại diện Sở cho biết.
Xảy ra hiện tượng cá tự nhiên chết, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực địa các mẫu cá, ghẹ chết được vớt trên biển và không có các dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Chi cục Thú y đã lấy 6 mẫu nước gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đo các chỉ tiêu môi trường phát triển thủy sản: độ mặn, pH, hàm lượng oxy hòa tan… Lấy 5 mẫu cá, 1 mẫu ghẹ để xét nghiệm xác định nhiễm khuẩn vibrio và bệnh thần kinh (VNN). Kết quả các mẫu cá, ghẹ đều âm tính.
Ông Thọ cho rằng: Cần sớm công bố kết quả phân tích và kiểm định để không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và sản xuất hải sản. Bởi, nếu chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bà con ngư dân và gây hoang mang trong dư luận. “Chưa có kết luận cuối cùng nguyên nhân cá chết nên chúng tôi cũng chưa thể khuyến cáo để người dân biết cá biển còn sống trong khu vực hiện tại có an toàn hay không. Sở chỉ khuyến cáo người dân ở các địa phương có cá chết hàng loạt cần thu gom cá chết để tiêu hủy, không dùng làm thực phẩm. Không kinh doanh buôn bán cá chết khi chưa rõ nguyên nhân”, ông Thọ nói.
Cá chết bán đi đâu?
Theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng cá chết được ngư dân tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan chức năng rất nhỏ, số còn lại được các thương lái thu mua với giá rẻ.
Anh Nghiêm Văn Thành, công tác ở văn phòng UBND xã Nghi Sơn, người trực tiếp theo dõi vụ việc cá lồng chết bất thường cho biết: “Toàn xã có số lượng cá chết gần 50 tấn, có những gia đình có đến 5 tấn cá lồng bị chết. Dù xã trực tiếp vận động bà con mang cá tiêu hủy bởi cá chết không rõ nguyên nhân. Nhưng xót của, bà con không đồng ý. Thương lái đưa ô tô đến thu gom ngay tại lồng với giá rẻ. Bình thường như cá mú giá 200 - 250 nghìn đồng/kg hôm đó còn có trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Số cá được vận chuyển đi đâu bán chúng tôi không rõ. Số cá xã tiêu hủy được rất ít”.
Còn theo nhiều ngư dân ở thôn Liên Vinh (xã Tĩnh Hải, Tĩnh Gia), cá đánh bắt được phục vụ chủ yếu cho người dân trong vùng. Nhưng từ khi có hiện tượng cá, ghẹ chết, đi đánh được về cũng khó bán hơn trước, bà con phải mang hải sản bán cho thương lái ở xã khác. Chị Hoàng Thị Hải (thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải) cho hay, từ ngày cá, ghẹ chết ở vùng biển Tĩnh Hải khiến chị và nhiều người dân nơi đây không dám mua cá biển về ăn. “Trước khi cá chết gia đình tôi có mua hơn 1 yến hải sản để đông lạnh ăn dần. Nhưng giờ, chưa biết nguyên nhân sao cá chết? Số cá chết được thương lái thu mua đã bán đi đâu? Số cá trên giờ tôi chỉ cho chó, mèo ăn”, chị Hải nói.
Ngày 19/9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đã tiếp và làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm rõ hơn thông tin về 2 sự việc: Tình trạng cá chết ở Tĩnh Gia và việc xả thải của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Chờ kết quả phân tích nguyên nhân cá chết đến bao giờ?
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân cá chết tại huyện Tĩnh Gia.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hôm qua (20/9), Tổng cục Môi trường phải có báo cáo về sự cố cá chết ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa lên Bộ trưởng. Tuy nhiên, cuối chiều qua, trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chưa nhận được báo cáo của Tổng cục Môi trường về sự cố trên.
Theo ông Hà, vấn đề quan trọng nhất để tìm nguyên nhân sự cố là kết quả phân tích mẫu cá, nước của Trung tâm Quan trắc môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các kết quả phân tích vẫn chưa hoàn thiện. Về thông tin bao giờ có kết quả? Ông Hà cho biết, việc này phải chờ kết quả từ phòng thí nghiệm. Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc phân tích mẫu nước, mẫu cá, phía Thanh Hóa đã làm rồi. Vì vậy, để đề phòng trường hợp kết quả phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường khác với kết quả phân tích mẫu của Thanh Hóa thì bộ phải phân tích các mẫu cá, nước một cách chắc chắn, cẩn trọng, kỹ càng.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trước đó tiến hành súc rửa đường ống dẫn dầu thô từ biển vào. Trong quá trình súc rửa đường ống, nhà máy này đã xả trực tiếp ra biển hơn 42.000m3 nước thải chưa qua xử lý.
Nguyễn Hoài