Buýt sông Sài Gòn vì sao lỗi hẹn?

TP - Là hình thức vận tải hành khách công cộng đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhằm giảm tải cho đường bộ nhưng hai tuyến buýt sông từ bến Bạch Đằng, quận 1 đi quận Thủ Đức và khu vực Lò Gốm quận 6, TPHCM vẫn đang “tắc”.
Dự kiến tháng 11 tuyến buýt sông số 1 sẽ chính thức đón khách. Ảnh: Ngô Bình.

Nhiều lần lỗi hẹn

Với mục tiêu phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông ở các tuyến đường cửa ngõ, từ tháng 10/2011, UBND TPHCM đã phê chuẩn chủ trương để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng hai tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông (buýt sông) trên địa bàn thành phố.

Đến ngày 20/7/2015, UBND TPHCM đồng ý cho Cty TNHH Thường Nhật làm chủ đầu tư mở hai tuyến buýt sông. Trong đó, tuyến số 1 có chiều dài 10,8 km, chạy dọc sông Sài Gòn đi qua kênh Thanh Đa, đến khu vực phường Linh Đông, quận Thủ Đức với 10 điểm đón trả khách dọc hai bên bờ sông. Tuyến số 2 có chiều dài 10,3 km, với lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, quận 6. Theo kế hoạch thì hai tuyến buýt sông này sẽ hoạt động vào năm 2016.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến đầu năm 2017 mới bắt đầu thi công tuyến buýt số 1 và dự kiến vận hành thử nghiệm trong thời gian 1 tháng từ 30/6 đến 30/7, chính thức đón khách vào đầu tháng 8. Thế nhưng, đến cuối tháng 8, chủ đầu tư là Cty TNHH Thường Nhật mới hạ thủy tàu buýt đầu tiên và cho vận hành kỹ thuật với thời gian đón khách dự kiến là đầu tháng 10. Đến nay, đã bước sang tháng 11 nhưng thời gian đón khách chính thức của tuyến buýt sông số 1 vẫn chưa được công bố.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Cty TNHH Thường Nhật cho biết, hiện tại Cty đang gấp rút hoàn thành các tàu để phục vụ cho tuyến buýt trên sông Sài Gòn. Tuyến buýt đường sông số 1 vẫn đang được hoàn thiện, các trạm nhà chờ đã hoàn thành xong ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đang được tiến hành. Hiện đơn vị đã hạ thủy 3 tàu phục vụ tuyến số 1. Việc thi công các bến đón trả khách dọc hải trình của buýt sông cũng đang được khẩn trương thi công. Hiện tại, bến Bạch Đằng, Bình An cơ bản đã hoàn thành; bến Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh đang triển khai. Còn bến Linh Đông, do là bến cuối nên sẽ được thi công trễ hơn so với các bến còn lại.

Tháng 11 đón khách?

Sau nhiều lần “lỗi hẹn” với người dân TPHCM, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 cho biết sẽ chính thức vận hành vào tháng 11. “Chúng tôi chưa xác định cụ thể ngày nào nhưng khoảng đầu đến giữa tháng 11 sẽ chính thức đón khách bằng tuyến buýt sông”, ông Toản nói.

Theo ông Toản, nguyên nhân đến nay vẫn chưa thể đưa tuyến buýt sông vào đón khách được là do công tác chuẩn bị vận hành phục vụ hành khách chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, từ khi vận hành thử nghiệm vào cuối tháng 8 vừa qua, đơn vị đã có những điều chỉnh về kỹ thuật để phù hợp hơn với điều kiện thời tiết của TPHCM.

Dự kiến khi đưa vào vận hành, tuyến buýt sông số 1 có hải trình từ bến Bạch Đằng, quận 1 chạy dọc sông Sài Gòn đến khu dân cư SaiGon Pearl, quận Bình Thạnh, đến bến Bình An, Thảo Điền, quận 2, vòng qua bến Tầm Vu, quận Bình Thạnh, ra kênh Thanh Đa đến cầu Bình Triệu, ghé phường Hiệp Bình Chánh và kết thúc ở bến Linh Đông quận Thủ Đức với tổng chiều dài 10,8km.

Tuyến số 1 được đầu tư 5 tàu buýt với sức chở 80 hành khách mỗi tàu. Trong đó có 4 tàu hoạt động liện tục còn một tàu dự bị. Các tàu chở khách được trang bị máy lạnh, áo phao phía dưới ghế ngồi của hành khách, hệ thống thông báo trạm dừng thông minh gắn trên tàu. Giá vé 15.000 đồng/người mỗi lượt. Thời gian di chuyển từ bến đầu đến bến cuối kể cả thời gian đón trả khách là khoảng 30 phút, bằng 2/3 thời gian của buýt đường bộ.

Theo tính toán của chủ đầu tư và cơ quan chức năng, khi đưa vào khai thác, tuyến buýt sông số 1 sẽ giúp giảm tải cho các trục đường chính của cửa ngõ TPHCM đi vào trung tâm quận 1 nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe. Sở GTVT TPHCM cho hay, tình hình ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Hiện nay vận tải hành khách công cộng dựa vào xe buýt, taxi mới chiếm 10%. Mục tiêu đến 2020 được 20%. Trong đó, xe buýt và taxi chiếm từ 10-17%. Còn lại 3% kỳ vọng vào tuyến đường sắt đô thị số 1 và đường thủy nội đô. Tuyến buýt sông số 1 đưa vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong bài toán “giải cứu” ùn tắc đường bộ. Bên cạnh đó còn góp phần kết nối, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa của TPHCM.

Ông Phạm Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TPHCM cho biết, sau lần trễ hẹn vào tháng 10, cơ quan chức năng và chủ đầu tư sẽ cố gắng thi công các hạng mục để đưa tuyến buýt sông số 1 vào khai thác từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khai thác sẽ có một số thứ chưa hoàn thiện như: các nhà chờ mới có mái che tạm, chưa có hệ thống điều hòa, các bãi đậu xe chưa bằng phẳng, đẹp đẽ như mong muốn.

“Mong muốn của TPHCM là đưa tuyến buýt sông vào khai thác trong tháng 6. Tuy nhiên, do vướng một số thủ tục như thu hồi đất đai nên quá trình thực hiện dự án không như mong muốn khi nhà đầu tư vừa làm vừa hoàn thiện các thủ tục”, ông Bằng nói.

Ngoài tuyến buýt sông số 1, dự kiến đầu năm 2018 tuyến buýt sông số 2 đi từ Bạch Đằng - Lò Gốm dài khoảng 10,3 km, chạy dọc theo sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ sẽ được khởi công. Tuyến buýt sông số 3 từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ, quận 7 và tuyến số 4 từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7 cũng đã được UBND TPHCM phê duyệt.