Vũng Tàu đón khoảng 92.000 lượt du khách. Chiều 11/4, báo cáo nhanh của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, năm nay lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào chủ nhật nên người lao động được nghỉ 3 ngày. Cũng nhờ vậy, lượng khách nghỉ trong dịp này đã tăng gấp 3 so với năm 2021. Cụ thể, từ ngày 9 đến 11/4, Vũng Tàu đón khoảng 92.000 lượt du khách, trong khi đó năm 2021 là 31.000 lượt.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận du lịch thành phố đang có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Đây cũng là bước tạo đà cho mùa cao điểm du lịch vào cuối tháng 5.
Do lượng khách đông nên nhiều “sự cố” vẫn xảy ra ở Vũng Tàu.Lực lượng cứu hộ Vũng Tàu đã cứu được 9 du khách bị sóng cuốn xa bờ, trao trả 17 trẻ bị lạc về cho gia đình; lực lượng công an tăng cường kiểm tra, chốt chặn bảo vệ du khách, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh công cộng cũng như xử phạt nhiều trường hợp mang đồ ăn đến ăn tại bờ kè, công viên, bãi biển…
Trong khi đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, từ ngày 10/4, công suất sử dụng phòng bình quân tại các cơ sở lưu trú du lịch từ 1-2 sao đạt khoảng 50%, từ 3-5 sao đạt công suất phòng khoảng 90-95%. Giá phòng dịp lễ phụ thu từ 10-25%, một số đơn vị không phụ thu thì áp dụng chính sách của ngày thứ 7 và chủ nhật. Đa phần các đơn vị đều thiết kế các combo trọn gói gồm phòng ở, ăn uống… cho du khách lựa chọn, đồng thời tổ chức tiệc buffet với thực đơn đa dạng của ẩm thực miền biển.
Các địa điểm du lịch ở miền núi cũng như các huyện đồng bằng, ven biển tại Thanh Hóa đều có lượng du khách đông trong các ngày nghỉ lễ.
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban quản lý (BQL) khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) cho biết: Trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương khu di tích đón khoảng 8.100 lượt khách đến tham quan. Lượng khách đông, song do chuẩn bị sẵn sàng từ trước cộng với công nghệ thuyết minh tự động, ứng dụng du lịch thực tế ảo MobiFone Smart Travel đã giúp công tác đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo, chuyên nghiệp.
Tại thành phố Sầm Sơn, tối 10/4, đã diễn ra Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái năm 2022, khởi động mùa du lịch hè Sầm Sơn. Lễ hội diễn ra từ ngày 7/4 đến 11/4 với nhiều hoạt động đặc sắc. Năm 2022, thành phố Sầm Sơn đặt mục tiêu đón trên 3,5 triệu lượt khách, phục vụ 8,2 triệu hành khách, doanh thu du lịch đạt 3.150 tỷ đồng.
Nghệ An: Cửa Lò đón hơn 60.000 du khách. Chỉ trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, phố biển này đã đón hơn 60.000 lượt khách du lịch về tắm mát, nghỉ dưỡng.
Tối 8/4, thị xã Cửa Lò chính thức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò 2022. Từ chiều tối, các ngả đường đến với phố biển này đều tắc nghẽn bởi dòng người đổ về với đêm khai hội. “Đã lâu lắm rồi mới thấy Cửa Lò náo nhiệt, du khách đông nghịt các ngả đường như vậy”, chị Nguyễn Thị Quy (chủ một nhà hàng ven biển Cửa Lò) nói. Theo chị Quy, phần lớn các hoạt động du lịch ở Cửa Lò dừng hoạt động suốt 2 năm qua do dịch bệnh. Bởi thế, các hộ kinh doanh ven biển như chị cũng hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có vài khách nên chẳng mấy ai muốn mở cửa. Dịp này du lịch mở cửa trở lại, người dân dần thích nghi với dịch nên kỳ vọng du lịch Cửa Lò cũng sẽ quay lại nhịp sống vốn có của nó.
Sau lễ khai mạc hoành tráng, hàng chục ngàn du khách tiếp tục về với phố biển Cửa Lò, chỉ riêng trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (từ 9 đến 11/4), Cửa Lò đã đón và phục vụ hơn 60.000 du khách, chủ yếu là khách trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
So với các năm trước, năm nay mùa du lịch Cửa Lò được khai mạc sớm hơn gần 1 tháng với kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi du lịch biển Cửa Lò. Năm 2022, đô thị du lịch biển Cửa Lò dự tính đón 1,6 triệu lượt khách, trong đó có hơn nửa triệu lượt khách lưu trú, doanh thu từ dịch vụ du lịch dự kiến đạt 1.522 tỷ đồng.
Đà Nẵng đón gần 78.000 du khách: Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận du lịch thành phố đang có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Đây cũng là bước tạo đà cho mùa cao điểm du lịch vào cuối tháng 5.
Trong dịp ba ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Đà Nẵng đón gần 78.000 du khách tham quan, du lịch. Trong đó lượng khách theo các đường bay khoảng 39.000 người với 262 chuyến bay (6 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan và 256 chuyến bay nội địa từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Đà Lạt, Pleiku, Cần Thơ, Phú Quốc). Lượng khách đến Đà Nẵng bằng đường bộ từ các tỉnh, thành khác cũng tăng đáng kể.
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, công suất phòng khối khách sạn 4-5 sao đạt khoảng 50-60%, trong đó khách sạn ven biển khoảng 70-90%. Một số khách sạn kín phòng trong hai ngày 9 và 10/4. Các khu điểm vui chơi cũng đông đúc, với hơn 55.000 lượt người. Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón khoảng 18.500 khách, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài khoảng 9.000 khách, Công viên nước Mikazuki khoảng 4.000 khách, Danh thắng Ngũ Hành Sơn khoảng 4.500 khách.
Khánh Hòa đón hơn 55.000 du khách. Ngày 11/4, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết tổng lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng trong 3 ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 55.400 lượt, trong đó có khoảng 1.000 du khách nước ngoài. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 223 tỷ đồng.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, các khách sạn trên 3 sao đã mở cửa hoạt động trở lại trong dịp lễ này, công suất buồng phòng đạt bình quân 84%.
Từ ngày 8 đến 11/4, mỗi ngày có khoảng 32 chuyến bay nội địa đến sân bay Quốc tế Cam Ranh, bình quân 200 khách/chuyến. Ngành đường sắt cũng tăng cường thêm 3 đoàn tàu trên tuyến Sài Gòn - Nha Trang.
Những hạt sạn khiến du khách thất vọng
3 ngày nghỉ lễ, các địa phương vui mừng khi lượng khách khắp nơi đổ về tăng đột biến sau hơn 2 năm COVID-19. Thế nhưng, những hạt sạn nhỏ như giá phòng tăng, dịch vụ ăn uống cũng tăng giá, lượng người dồn quá đông tại điểm du lịch khiến giao thông tắc nghẽn... đã làm không ít du khách thất vọng.
Anh Minh Anh (Hải Dương) đưa gia đình lên Hà Nội chơi ngày nghỉ lễ. Điều anh Minh Anh ngỡ ngàng nhất là khi gửi xe ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm anh phải trả tới 50.000 đồng/xe. Những món ăn vặt, chai nước bán quanh bờ hồ cũng đắt gấp đôi bình thường. Một chai nước khoáng 20.000 đồng; xoài: 20.000 đồng/túi...
Nhưng anh Minh Anh bức xúc nhất khi vào quán phở trên phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm) ăn trưa. Biển quán đề 32.000 đồng/bát phở nhưng khi ăn phải trả lên tới 70.000 đồng/bát. “Do quán quá đông nên lúc thanh toán chủ quán còn tính nhầm thêm cho tôi một bát. Không nói lại được chủ quán nên tôi mất thêm một phần không ăn. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi ăn quán này khi đi du lịch ở Hà Nội”, anh Minh Anh nói.
Du khách và người dân Hà Nội vui chơi tại Công viên Yên Sở dịp nghỉ lễ Giỗ Tổảnh: Duy Phạm
Còn chị Nguyễn Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa đưa gia đình đi nghỉ ở Hạ Long về không khỏi bức xúc vì những dịch vụ quá tải nơi đây. “Dù vẫn còn phòng nhưng khi gọi đến khách sạn đặt phòng, tôi phải chấp nhận trả giá phòng lên tới 2,7 triệu đồng/ngày, giá gấp đôi so với ngày thường. Thế nhưng vì sau COVID-19, khách sạn chưa đủ người phục vụ nên chất lượng không được như mong muốn”, chị Hoa nói.
Còn chị Thu Loan (Hải Phòng) vừa đi du lịch Nha Trang 3 ngày 2 đêm về chia sẻ: “Nhiều nhà hàng vẫn chưa hoạt động nên kiếm quán ăn cũng khó. So với bình thường, giá ăn uống đắt gấp 2, 3 lần dù nhà hàng đã đề biển giá các hải sản. Đây là chuyến du lịch xa đầu tiên của gia đình tôi sau hơn 2 năm COVID-19 nên dù giá có đắt hơn bình thường tôi cũng chấp nhận”.
(Ngọc Mai)