Bức vẽ thời chiến của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông gây xúc động mạnh

TPO - Cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông đóng góp tranh trong bộ ba tập ký họa Miền Nam Việt Nam - Đất nước, con người, được Nhà xuất bản Giải Phóng phát hành năm 1967. Bộ tranh đã được Bác Hồ chỉ đạo mang đi giới thiệu, triển lãm tại Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và các nước ủng hộ Việt Nam.

Triển lãm tranh Hành trình Huỳnh Phương Đông đang được gia đình cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông và các đơn vị chức năng thực hiện tại Nhà trưng bày triển lãm TPHCM, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đồng thời kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ. Ảnh: Ngô Tùng

Triển lãm trưng bày khoảng 300 bức vẽ tuyển chọn từ gần 3.000 tác phẩm đa dạng đề tài và chất liệu được họa sĩ Huỳnh Phương Đông sáng tác trong suốt sự nghiệp cầm cọ, đặc biệt là những năm tháng khói lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Bằng tất cả vật dụng có thể tìm thấy trên chiến trường, ông đã tái hiện chí can trường, sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội qua hai cuộc kháng chiến anh dũng và cả trong những năm tháng hòa bình đổi mới.

Những ký họa ám mùi khói súng, lấm bụi hành quân... đi qua tháng năm đã trở thành tư liệu quý để chính tác giả dựng nên những bức sơn dầu lớn. Có thể kể đến những tác phẩm gắn với trận đánh in sâu vào lịch sử như trận cầu Chữ Y, trận giải phóng Lộc Ninh. Trong số đó 3 tác phẩm Trận La Ngà, Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Bên cạnh đó, họa sĩ - chiến sĩ Huỳnh Phương Đông cũng quan tâm ký hoạ cảnh sinh hoạt đời sống. Qua tranh của ông, công chúng thấy ở trong chiến khu vẫn có những buổi hội họp, học hành và đời sống sinh hoạt cũng khá sôi nổi.

Bức vẽ tái hiện khoảnh khắc lịch sử của dân tộc ta: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với bút tích của tác giả Ngày vui mừng quê hương giải phóng.

Một trong những dấu ấn trong sự nghiệp cầm cọ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông là bản in bộ ba tập ký hoạ Miền Nam Việt Nam - Đất nước, con người, được Nhà xuất bản Giải Phóng phát hành năm 1967. Bộ postcard này là tổng hợp những tác phẩm của 6 họa sĩ: Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương, Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải và Nguyễn Văn Kính. Bộ ký họa khắc họa sinh động chân dung những người con miền Nam kiên cường, bất khuất, cảnh sinh hoạt và các hình thức chiến đấu của quân ta, phong cảnh đẹp của miền Nam cũng như những bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Bộ tranh đã được Bác Hồ chỉ đạo mang đi giới thiệu, triển lãm tại nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và các nước ủng hộ Việt Nam.

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông từng kể khi tranh được gửi ra miền Bắc để triển lãm, Bác Hồ rất xúc động khi xem tranh. Bác xem rất kỹ, Bác cúi người, ghé sát mắt đọc từng dòng lưu bút trên tranh. Từ bức ảnh Bác Hồ đang xem tranh ký họa chân dung của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, do nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp, năm 2009, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã vẽ lại bức ảnh này, chuyển thể từ ảnh sang tranh sơn dầu. Trong ảnh là nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TPHCM cùng bà Lê Thị Thu (người bạn đời của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông) xem bức vẽ ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đang xem tranh ký họa của tác giả Huỳnh Phương Đông.

Trong thời chiến khốc liệt, Huỳnh Phương Đông luôn cố gắng vẽ thật nhiều chân dung của đồng đội, bởi ông sợ mình không còn cơ hội vẽ nữa. Trên thực tế, có những gương mặt trong tranh của ông, bức chân dung vừa hoàn thành, thì ít giờ sau đã nghe người đó hy sinh trên chiến trường.

Cũng trong khói lửa chiến cuộc, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã giữ gìn, bảo vệ tranh của mình bằng cách cho vào các thùng đạn và chôn dưới đất để rồi về sau quay lại tìm. Tuy nhiên trong điều kiện chiến tranh thì tranh ông cũng bị thất lạc đi nhiều.

Khi đi công tác xa, ông cũng thường gửi thùng đạn này cho vợ mình cất giữ.

Bà Nguyễn Thị Thiên (69 tuổi) nói những tác phẩm đã gợi trong bà nhiều cảm xúc và sự trân quý. Triển lãm đã cho thấy được sự lao động miệt mài của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, ông đi tới đâu là ghi dấu ấn tới đó, đi tới đâu là khắc họa được những hình ảnh, dấu tích, con người lịch sử nơi đó gắn với các giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Cùng đồng đội đến xem triển lãm, Thiếu tá Huỳnh Quốc Thái - Chính trị viên phó Tiểu đoàn Vệ binh kiểm soát quân sự 31, Bộ Tư lệnh TPHCM - nói rằng những bức tranh đã cho thấy được tinh thần cố gắng vì nghệ thuật của người họa sĩ - chiến sĩ.

“Dù trong quá trình kháng chiến có nhiều vất vả, hy sinh nhưng họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn khắc vẽ được bối cảnh lịch sử trong thời chiến để người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay nhìn lại những hình ảnh quý báu”, anh Thái chia sẻ và cho rằng chính điều này cũng thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố luôn ra sức học tập, noi gương các anh hùng liệt sĩ và những bậc tiền nhân.

Bà Lê Thị Thu - bạn đời của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông nhìn nhận chồng bà đã có một cuộc đời viên mãn, trọn vẹn với nghiệp vẽ. Bà Thu bày tỏ một điều đáng tiếc trong cuộc đời của chồng là ông chưa bao giờ có cơ hội để nhìn lại một cách trọn vẹn sự nghiệp của mình với quy mô lớn. Và chuỗi triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông chính là món quà mà gia đình dành tặng người chồng, người cha yêu quý nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông.

Triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông diễn ra ở TPHCM từ ngày 1/4 đến 28/5 và tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 11/4 đến 30/4. Ảnh: Ngô Tùng.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015), tên khai sinh là Huỳnh Công Nhãn, sinh tại Gia Định (nay là TPHCM), quê gốc ở Sóc Trăng. Ông là một họa sĩ - chiến sĩ đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với hơn 70 năm miệt mài lao động sáng tạo, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã để lại một kho tàng di sản nghệ thuật quý giá gồm hàng nghìn tác phẩm.