> Xe chính chủ: Bộ GTVT bác xử phạt, Bộ Công an quyết bảo lưu
> Bộ GTVT bác xử phạt xe không chính chủ
Sẽ có người mừng rỡ trước quan điểm của Bộ GTVT xin tạm dừng đưa vào dự thảo mới nhất quy định xử phạt phương tiện chưa sang tên đổi chủ (bị phạt cao nhất 4 triệu đồng, không nhận được đa số đồng thuận).
Không ai biết quy định phạt “xe chính chủ” có từ năm 1995 do Bộ Công an đề xuất và nó tồn tại cứ như không cho tới khi một ngày đẹp trời, người dân bị CSGT ách lại hỏi và xoè phiếu phạt.
Đã thấm đủ búa rìu dư luận, Bộ GTVT lần này khẳng định: Hệ thống văn bản chưa thống nhất, người dân chưa đồng thuận thì dừng để lấy
ý kiến tiếp.
Bộ Công an đương nhiên với quan điểm không đồng tình vì nhiều lý do (chắc vì thế mới đề xuất từ năm 1995). Nhưng cứ hình dung, việc một điều tra viên đi truy nguồn gốc vụ án mà phương tiện (của đối tượng tình nghi) trải qua quá nhiều đời chủ (xe), mệt mỏi đến chừng nào.
Chưa nói gì tới chuyện hiện đại hóa việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ qua hình ảnh (phạt nguội: chụp biển số, trừ tiền phạt qua tài khoản...). Chính vì thế, hai thông tư hướng dẫn xử phạt không sang tên đổi chủ của Bộ Công an ra đời như một sự sốt ruột. Đến nỗi có thông tư tuổi thọ chỉ vài tháng (trong nghị định xử phạt mới đang soạn thảo).
Người dân, bây giờ có cách thể hiện bằng cách quăng “gạch, đá” thông qua những lời bình luận trên mạng. Người dân không cần biết các cơ quan chức năng họp bàn gì, nhưng luật không phục vụ đa số thì phục vụ ai.
Có những quy định (như xe chính chủ) chỉ có nhà soạn luật biết với nhau; có quy định ai cũng biết (phạt hút thuốc lá nơi công cộng), nhưng không thực hiện nổi.
Thực tế, “xe chính chủ”, phạt mũ bảo hiểm rởm, phí bảo trì đường bộ... không phải chuyện âm thầm của 2 bộ trên. Chả lẽ, nhiều bộ ngành khác không liên thông với nhau, hoặc khi xin ý kiến không nhận ra điều gì bất cập với người dân. Ít nhất, các bộ liên quan nên công khai quan điểm trước khi lấy ý kiến người dân. Người dân có thể nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chắc chắn chỉ có một quan điểm: Luật phải phù hợp với thực tiễn, với đại đa số.
Trong “bữa tiệc quan điểm” hôm nọ, có thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định (đại diện của ngành Công an) khi đến lượt phát biểu, câu đầu tiên là thắc mắc không biết nội dung cuộc họp.
Có thành viên khác, 5 buổi họp, chỉ tham gia 2. Suy cho cùng, đây chỉ là “tiệc” nhỏ. Có những “tiệc” lớn, hy vọng những quan điểm đưa ra cần đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và quan trọng nhất là tính nhân dân.