Bốn Bộ chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng

TP - Tại cuộc họp giao ban của Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) với các bộ ngành hôm qua ( 19-5) cho thấy, bên cạnh những đơn vị quyết liệt với đơn giản hóa thủ tục hành chính, một số bộ lại chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này.
Nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng( Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh

> Bất cập nhập khẩu Thủ đô

Nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Chưa coi trọng kiện toàn nhân sự

Mặc dù đến 30-6 là thời hạn để các bộ, ngành phải hoàn thành xong việc đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình theo Nghị quyết của Chính phủ, song đến nay, tổng số thủ tục được thực thi mới đạt 34%. Kết quả này rất đáng lưu tâm trong bối cảnh công tác nhân sự ở một số bộ chưa được chấp hành nghiêm túc.

Theo quy định, tất cả các bộ, ngành phải thành lập phòng kiểm soát thủ tục hành chính và đơn vị này trực thuộc văn phòng bộ. Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch lại không đưa phòng này vào đúng cơ cấu quy định.

Đặc biệt Bộ Công an và Bộ Quốc phòng còn chưa thành lập đơn vị như đúng tên gọi của nó là phòng kiểm soát thủ tục hành chính. Giải thích việc này, đại diện phía Bộ Quốc phòng cho biết, lãnh đạo bộ rất quyết liệt thực hiện kiện toàn nhân sự cho bộ phận trên nhưng không hiểu sao “cứ lên đến Văn phòng Bộ lại bị tắc”.

Còn phía Bộ Công an cho biết, đang thúc đẩy việc bố trí nhân sự nhưng băn khoăn về ý tưởng kết hợp bộ phận tham mưu với kiểm soát thủ tục hành chính liệu có được không? Trong khi đó, tại một số bộ, ngành đã thành lập bộ phận này, số lượng nhân sự lại rất ít, thậm chí có nơi chỉ có 1 người mà khối lượng công việc rất nhiều.

Công khai dân mới được lợi

Đến ngày 18-5, mới có 4 bộ, ngành gồm: Tài chính, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Ngân hàng Chính sách Xã hội cập nhật kịp thời việc công bố thủ tục hành chính lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Còn lại 20 bộ, ngành khác chưa làm được việc này.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính nói: Chỉ khi nào việc công khai được thực hiện nghiêm túc, người dân, doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi từ kết quả này.

Đáng chú ý, việc công bố địa chỉ tiếp nhận xử lý phản ánh những kiến nghị của cá nhân, tổ chức ở một số bộ cũng có vấn đề, khiến dân chưa thấy tiện ích khi muốn phản ánh những bất cập trong thủ tục hành chính có liên quan.

Tại cuộc giao ban này, nhiều đại diện các bộ, ngành đưa ra kiến nghị: Những thủ tục hành chính nào phải hủy bỏ như yêu cầu trong nghị quyết của Chính phủ trước đây nhưng nay đã nằm trong chương trình sửa luật liên quan thì không thực hiện mà chờ Quốc hội thông qua luật. Đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính ghi nhận nội dung này.

Cùng với việc chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực thi công tác đơn giản hoá thủ tục hành chính, ông Ngô Hải Phan cũng lưu ý đại diện các bộ, ngành : Không loại trừ những đơn vị soạn thảo thủ tục hành chính thường có xu hướng bảo vệ lợi ích của mình, làm chậm lộ trình cải cách thủ tục hành chính, nên vấn đề cốt lõi ở đây còn là đạo đức của cán bộ.

10 năm cải cách, vẫn chậm

Tại hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính ở Việt Nam 2001 – 2010” được tổ chức tại TP.HCM ngày 19-5, nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình không hoàn thành đúng kế hoạch.

Qua 10 năm thực hiện, ngoài thành tích nổi bật là thực hiện Đề án 30 (giai đoạn 1), cả nước thống kê được trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê, nhìn chung tốc độ cải cách hành chính còn chậm, chưa đạt được so với mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với yêu cầu, quy mô đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp đã tạo nên những trở ngại lớn cho việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. PGS-TS Hà Thị Ngọc Oanh (Học viện Hành chính) cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn than phiền về tình trạng chậm trễ trong cấp phép dự án đầu tư. “Khi nộp hồ sơ vào, nhà đầu tư nhận phiếu hẹn 30 – 45 ngày. Khi quay lại, nhà đầu tư lại bị yêu cầu bổ sung hồ sơ. Nộp bổ sung xong, lại bị hẹn thêm 30 – 45 ngày nữa” – bà Oanh nói.

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều chỉ ra rằng, việc thực hiện cải cách hành chính còn chậm trễ là do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu, tình trạng quan liêu, lãng phí còn nghiêm trọng.

TS Trần Trí Trinh (Học viện Hành chính) nói: “Với một đội ngũ công chức hành chính “chân ngoài dài hơn chân trong” để kiếm thêm thu nhập thì việc muốn bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch tương đối khó.

Theo Báo giấy