Bơm vốn khai thác hải sản: Địa phương, ngư dân...sốt ruột!

TP - Báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) tính đến 31/8/2014, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản toàn quốc ước đạt khoảng 55.500 tỷ đồng. Triển khai Nghị định 67 về bơm vốn cho khai thác hải sản xa bờ, riêng 5 NHTM Nhà nước đã cam kết dành 14 nghìn tỷ đồng cho vay. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập từ thực tế mà địa phương cần hỗ trợ gấp.

Nghị định 67 hướng đến đích hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Ảnh: NQ

Vay đóng tàu không qua môi giới


Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngành Ngân hàng cam kết đảm bảo đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân đóng mới trên 2.000 tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Thời gian qua, các NHTM và đặc biệt là các NHTM Nhà nước đã tích cực triển khai thực hiện Nghị định 67 như xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn thực hiện chính sách cho vay, riêng 5 NHTM đã cam kết dành 14 nghìn tỷ đồng để cho vay chương trình này.

“Các NHTM đang tích cực trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn; đảm bảo người dân được vay trực tiếp tại ngân hàng, nhằm hạn chế tối đa việc vay vốn đóng tàu thông qua môi giới tín dụng. Đồng thời, hệ thống ngân hàng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi kịp thời những thắc mắc của người dân, xử lý nghiêm minh cán bộ ngân hàng vi phạm…” - ông Đông cho biết.

Ông Tiết Văn Thành, Quyền Tổng giám đốc Agribank thì cho biết: Hiện các chi nhánh Agribank ở giáp biển đã tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank. “Agribank dự kiến dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67, riêng trong năm 2014 phấn đấu giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank hiện đạt 29.755 tỷ đồng”, ông Thành nói.

Mong “chạy tốt” như Honda67

Theo ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phương thức triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân của ngành ngân hàng thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, tạo niềm tin cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển. “Về phía tỉnh, chúng tôi cam kết tích cực triển khai các công việc, phối hợp cùng hệ thống ngân hàng và các bộ, ngành để sớm triển khai NĐ 67 trên địa bàn tỉnh”, ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho hay tỉnh này đã tổ chức Hội nghị triển khai NĐ 67, đăng ký với Bộ NN&PTNT phân bổ số lượng đóng mới, cải hoán...dự kiến nhu cầu vốn đầu tư 642 tỷ đồng. ”Đến nay, đã có 22 khách hàng là ngư dân và doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên đăng ký vay vốn chương trình với tổng vốn trung và dài hạn dự kiến hơn 131 tỷ đồng, trong đó, khách hàng đăng ký đóng mới 7 tàu vỏ sắt, 12 tàu vỏ gỗ, cải hoán 5 tàu”- Ông Ân nhấn mạnh. 

Tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Phùng Tấn Viết lại lưu ý Thông tư hướng dẫn chưa làm rõ khái niệm thế nào là hoạt động khai thác hải sản xa bờ, có khả năng tài chính, đang hoạt động nghề cá hiệu quả. “Cần làm rõ khái niệm này với tiêu chí và điều kiện cụ thể để tránh việc các ngân hàng và tỉnh triển khai phê duyệt danh sách và cho vay không đúng mục tiêu và chủ trương”- Ông Viết nói đồng thời đề đề xuất Bộ NN&PTNT sớm công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ sắt; Bộ Tài chính công bố các đơn vị bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm theo NĐ 67 để ngư dân biết.

Chia sẻ với sự mong mỏi và sốt ruột của các địa phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhìn nhận: Rõ ràng Nghị định 67 ra đời rất “đúng” và “trúng” khi hướng đến đích hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, về triển khai Thống đốc cũng lưu ý: ngoài thu hồi được nguồn vốn cho vay ra, ngân hàng còn phải cố gắng gia tăng lợi ích kinh tế cho các địa phương. Liên tưởng “con số” của Nghị định 67 tới hình ảnh chiếc xe Hon Da 67, Thống đốc ví von: chiếc Hon Da 67 chạy rất bền bỉ, và đến nay nhiều người còn sử dụng. Vì vậy, khi triển khai Nghị định 67 cần lưu ý tới tính bền vững, không thể “ăn xổi ở thì”, mà phải xác định đây là chủ trương bền chặt, lâu dài.

Tính đến 31/8/2014, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản toàn quốc ước đạt khoảng 55.500 tỷ đồng trong đó dư nợ cho vay tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực thủy sản (giãn nợ tối đa 24 tháng, cho vay mới lãi suất ngắn hạn bằng VNĐ tối đa 8%) đạt 38.491 tỷ đồng, tăng 7,32% so với 31/12/2013. Hiện NHNN đã yêu cầu các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, tôm về xem xét cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng, khoanh nợ tối đa 03 năm và khuyến khích cho vay mới.