Cụ thể, cử tri huyện Vĩnh Lộc cho rằng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong vùng lõi Di sản Thế giới Thành nhà Hồ được Trung tâm bảo tồn mượn có thời hạn (đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân 3,5 ha) để phục vụ khai quật, khảo cổ.
"Sau khi hoàn thành việc khảo cổ, san lấp, trả lại mặt bằng cho nhân dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp, diện tích nói trên thực tế tiếp tục sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn cho nhân dân canh tác hoặc không thể sản xuất được", cử tri huyện Vĩnh Lộc kiến nghị.
Thành nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá độc đáo còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Thành nhà Hồ ước tính sử dụng 20.000 m3 đá, gần 100.000 m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần Hoàng thành (nội thành), Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50 m, có tác dụng bảo vệ nội thành và La thành là vòng ngoài cùng.
Bộ VHTTDL cho biết việc tiến hành khai quật khảo cổ khu vực lõi Di sản Thế giới Thành nhà Hồ được thực hiện theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 12/8/2015.
"Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các dự án khai quật khảo cổ và có phương án giải tỏa đền bù phù hợp yêu cầu bảo vệ di tích, đáp ứng nhu cầu của nhân dân đang sinh sống trong khu vực di sản, đồng thời tiến hành cắm mốc giới di tích, thực hiện lộ trình thu hồi đất các dự án đầu tư", Bộ VHTTDL phản hồi.
Cũng trong công văn của cử tri tỉnh Thanh Hóa, cử tri huyện Thọ Xuân đề nghị Bộ VHTTDL tham mưu trình Chính phủ tiếp tục quan tâm có kế hoạch mở rộng khảo cổ Khu di tích lịch sử Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, nhằm sớm được Nhà nước công nhận và có phương án trùng tu, tôn tạo phục vụ văn hóa, tín ngưỡng, phát triển du lịch, tạo thành chuỗi du lịch di tích lịch sử Lê Hoàn - Lam Kinh và Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL thông báo ngày 21/10/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2685/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường thuộc xã Thuận Minh và xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả thăm dò (74 m2) và khai quật (220 m2) bước đầu đã có những thông tin cơ bản về khu di tích. Tuy nhiên, việc mở rộng khai quật khảo cổ để phục vụ công tác nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học do UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan có chức năng xây dựng hồ sơ khai quật mở rộng, trình Bộ VHTTDL xem xét theo quy định.
"Thông qua kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ, các cơ quan chức năng của tỉnh (Sở VHTTDL Thanh Hóa, UBND huyện Thọ Xuân) sẽ xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét theo quy định để đưa khu di tích Hành cung Vạn Lại - Yên Trường trở thành một điểm trong chuỗi du lịch di tích lịch sử Lê Hoàn - Lam Kinh của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa", Bộ VHTTDL nêu.
Theo sử sách ghi lại, xã Xuân Châu, Thọ Minh (nay là xã Thuận Minh) và Thọ Lập thuộc vùng đất Vạn Lại - Yên Trường - nơi nhà Lê trung hưng lựa chọn để xây dựng kinh đô, khôi phục triều Lê. Năm 1546, với con mắt của nhà chiến lược quân sự, Thái sư Trịnh Kiểm tìm đến sách Vạn Lại để lập hành điện. Năm 1553, hành điện được dời đến vùng đất Yên Trường.
Trong khoảng 50 năm, Vạn Lại - Yên Trường thực sự đóng vai trò là kinh đô của nhà Lê trung hưng. Do vị trí và tính chất là kinh đô của một vương triều thời đầu nhà Lê trung hưng, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được xây dựng đầy đủ của một kinh đô như cung đình, đàn tế Nam Giao, trường thi, phố xá, quán hàng...