Bộ Tư pháp quản lý nhà tạm giam, tạm giữ?

TP - Ngày 2/12, thảo luận về định hướng xây dựng dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, có đại biểu nói rằng, để chống bức cung, nhục hình, nhiều nước trên thế giới không giao cho Bộ Công an quản lý nhà tạm giam, tạm giữ. Có đại biểu đề xuất cho luật sư sớm tham gia tiến trình tố tụng.
Những người bị tước tự do rất dễ bị tra tấn. Ảnh minh họa

Đừng sợ làm khó cơ quan điều tra

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, trước đây đã có ý kiến thảo luận nên để Bộ Công an hay Bộ Tư pháp quản lý các trại nhà tạm giữ, tạm giam. “Các nước trên thế giới cho rằng, nếu để Bộ Công an quản lý nhà tạm giữ, tạm giam, thì họ sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể giao cho Bộ Tư pháp quản lý được, dù thời gian qua cũng xảy ra một số vụ bức cung, nhục hình gây bức xúc dư luận”, ông Vinh nói.

Ông Vinh đề nghị, việc xây dựng dự thảo luật phải phù hợp quyền con người nêu trong Hiến pháp và một số công ước quốc tế về quyền con người mà chúng ta đã tham gia. GS Lê Văn Hòe, Viện Nhà nước Pháp luật, cho rằng, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nhà tạm giữ, tạm giam cũng có nghĩa là để phục vụ tốt hơn cho cơ quan điều tra, chứ không phải là gây khó khăn. Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ ràng các quyền hạn chế đối với người bị tạm giam, tạm giữ như thế nào. Chứ nếu chỉ quy định họ có quyền khiếu nại, tố cáo thì chưa đủ, vì những cái đó thường chỉ diễn ra khi vi phạm đã hoàn tất. “Khi họ đang bị bức cung, nhục hình thì họ có quyền gì không, cái đó cũng phải quy định rõ vào trong luật”, GS Hòe nói.

Xử nghiêm cán bộ vi phạm

Theo TS Vũ Công Giao, Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, trong hoạt động tố tụng hình sự, vi phạm quyền con người chủ yếu xảy ra trong giai đoạn điều tra. Chính vì vậy, quyền không bị tra tấn, ngược đãi hoặc trừng phạt khác là quyền tuyệt đối. Nhiệm vụ của Nhà nước là ngăn chặn tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục. Tất cả các quan chức thực thi pháp luật đều bị cấm thực hiện, xúi giục, tham gia, dung túng hoặc làm ngơ việc tra tấn, ngược đãi hoặc trừng phạt khác. 

“Những người bị tước tự do rất dễ bị tra tấn hoặc đối xử, vô nhân đạo hay hạ nhục, bao gồm cả trước và trong khi thẩm vấn. Thông tin lấy được bằng các phương pháp như vậy phải bị loại trừ khỏi các bằng chứng”, ông Giao nói. Theo ông Giao, từ tháng 11/2009 đến tháng 1/2013, có ít nhất 20 trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ hoặc bị tạm giam tử vong tại trụ sở công an, nhà tạm giữ, nhưng rất ít cán bộ thi hành pháp luật bị khởi tố. 

Ông Giao đề nghị, dự thảo luật cần được bổ sung các quy định tạo thuận lợi cho người bào chữa tham gia sớm vào tiến trình tố tụng, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Có quy định tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội đối với việc tạm giữ, tạm giam. Ông Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước Pháp luật, đề nghị quy định rõ khi để xảy ra bức cung, nhục hình tại nơi tạm giữ, tạm giam thì trách nhiệm thuộc về ai. 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, việc xây dựng mô hình tạm giữ, tạm giam như thế nào là rất quan trọng. Để chống bức cung, nhục hình, nguyên tắc là phải bảo đảm khách quan trong cơ quan quản lý nhà tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra.