Phát biểu tại Quốc hội chiều 25/7, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, trong giai đoạn khó khăn này, sự sẻ chia, ủng hộ của Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế, để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.
“Ngành Y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để sớm khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ tiếp tục hứng chịu làn sóng mới của dịch bệnh với một biến thể có sức lây lan nhanh, mạnh chưa từng có.
Tại Việt Nam, tư lệnh ngành y tế cho hay, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng tư, đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
Kế thừa kết quả, kinh nghiệm phòng chống dịch trước đây, trong giai đoạn dịch thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị, huy động mọi người dân, với phương châm xuyên suốt của Chủ tịch nước là “chống dịch như chống giặc”.
Các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng các phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ covid dựa vào cộng đồng.
Cùng với đó, chủ động thiết lập bệnh viện dã chiến kịp thời; áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong quản lý, chăm sóc người nhiễm; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp…các bộ, ngành, các địa phương đã có các hỗ trợ kịp thời hiệu quả.
“Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan”, ông Long nói.
Về chiến lược vắc-xin, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và tổ chức tiêm vắc-xin.
Theo Bộ trưởng, thỏa thuận cung ứng vắc-xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax, với 38,9 triệu liều; tháng 11, hợp đồng được ký với Astra Zeneca, với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc-xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan.
Ông Long thông tin, đến thời điểm hiện nay chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác, với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, do tình hình khan hiếm vắc-xin toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn, (Covax cung ứng 3,86 tỷ liều nhưng đến nay mới cung ứng được 89,8 triệu liều cho 133 quốc gia đạt 2,5% theo kế hoạch); các trung tâm sản xuất vắc-xin của thế giới như Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên đã dừng xuất khẩu vắc-xin cho các nước.
Nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vắc-xin, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc-xin, vào quý 1 năm 2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc-xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Về chuyển giao công nghệ, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Với Nga, đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 2 chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc-xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 200 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm”, ông Long khẳng định.