Thu 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng
Tham gia phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, khi đề cập đến việc thu thuế từ kinh doanh trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã có sự chỉ đạo quản lý chủ động với dòng thuế này. Thời gian qua, ngành Thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng, trong đó các doanh nghiệp lớn như Facebook, Google nộp thuế khoảng 1.600 tỷ đồng.
“Chúng tôi rất chủ động trong thu, quản lý thuế bán hàng online và trên môi trường mạng xuyên biên giới”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Tư lệnh ngành Tài chính cũng cho biết, đã chỉ đạo Tổng Cục thuế xây dựng Cổng thông tin điện tử kê khai thuế xuyên biên giới và trên môi trường mạng. Ngày 21/3 tới, cổng thông tin này sẽ khai trương để doanh nghiệp nước ngoài bán hàng xuyên biên giới trực tiếp kê khai trên hệ thống và nộp thuế…
Còn ở trong nước, kết nối cơ sở dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, việc mua bán hàng qua mạng được kiểm tra, xác lập nhanh gọn, chính xác và loại bỏ các tài khoản ảo như trên thị trường chứng khoán.
Cũng tới 21/3 sẽ triển khai nộp thuế trên điện thoại di động, không phải đến cơ quan thuế, kho bạc. Theo ông Phớc, hiện đã phát hành 4 tỷ hoá đơn điện tử có mã, còn hơn 3 tỷ hoá đơn nữa sẽ phát và từ ngày 1/7 sẽ áp dụng hoá đơn điện tử trên 63 tỉnh, thành để quản lý chặt hơn.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu thụ
Về mặt hàng xăng dầu, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, “có thể có tình trạng găm hàng, chờ lên giá”. Chiết khấu bằng 0, cửa hàng sẽ không bán hàng ra. Sự cố ở Nghi Sơn cũng là nguyên nhân.
Về dự trữ quốc gia, ông Phớc cũng cho rằng, do chưa tách bạch được nên cơ quan quản lý cũng không biết được việc dự trữ trong kho của thương nhân đầu mối như thế nào. “Đây cũng là lỗ hổng cần khắc phục, cần tách bạch hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Quỹ bình ổn giá lâu nay tính bằng tiền. Hiện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, có thể tính bằng dự trữ hàng có được không, để có thể cung ứng hàng ngay”, ông Phớc cho hay.
Về các loại thuế, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nguyên liệu đầu vào không chỉ xăng dầu mà các mặt hàng khác như thép, dệt may, hoá chất, phụ thuộc vào nước ngoài. Về xăng dầu, số lượng nhập khoảng 10 triệu tấn dầu thô, trong khi đó, nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn chỉ đáp ứng được khoảng 5,5 triệu tấn. Nghĩa là chỉ đáp ứng 50%, còn 50% phải nhập khẩu. Thế nên có sự phụ thuộc nhập khẩu, khi giá dầu thô thế giới tăng, giá cơ sở trong nước cũng tăng lên.
Bộ trưởng ví dụ, với giá dầu thế giới ở mức 130 USD/ thùng thì giá cơ sở tính là 18.855 đồng, áp dụng mức thuế nhập khẩu 8% với khoảng 1.508 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% tương đương trên 2.000 đồng, chi phí định mức 6% tương đương trên 1.000 đồng, phí môi trường 4.000 đồng mỗi lít xăng, thuế giá trị gia tăng trên 2.800 đồng… Như vậy, khi giá dầu thô thế giới ở mức 130 USD/thùng, thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít. Tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu chiếm 33,5%.
Vì thế, theo Bộ trưởng, phương án giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Ông cũng cho biết, với mức giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu sẽ giảm thu ngân sách khoảng 31,9 nghìn tỷ đồng.
“Khi giá dầu thô tăng lên nền kinh tế của chúng ta rất thiệt hại, giá càng tăng sản xuất càng đình trệ. Cho nên sắp tới, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp, góp phần đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu và giảm thuế bảo vệ môi trường, vì thuế này thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên sẽ nhanh hơn”, ông Phớc khẳng định.
Lý giải vì sao xăng dầu thiết yếu lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt? Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là thuế gián thu. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm tiết kiệm tiêu thụ xăng dầu, cũng như các mặt hàng bia, rượu, thuốc lá… Đây đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay.