Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dừng đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67

TPO - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ năm 2018, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 17, thay đổi chính sách, ai có đủ điều kiện ra khơi, có năng lực, kinh nghiệm, có tiềm lực thì tự đóng tàu và nhà nước hỗ trợ một lần tối đa 35%, thay vì chạy theo ngân hàng 11 năm như Nghị định 67.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: Như Ý

Tại phiên chất vấn sáng nay, 6/11, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về các hạn chế, bất cập của chương trình đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 như tàu đóng ra nằm bờ, hỏng hóc, không hoạt động được, trong khi phát sinh nợ xấu, ngư dân giỏi trở thành con nợ tín dụng đen...

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh rất cần hỗ trợ, đầu tư khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, vì thời điểm 2014 các vấn đề của Biển Đông rất phức tạp.

Theo ông Cường, Nghị định 67 bao gồm 5 nhóm nội dung lớn gồm khuyến khích bảo hiểm để thuyền viên ra khơi; hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt; hỗ trợ công tác hậu cần; hỗ trợ phát triển phương tiện mới, mà nhiều người gọi là tàu 67.

Ông Cường thông tin, đến nay, đã đóng mới được 1.030 tàu theo chính sách này, với công suất từ 800 mã lực trở lên, bằng 3 loại vật liệu sắt, composite, gỗ, trong đó tàu sắt có 358 chiếc.

“Ở chỗ tàu này có một nhược điểm, đây là một phương tiện mới, do vậy quá trình đóng xảy ra chuyện để 40 tàu bị hỏng, trong đó có 21 cái của Bình Định. 29 cái khác thì hỏng hóc nhỏ. 21 cái kia của 2 công ty, thì Bình Định vào cuộc ráo riết, cho đến hơn 1 năm sau, toàn bộ đã được khắc phục”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, đến nay, còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 nằm bờ, không ra khơi. Nguyên nhân là do đánh bắt không hiệu quả, ngư trường quá tải; 2 chủ tàu đã qua đời; một số chủ tàu khác muốn chuyển đổi sang lĩnh vực khác...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trước tình hình này, Bộ đã tham mưu Thủ tướng có nhiều quyết sách, như không khuyến khích phát triển phương tiện nữa khi ngư trường đã quá tải; việc hỗ trợ tín dụng dài 11 năm là không phù hợp.

“Cơ chế đóng 1.030 cái tàu, khuyến khích lãi suất từ 5 – 7% tùy khối lượng giá trị của tàu. Cần thay phương thức này đi, không có tác dụng nhiều và tạo ra tâm lý ỉ lại. Thứ hai là theo đuổi ngân hàng rất vất vả, 11 năm không ai theo được”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17, ai có đủ điều kiện ra khơi, có năng lực, kinh nghiệm có tiềm lực thì tự đóng tàu và nhà nước hỗ trợ một lần, đóng xong con tàu nhà nước hỗ trợ tối đa 35% với trị giá từ 6 – 8 tỷ...

“Từ năm 2018 chúng ta chuyển hẳn sang dạng này, có 40 chiếc làm theo dạng này. Chỉ có dạng này thì người dân tự nguyện bỏ tiền ra, đủ điều kiện thì mới khai thác hiệu quả được. Đến nay có hơn 30 cái đã đóng xong đi vào hoạt động thì không có một điều tiếng gì”, ông Cường nói