Bộ trưởng GTVT: Ai chịu trách nhiệm thì đã chịu rồi

TPO - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, chưa có thông tin và chưa thấy ai nói dừng các dự án ODA đối với Việt Nam. Liên quan sai phạm tại ngành đường sắt, ai phải chịu trách nhiệm thì đã chịu rồi, có người đã bị bắt tạm giam.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với báo chí sáng nay, 4/6, bên lề Quốc hội. Ảnh: Ngọc Tiến

Phía Nhật thông báo chỉ cấp ODA đối với các dự án mới dựa trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân hoặc tập thể liên quan đến nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ. Tại sao vừa qua Việt Nam đã có thộng thái xử lý mạnh nhưng vẫn chưa đủ sự thuyết phục với phía bạn?

Vụ việc đang điều tra, đã bắt giam những cán bộ nghi vấn sai phạm rồi, nhưng còn phải có kết luận, đưa ra tòa xét xử và quan trọng là các giải pháp sắp tới làm sao để không tái diễn những vụ việc cũ và không xuất hiện cái mới.

Hai bên hiện phối hợp chặt chẽ, cả Đại sự quán Nhật Bản, JICA, và mới đây Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Ngoại giao Nhật Bản sang Việt nam cũng chỉ bàn xung quanh vấn đề này.

Từ vụ việc tại Đại lộ Đông Tây đến nay vẫn lặp lại vụ hối lộ tại dự án đường sắt. Phải chăng chúng ta chưa có giải pháp quyết liệt và kịch bản đối phó tình huống xấu, thưa Bộ trưởng?

Rất nhiều giải pháp đã được chúng ta đưa ra. Từ lập Ủy ban phòng chống tham nhũng của quốc gia, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo rõ rồi, là phải làm sao không để tham nhũng xảy ra, cán bộ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng....

Cụ thể các văn bản đó, các cơ quan ban ngành sửa đổi lại công khai minh bạch lên, tất cả mọi giải pháp. Nhưng chúng ta phải thấy cần phải có thời gian, phải thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Chính Phủ, của tất cả mọi người, trong đó có sự giám sát của người dân, báo chí. Tình hình sẽ tốt lên, chúng ta hướng tới tốt lên.

Để xảy ra tai tiếng như thế, ngành GTVT có trách nhiệm gì không?

Ai chịu trách nhiệm thì đã chịu rồi.

Còn trách nhiệm của nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nguyễn Hữu Bằng thì sao, có thông tin nói đã bị tạm giam?

Chưa bao giờ tôi nói anh Bằng bị tạm giam, khi công an gọi lên là tạm giữ hành chính để làm việc chứ không phải là tạm giam. Tạm giam và tạm giữ khác nhau. Tạm giữ sau đó họ cho về, còn tạm giam nó lại khác, tôi chưa nói tạm giam bao giờ cả.

Ngoài ông Bằng còn có Phó Tổng giám đốc nữa cũng bị công an mời làm việc?

Có một Phó Tổng giám đốc nữa là anh Tảo cũng thường xuyên làm việc với công an, bây giờ người ta hỏi xong rồi, giờ không hỏi nữa, gọi lên làm việc bình thường thôi.

Giả sử có việc Nhật Bản cắt ODA thì ảnh hưởng đến dự án của mình thế nào?

Tại sao đi đặt vấn đề tiêu cực như vậy. Phải đặt vấn đề là xử lý nghiêm vụ việc xảy ra và phải quản lý chặt ODA trong thời gian sắp tới.  Chứ không nên đặt vấn đề tiêu cực thế là người ta cắt nọ cắt kia.      

Hiện nay nếu dự án không cấp vốn nữa thì chúng ta sẽ có biện pháp như nào để hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực?

Dự án mới dừng ở khâu tư vấn thôi, hiện nay hai bên vẫn phụ thuộc vào kết quả xử lý và các biện pháp đề phòng sắp tới. Hiện nay, hai bên làm rất tốt, cả Đại sứ, Sứ quán, cả JICA đều nói là triển vọng rất tốt. Trong vụ việc tiêu cực này, trong 3 nước vi phạm chỉ có Việt Nam là hợp tác và thực hiện tốt nhất.

Cách đây mấy năm đã có dự án bị ngừng cấp vốn, từ đó đến nay chúng ta rút ra được bài học nào, thưa Bộ trưởng?

Có nhiều bài học được rút ra. Các cụ nói mỗi lần vấp ngã là phải một lần đứng dậy, muốn đứng dậy thì phải rút kinh nghiệm, tất nhiên có nhiều bài học kinh nghiệm.

Bài học thành công có mà bài học thất bại có. Khi thành công chúng ta có bài học kinh nghiệm, khi thất bại cũng có bài học kinh nghiệm. Trong vụ việc này cũng thế thôi, đều phải rút kinh nghiệm, đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn, còn làm chưa tốt thì phải tránh lặp lại chuyện đó.

Trong công tác quản lý cán bộ giao thông vận tải, ông thấy cần phải chỉnh đốn thế nào sau việc này?

Việc này có liên quan đến ODA đâu...

Trong các đối tác ODA, ngoài Nhật ra, còn có các đối tác khác, vậy chúng ta có triển khai các biện pháp phòng ngừa đề phòng trường hợp tương tự?

Làm tất cả chứ. Thứ nhất là Bộ đã chỉ đạo thanh tra các dự án mà có JTC, không chỉ là đường sắt; thanh tra tất cả các dự án ODA mà ngành đường sắt đang làm. Đồng thời sẽ thanh tra tất cả các dự án ODA của ngành GTVT, tự kiểm tra để phát hiện và xem xét lại, chỗ nào có thể có sơ hở về quản lý thì phải chấn chỉnh ngay.

Vừa rồi, Bộ có rà soát hàng loạt các dự án mà JTC thực hiện, qua rà soát có phát hiện các sai phạm ở các dự án khác không?

       Qua rà soát vừa rồi thì JTC mới chỉ làm các dự án đường sắt thôi, không có làm các lĩnh vực khác. Hiện nay, thanh tra vẫn đang làm và chưa có kết luận cuối cùng, kết luận thì sẽ công khai hết.

Hiện đã xử lý trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt, ở cấp Bộ có xem xét người phụ trách trực tiếp không, thưa Bộ trưởng?

Người phu trách thì làm sao xem xét được. Người ta phê duyệt đúng, còn lại ở dưới triển khai có khuyết điểm, khuyết điểm đâu xử lý đấy.

Nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được có những người phụ trách ở Bộ trực tiếp tham gia việc này thì sao?

Cơ quan chức năng yêu cầu xử lý thì Bộ xử lý. Nhưng hiện tại Bộ đã cho kiểm điểm trách nhiệm của tất cả, trong thẩm quyền của Bộ chỉ làm đến thế thôi. Còn ai bị sao thì đã bị rồi.

Cụ thể trách nhiệm của thứ trưởng phụ trách ra sao?

Thứ trưởng phụ trách ký duyệt các dự án, chủ trương, còn bên dưới không phải sai do chủ trương, mà sai do triển khai thực hiện cụ thể. Nếu anh quyết định sai chủ trương thì mới xử lý người quyết định chủ trương được chứ.

Dư luận cũng băn khoăn để xảy ra một vụ việc lớn như vậy ở ngành Đường sắt mà thứ trưởng phụ trách trực tiếp lại không biết, thưa Bộ trưởng? 

Thực tế là làm sao mà biết được. Nó bàn ở đâu, làm sao biết được việc đó.

Cảm ơn Bộ trưởng!